1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Hết thời cơ chế xin - cho

(Dân trí) - “Chúng ta chuyển sang một phương thức tiếp cận mới đó là chọn - bỏ. Chọn - bỏ là những gì cấm thì ghi vào trong luật, anh không ghi, anh thiếu có nghĩa là tôi được quyền làm”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) đánh giá: Lần sửa đổi có bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. “Mức đột phá thể hiện điểm rất quan trọng theo Hiến pháp 2013, chúng ta chuyển một cách quản lý theo chọn - cho sang quản lý lại chọn - bỏ. Tức là trước đây cho cái gì làm cái đó, bây giờ cái gì không cho thì quy định bỏ, còn lại được hết. Đây là một đột phá mang tính cách mạng, tôi rất ủng hộ tư tưởng này”.

 

Tiếp lời của đại biểu Lịch, giải trình về Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), với tư cách là cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Cái mới nhất của Luật đầu tư (sửa đổi) lần này, chính là thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật.

 

Theo Bộ trưởng Vinh, phương pháp tiếp cận của chúng ta từ trước đến nay là phương pháp tiếp cận chọn - cho. “Nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật, chúng ta không thể ghi đủ hết tất cả những thứ cần cho. Bởi vì xã hội chúng ta cần quá nhiều ngành nghề, thậm chí có nhiều ngành nghề phát sinh mới. Cho nên mỗi một lần danh mục không có trong luật, các nghị định thông tư quy định thì doanh nghiệp và người dân lại phải đi xin, xin các cơ quan quản lý nhà nước. Xin mà không có trong luật, người thích thì cho người không thích thì không cho ... làm cho rất tốn kém, khó khăn và không minh bạch”, Bộ trưởng lý giải.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

 

Vì thế, dự thảo Luật lần này chuyển sang một phương thức tiếp cận mới đó là chọn - bỏ. Thừa nhận đây là phương pháp tiếp cận cực kỳ tiên tiến và minh bạch nhưng vô cùng khó làm, ông Vinh cho hay: “Chọn - bỏ là những gì cấm thì ghi vào trong luật, anh không ghi, anh thiếu có nghĩa là tôi được quyền làm. Chính vì vậy chúng ta đã đưa ra phương án là chọn - bỏ. Đây là một thay đổi rất mạnh mẽ của Chính phủ và của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban thường vụ Quốc hội rất ủng hộ việc này. Cho nên chúng tôi là cơ quan soạn thảo đã phối hợp cùng với Ủy ban Kinh tế, cơ quan thẩm tra, đã làm việc hết sức tích cực”.

 

Bộ trưởng nói: Trong luật này quy định những gì chúng ta thấy bất hợp lý, cần phải bổ sung mới thì có Điều 8 là được quyền rà soát xem lại, với thủ tục là rút gọn. “Đây là một điều rất tốt để cho trong một năm chúng ta thấy có bất hợp lý cần tiếp tục phải loại bỏ ra, chúng ta vẫn trình Quốc hội để bỏ ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, hoặc đưa vào, hoặc bỏ ra. Đây là những vấn đề chúng tôi cho là rất tốt, chính là làm sao ngày càng minh bạch hơn, rõ ràng hơn và đi tới một điều là mọi việc đều được minh bạch, không xin cho. Đây là vấn đề cơ quan soạn thảo, cũng như dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội, chúng tôi nghĩ cần phải làm điều này”, Bộ trưởng Vinh lý giải thêm.

 

Cũng theo Bộ trưởng Vinh, những quy định trong dự thảo Luật đã thể hiện được sự bảo hộ đầu tư đối với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, minh bạch và phù hợp với các thông lệ của quốc tế là điều chúng ta đã và đang làm về việc này. Đặc biệt, luật cũng đã cập nhật tất cả những quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư, cam kết, bồi thường thỏa đáng khi lấy tài sản của họ, trong trường hợp đặc biệt quốc hữu hóa, tư nhân hóa đều phải bồi thường một cách sòng phẳng.

 

Đề cập tới thủ tục thông thoáng, ông Vinh cho hay: Trong tất cả các quy định này, chúng ta đã quy định một cách không bỏ toàn bộ thủ tục, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước, không áp dụng một thủ tục nào.

 

“Đây không phải là buông lỏng, chúng tôi đã đối chiếu với tất cả các luật khác. Luật chuyên ngành chúng ta cũng quy định quá chặt, cụ thể, cho nên không nhất thiết bắt doanh nghiệp phải làm trùng lặp lại. Để cho thông thoáng, cho thuận lợi, tất cả các nhà đầu tư trong nước thì không bắt buộc phải điều này”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

 

Riêng với nhà đầu tư nước ngoài, ông Vinh cho biết, luật phải chặt chẽ hơn, không thể cào bằng. “Khi anh đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, anh đã được thành lập doanh nghiệp trong nước thì anh được hưởng các công bằng, không phân biệt, đối xử. Một khi anh mới vào thì anh phải chịu kiểm soát, không có nước nào không kiểm soát. Chúng ta càng cần kiểm soát hơn trong điều kiện hiện nay. Chỉ có điều kiểm soát này là chính đáng, kiểm soát này là minh bạch, rút ngắn thời gian”, ông Vinh nói.

 

Đặc biệt, theo ông Vinh, “trong Luật doanh nghiệp chiều nay, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để xem xét một vấn đề rất quan trọng là không cần hoặc không bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu. Cái này trên thế giới bỏ lâu rồi, chỉ còn vài nước bắt buộc doanh nghiệp sử dụng con dấu, trừ cơ quan nhà nước, còn lại doanh nghiệp là phải tiếp cận theo hướng đó, minh bạch như vậy, chứ không thủ tục và những phiền hà cho doanh nghiệp là còn rất lớn”.

 

Nguyễn Hiền

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm