Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Vay hôm nay hãy nghĩ cho đời con cháu!

(Dân trí) - Mặc dù không công bố cụ thể quy mô vốn được các đối tác phát triển cam kết tài trợ cho năm 2014, tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng tiết lộ, con số này không thấp hơn mức cam kết cho 2013 (gần 6,5 tỷ USD).

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Vay hôm nay hãy nghĩ cho đời con cháu!
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành trọn thời gian để đối thoại với các đối tác phát triển tại VDPF 2013
(Ảnh: BD).


Vốn cam kết tài trợ cho năm 2014 không dưới 6,5 tỷ USD


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

CTCK lớn ngày càng chiếm thị phần cao hơn

Vàng Phước Sơn, Bồng Miêu xuất khẩu hơn 300kg vàng

Zalora tiếp tục được đầu tư 112 triệu USD

Báo Mỹ: Thị trường BĐS Việt Nam đang thoát đáy

Trao đổi với báo giới sau khi khép lại Diễn đàn đối tác phát triển (VDPF 2013), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, theo thông lệ quốc tế, các đối tác phát triển sẽ giảm hỗ trợ ODA, đặc biệt là giảm hỗ trợ nguồn IDA – tức là nguồn viện trợ không hoàn lại và viện trợ với lãi suất ưu đãi cho Việt Nam, dành tiền này cho các quốc gia nghèo hơn.

 

Tuy nhiên, với sự vận động của Việt Nam và những cố gắng của Việt Nam, các nhà tài trợ vẫn tiếp tục cam kết, về cơ bản không giảm tổng mức đầu tư ODA trong năm 2014.

 

"Trong tay chúng tôi đã có số liệu của các nhà tài trợ cam kết cho năm 2014 đưa ra hôm nay, theo quy định không thể công bố, nhưng tôi có thể nói rằng, con số này không thấp hơn năm 2013. Điều đó thể hiện sự quan tâm của các nhà tài trợ cho Việt Nam" - Bộ trưởng tiết lộ.

 

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, vấn đề không chỉ nằm ở nguồn tiền, nguồn hỗ trợ ODA mà chính là mối quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác phát triển đã có sự nâng tầm. Hai bên sẽ cùng ngồi lại thảo luận Chính phủ Việt Nam cần những chiến lược nào, cần hành động như thế nào trong giai đoạn tới. Một khi đã thống nhất được các chiến lược, hoạch định được các chính sách thì bên đối tác sẽ cung ứng nguồn lực để thực hiện.

 

Bộ trưởng khẳng định, các nhà tài trợ luôn đồng hành với Chính phủ Việt Nam và sẽ kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ cho những chính sách đạt được đồng thuận. Điều này đồng nghĩa với việc, bên cấp viện trợ và cho vay đang đầu tư có mục tiêu.

 

Trong phiên làm việc hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành trọn vẹn nửa ngày để cùng với các Bộ trưởng, Thứ trưởng và các lãnh đạo khác của cơ quan trung ương cũng như địa phương để tham gia diễn đàn. Thủ tướng đã trả lời một cách thẳng thắn tất cả các vấn đề được các đối tác phát triển quan tâm, tạo được niềm tin to lớn, sự phấn khích với các đối tác phát triển, tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa với Việt Nam - Bộ trưởng Vinh cho biết.

 

Vay có trách nhiệm với thế hệ sau

 

Qua báo giới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhắn nhủ: "Tôi cũng muốn thông báo đến tất cả các địa phương, bộ ngành và nhân dân rằng, Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, chúng ta đã có một bước trưởng thành và cần phải thay đổi cách tư duy về vấn đề ODA. Theo đó, trước đây chúng ta nhận ODA với mong muốn là viện trợ không hoàn lại, là cho không hoặc vay ưu đãi. Chính vì sự cho không và ưu đãi quá lớn nên chúng ta đã sử dụng, ở một chừng mực nào đó, là không hiệu quả".

 

Tuy nhiên, hiện nay, bối cảnh đã thay đổi, Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, chính sách quốc tế cũng đã giảm dần tỉ trọng cho vay ưu đãi và cho không để chuyển dần sang vay thương mại. Theo lưu ý của Bộ trưởng, mặc dù vay thương mại vẫn với lãi suất thấp nhưng đã là đi vay thì phải sử dụng dòng vốn không chỉ cho kết cấu hạ tầng, cho những dự án có thể thu hồi được vốn mà còn phải cam kết sử dụng cho các chương trình phát triển xã hội xóa đói giảm nghèo... Như vậy trách nhiệm quản lý và sử dụng đồng tiền ODA cần phải cao hơn.

 

Ông nhấn mạnh, "chúng ta cũng phải nhớ rằng, đây không phải là tiền cho không, đây là tiền vay của Chính phủ Việt Nam trong dài hạn. Chúng ta vay hôm nay thì con cháu chúng ta trong đời sau sẽ phải trả nợ, cho nên chúng ta phải có trách nhiệm nhận thức lại về xin các dự án bằng nguồn vốn ODA".

 

Ông nhắc lại, đã có thời kỳ, người Việt Nam nhìn nhận ODA là "thứ cho không" - một thứ nhận thức rất nguy hiểm. Thế nên, xảy ra tình trạng, bất cứ bộ nào, địa phương nào xin được dự án là cứ xin, vay được là cứ vay, còn công tác thẩm định, phê duyệt cũng rất dễ dàng, bởi nghĩ rằng sau 40-50 năm mới phải trả, thời gian rất dài, lãi suất lại thấp, thậm chí cho không nên cứ thế dùng.

 

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, trong vay vốn và nhận viện trợ, thái độ của Việt Nam không còn là xin bằng mọi giá, vay bằng mọi giá mà phải tính toán hiệu quả, vay vốn về làm gì, tạo ra hiệu quả kinh tế ra sao, tác động xã hội như thế nào. Dự án đã vay thì phải có khả năng hoàn trả.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu cho Chính phủ kiểm soát chặt chẽ các dự án vốn vay, không thể dễ dàng như trước, phải có khả năng hoàn trả thực sự mới được cho vay. Theo Bộ trưởng, như vậy mới là người quản lý sử dụng đồng tiền phù hợp với mong muốn của các nhà tài trợ và cũng thể hiện trách nhiệm với thế hệ tương lai của đất nước.

 

Tại Hội nghị các nhà tài trợ (CG) tháng 12/2012, tổng số tiền cam kết của các đối tác phát triển "chốt" cho Việt Nam trong năm 2013 là 6,485 tỷ USD (gần 6,5 tỷ USD). 

Con số tài trợ này không bao gồm những nội dung riêng biệt dành cho tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng mà chỉ bao gồm những chi phí chung liên quan đến hoạt động nghiên cứu tái cơ cấu. Những nội dung này được hỗ trợ từ các dự án riêng của các đối tác phát triển. 

Trong số này, Nhật Bản cung cấp 2,6 tỷ USD, EU cung cấp 743,16 triệu Euro - thành viên đóng góp nhiều nhất là Pháp với 261,5 triệu Euro.
Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước