Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định không "tô hồng" số liệu
(Dân trí) - Bộ trưởng Vinh khẳng định những con số mà các Bộ, ngành báo cáo không “tô hồng” mà bám sát thực tế. Tất nhiên, ở nhiều góc nhìn khác nhau thấy các bình diện khác nhau. Lúc này, niềm tin là điều quan trọng và chúng ta phải xây dựng niềm tin.
Sáng nay 1/10, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh đã giải trình những băn khoăn của đại biểu Quốc hội về tính chính xác của các con số thống kê, đặc biệt là cách tính GDP.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt có 350 chỉ tiêu quốc gia, trong đó có 146/350 chỉ tiêu được giao cho ngành thống kê tính toán, chiếm 42% tổng số chỉ tiêu quốc gia. Còn lại 58% số chỉ tiêu thuộc các Bộ, ngành có trách nhiệm tính toán.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
“Hệ thống Tổng cục Thống kê của ta dù chưa phải hiện đại, toàn diện nhưng đã được quan tâm nên đã có hệ thống dọc từ Trung ương đến Cục Thống kê địa phương và phòng thống kê các huyện thị, đồng thời có hệ thống chân rết các điều tra viên ở cơ sở. Hệ thống thống kê của ta đã hòa nhập quốc tế nên phương pháp thống kê của ta tương thích với phương pháp khoa học của toàn thế giới. Việt Nam không còn đứng riêng. Hàng năm các chỉ số tính toán, thống kê đều được các tổ chức quốc tế kiểm định.
Theo nhận định của Bộ trưởng, các con số thống kê do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố, về cơ bản chấp nhận được còn nói chính xác hoàn toàn thì chưa dám khẳng định. Vì nó phụ thuộc vào đối tượng chúng ta điều tra.
Bộ trưởng Vinh cho rằng: Ở nước ngoài pháp lệnh thống kê, pháp lệnh về thuế được người dân chấp hành nghiêm túc. Nhưng ở Việt Nam thì không phải như vậy, nhiều khi điều tra viên xuống gặp cơ sở khó và trả lời cũng không chính xác. Những mẫu thống kê có cách tính khoa học nhưng đầu vào không phải lúc nào cũng chính xác. “Cho nên chúng ta không nên tuyệt đối hóa, nhưng có phương pháp khoa học để loại trừ rủi ro này và có những căn cứ để tin cậy được”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Vinh, các Bộ, ngành hiện không có bộ phận thống kê riêng nên chủ yếu dựa vào các cơ sở, địa phương báo cáo lên. Điều này sẽ sai số nhiều và độ chính xác sẽ thấp hơn, ngay cả cách tính GDP của địa phương đã khác trung ương rất nhiều.
Do đó, “chúng ta đang có lộ trình để khắc phục những nhược điểm này. Ngay trong 15 chỉ tiêu của kế hoạch năm 2013 thì chỉ có 8/15 chỉ tiêu do Tổng cục Thống kê tính toán, công bố, còn lại do các Bộ, ngành công bố”, theo Bộ trưởng.
Đề cập tới cách tính GDP mà đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói là sợ dự báo tăng trưởng đạt 5,4% trong năm 2013 là đánh giá màu hồng, Bộ trưởng Vinh cho biết: “ Tôi khẳng định con số này là dự báo cả năm nhưng hết tháng 9/2013, theo công bố số liệu của Tổng cục Thống kê là đạt 5,14%, như vậy cao hơn một chút so với 9 tháng 2012 (5,1%). Tôi cho rằng con số này là khiêm tốn và tôi hoàn toàn có căn cứ để chứng minh”.
Còn con số dự báo hết năm có đạt được hay không, theo Bộ trưởng Vinh, là sự thách thức với sự điều hành của Chính phủ cũng như nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương. Nếu các chính sách tốt đi vào cuộc sống và hoạt động có hiệu quả thì đạt được 5,4%. Bằng không, chúng ta tiếp tục không làm được thì có thể không đạt. Nhưng con số đến 9 tháng là có căn cứ.
Niềm tin là quan trọng
Cũng nói về tăng trưởng GDP, Bộ trưởng Vinh cho rằng: Tăng trưởng kinh tế quý I tăng 4,76; quý II tăng 5%; quý III tăng 5,54% và dự báo quý IV tăng 5,6 - 5,7%. Trên cơ sở đó, “chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta đạt mức 5,3 - 5,4% so với mức của năm ngoái là không có vấn đề gì về thống kê”, Bộ trưởng khẳng định.
Và theo Bộ trưởng Vinh, kinh tế Việt Nam đang có chuyển biến. Điển hình là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8% so với năm trước; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,7%, dự báo đến cuối năm tăng trên 15%. Những con số này, theo Bộ trưởng là có sự “đo đếm chính xác”.
Ngoài ra, các chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dần từng quý. Các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ đang có mức tăng, chuyển biến rất tốt. FDI 2013 cũng tăng nhiều, ODA giải ngân cũng tốt.
Trong lĩnh vực FDI, giá trị sản xuất ra rất lớn. Bộ trưởng nêu ví dụ về nhà máy Samsung Bắc Ninh, giá trị tăng thêm năm 2013 là 2 tỷ USD; với xuất khẩu của nhà máy đạt 22 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2012…
“Những con số này chứng minh một điều, sản xuất của ta đã phục hồi dù chưa được nhiều và chưa căn bản. Trong các lĩnh vực xây dựng, xuất nhập khẩu đều có chuyển biến tích cực. Tất nhiên, ở nhiều góc nhìn khác nhau thấy các bình diện khác nhau. Lúc này, niềm tin là điều quan trọng và chúng ta phải xây dựng niềm tin để vươn tới, chúng ta không tô hồng và bôi đen”.
Nói về tăng trưởng của địa phương, Bộ trưởng Vinh cho biết hiện có Lâm Đồng và Hà Tĩnh tăng trưởng cao. Trong đó, Lâm Đồng đưa ra kế hoạch tăng trưởng ở top cao nhất cả nước 15-16% so với 2012. Theo số liệu báo cáo của tỉnh, đến hết 9 tháng, Lâm Đồng đã tăng 14,8%, đây là mức tăng thuộc top cao nhất cả nước.
“Chúng tôi nghiên cứu xem con số này có chính xác không? Tại sao cả nước có 5,4% mà Lâm Đồng tăng 14,8%? Lâm Đồng có lý. Thứ nhất do khai khoáng tăng cao, 240.000 tấn alumin, sản lượng điện tăng lớn do mới đưa một tổ máy mới vào hoạt động, diện tích cà phê tăng mạnh và giá trị gia tăng của nông nghiệp rất cao… Ba yếu tố làm tăng trưởng của Lâm Đồng cao. Có thể con số này chưa chính xác nhưng có thể thấy rằng, kinh tế của một tỉnh miền núi như Lâm Đồng đang phát triển, chuyển biến. Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng nghĩ sao về điều này? Chúng ta nhìn chính quê hương ta thì thấy đất nước ta chuyển biến”, Bộ trưởng Vinh nói.
Nhận định đây là thời điểm quan trọng của đất nước khi năm 2013 là năm giữa nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi hết sức lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội. Nhiều ý kiến hay, phân tích kỹ tình hình, nhìn nhận thẳng thắn. Quan trọng là chúng ta cần bàn cái gì trong 2 năm tới, làm như thế nào, trong 2 năm tới chuẩn bị những gì trung hạn cho 2016 - 2020. Nếu không chuẩn bị sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.