Bộ trưởng Công thương: “EVN tăng giá điện 5% là có trách nhiệm với nhân dân”

(Dân trí) - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, mức tăng giá điện 5% là hoàn toàn hợp lý, không ảnh hưởng nhiều đến đại bộ phận người làm công ăn lương. Đồng thời cho rằng, thời điểm tăng giá còn cách xa Tết Nguyên đán.

Chiều 6/1, tham gia đối thoại với nhân dân trong chương trình truyền hình trực tuyến của Công thông tin điện tử Chính phủ , Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã đi thẳng vào trả lời những vấn đề, mà như theo cách nói của ông là “không cũ nhưng luôn nóng và được quan tâm”.
 
Bộ trưởng Công thương: “EVN tăng giá điện 5% là có trách nhiệm với nhân dân” - 1
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (Ảnh minh họa)

Trước chất vấn cho rằng, việc giá điện tăng giá 5% vừa qua là chưa sòng phẳng và không hợp lý khi đưa ra vào thời điểm nhạy cảm ngay trước 2 cái Tết liên tiếp là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, Bộ trưởng khẳng định, “theo tôi là tương đối hợp lý”.

Ông dẫn ra 3 lý do biện giải cho luận điểm của mình: Thứ nhất, sau một thời gian chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm lại, Bộ trưởng cho rằng, khả năng nhìn thấy là sẽ có thể thực hiện được chỉ tiêu khống chế lạm phát năm 2011 ở mức 18%. Tuy nhiên, trên thực tế, mức tăng giá điện này không được tính cho CPI của tháng 12/2011 mà gối sang tháng 1/2012.

Thứ hai, theo Bộ trưởng, thời điểm điều chỉnh giá điện (20/12/2011) vẫn còn cách tương đối xa thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Và thứ 3 là tỷ lệ điều chỉnh này vẫn ở mức thấp.

Người đứng đầu ngành công thương cũng cho biết, trước khi có quyết định tăng giá điện, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã có tính toán và báo cáo Chính phủ có thể tăng trên 10% là mức chấp nhận đươc. Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã công bố, mức tăng giá có thể lên đến 15%.

Tuy nhiên, do việc điều chỉnh giá điện chắc chắn sẽ tác động đến lạm phát, ảnh hưởng đời sống nhân dân, nên ngành điện đã xin ý kiến của Bộ Công thương và Chính phủ.

Mức tăng 5% vừa rồi mới chỉ tính đến biến động chi phí trực tiếp đầu vào như xăng dầu, nhân công... mà chưa tính đến các khoản lỗ do kinh doanh điện của các năm trước.

“Ngành điện đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có trách nhiệm với đời sống người dân. Lần điều chỉnh này, người nghèo, người dùng từ dưới 100kWh giờ không ảnh hưởng, tức là đại bộ phận người dân, người làm công ăn lương không bị ảnh hưởng.” – lãnh đạo Bộ Công thương nhận xét.

Hàng loạt lý do chính đáng để tăng giá điện!

Trên góc độ nhà quản lý chính sách, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra hàng loạt lý do chính đáng cho rằng tăng giá điện là đúng đắn, hợp lý và cần thiết.

Thứ nhất, Bộ trưởng nói, tình hình cung ứng điện trong thời gian vừa qua có thể tóm gọn lại từ “căng thẳng”. Theo đó, việc cung cấp điện thời gian qua luôn căng thẳng, lúc vào mùa khô, lúc vào cuối năm, có thời điểm căng thẳng quanh năm.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện lại rất cao. Bộ trưởng nhận xét, “có lẽ rất ít nền kinh tế nào trên thế giới lại có nhu cầu về điện tăng cao như Việt Nam với mức tăng bình quân 15%/năm trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, hiệu suất sử dụng điện năng lại quá thấp, chúng ta phải đầu tư 2-2,5 đơn vị điện để tăng trưởng GDP 1- 1,5%”.

Giữa bối cảnh đó, giá điện lại luôn được duy trì ở mức thấp, thậm chí thấp hơn giá thành, vì ngành điện phải thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, bên cạnh mục tiêu cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Do giá rẻ nên không khuyến khích được người dùng có ý thức tiết kiệm điện, cản trở tính hấp dẫn của nhà đầu tư vào ngành điện. Và một cái hại nữa là không khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Vì vậy, trước tất cả thực tế đó, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã đi đến nhất quán một chủ trương là ngành điện phải hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, điều này đỏi hỏi có lộ trình, tăng giá điện phải tính toán tác động đến kinh tế, đời sống. Lộ trình ngắn quá thì nền kinh tế không chịu đựng được nhưng lộ trình dài quá thì ảnh hưởng tiêu cực đến ngành, tính về lâu dài, cung ứng điện sẽ càng khó khăn, bất lợi cho chính người tiêu dùng.

Bích Diệp