Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi):

"Đã minh bạch hóa môi trường đầu tư ở những lĩnh vực quan trọng nhất”

(Dân trí) - “Ban soạn thảo đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, cân nhắc các giải pháp, đưa ra được những đột phá trong các thủ tục hành chính và trong việc minh bạch hóa môi trường đầu tư kinh doanh ở những lĩnh vực quan trọng nhất’, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng nay 10/11, Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đa số các đại biểu tham gia góp ý đều đánh giá cao các nội dung của dự thảo luật.

 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, không cần phải nói thêm tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng với cộng đồng doanh nghiệp của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp tạo khuôn khổ cho mọi hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Cũng không cần phải lý giải tại sao cộng đồng doanh nghiệp lại quan tâm đến các đột phá lần này trong 2 dự luật này sau khi Hiến pháp 2013 đã ghi nhận quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực không cấm và trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang rất cần động lực mới cho sự phát triển.

 

“Ban soạn thảo dưới sự chỉ đạo và thẩm định của ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và đã cân nhắc các giải pháp khác nhau, đưa ra được những đột phá khác nhau trong các thủ tục hành chính và trong việc minh bạch hóa môi trường đầu tư kinh doanh ở những lĩnh vực quan trọng nhất’, đại biểu Lộc hào hứng bày tỏ.

 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá cao lần sửa đổi này của dự Thảo Luật Đầu tư (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá cao lần sửa đổi này của dự Thảo Luật Đầu tư (ảnh: Việt Hưng).

 

Thủ tục đầu tư đột phá ấn tượng nhất của dự thảo luật lần này, theo đại biểu Lộc, về thủ tục đầu tư thực chất là không còn thủ tục đầu tư với đa số các nhà đầu tư. “Cải cách lần này của dự thảo đã chạm được vào tâm điểm của vấn đề đầu tư và kinh doanh về bản chất là một và sau khi đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh thì các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp có quyền tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần làm thêm bất cứ thủ tục đầu tư nào khác. Nói như vậy không có nghĩa là hoạt động đầu tư ở Việt Nam bị bỏ ngỏ, không được kiểm soát’, đại biểu Lộc nhận xét.

 

Vị Chủ tịch VCCI cho rằng, lần này, Ban soạn thảo đã thiết kế được một cơ chế bộ lọc là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án tiềm tàng, có ảnh hưởng đặc biệt lớn với môi trường, dân cư, an ninh, quy mô vốn lớn, sử dụng đất lớn áp dụng không thực hiện với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng đây cũng là điểm mà đại biểu Lộc băn khoăn, ông nói: “Về phạm vi lọc, trong số các dự án xếp vào diện phải lọc này chúng ta chưa thấy các dự án sử dụng nhiều tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên không tái tạo trừ trong lĩnh vực dầu khí. Tôi cũng chưa thấy các dự án sử dụng nhiều năng lượng. Tại sao với các dự án sử dụng nhiều đất đai thì chúng ta quản lý chặt chẽ còn với các dự án sử dụng nhiều năng lượng - nguồn lực quan trọng không kém nguồn lực đất đai thì chúng ta lại bỏ qua? Vì vậy, tôi đề nghị phải bổ sung thêm nhóm các ngành nghề này, các dự án phải chấp thuận chủ trương đầu tư.

 

Về cách thức lọc, chúng ta ghi rõ trong dự thảo quy trình lọc dự án với quy đnh trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định nhưng chúng ta chưa thấy cái lưới lọc, tức là các tiêu chí để lọc đâu cả. Đây chính là điểm mà chắc chắn bất kỳ nhà đầu tư nào cũng băn khoăn, cơ quan thẩm định dựa vào đâu để kết luận đồng ý hay không đồng ý với việc đầu tư của người dân, doanh nghiệp và người dân nếu không đồng tình với kết luận của cơ quan thẩm định thì có thể dựa vào đâu để khiếu nại?. Dự thảo rất minh bạch trong quy trình nhưng chúng ta lại chưa minh bạch về tiêu chí và sự không minh bạch về tiêu chí có thể vô hiệu hóa sự minh bạch về quy trình và các sự minh bạch khác. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung quy định tiêu chí thẩm định các dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư’, đại biểu Lộc đề xuất.

 

Ngoài ra, theo đại biểu Lộc, về nhà đầu tư nước ngoài, với tính chất khá đặc biệt của nguồn vốn và quy định khá lỏng lẻo của chủ đầu tư với nơi đầu tư  và nguy cơ chuyển dịch rất nhanh chóng của dòng vốn ra khỏi lãnh thổ đầu tư , đặc biệt trong bối cảnh thế giới hiện nay thì các dự án đầu tư nước ngoài luôn được đặt dưới sự kiểm soát ... Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục duy trì thủ tục cấp giấy chứng nhận đặc ký đầu tư để quản lý và phải nhận diện được họ , đầu tư vào lĩnh vực gì, lớn đến đâu, đến bao giờ là bình thường là cần thiết. Tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài chân chính không phàn nàn gì về thủ tục này. Vấn đề là với dự thảo này thì thật khó để xác định chính xác đâu là nhà đầu tư nước ngoài và vì thế không cần biết ai là ai và ai theo cơ chế nào.

 

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (tỉnh Thái Bình), điểm đột phá quan trọng nhất của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là Ban soạn thảo đã đưa ra được danh mục cụ thể, chi tiết ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trên cơ sở này, người dân, doanh nghiệp sẽ chủ động chọn lựa mà mình có lợi thế, giảm thiểu các thủ tục hành chính dẫn đến việc “xin - cho” như trước đây.

 

Nhấn mạnh thêm về quy định ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nói: “Nỗ lực này của ban soạn thảo đã đáp ứng được mong muốn của nhiều đại biểu Quốc hội và cộng đồng doanh nghiệp, đây được coi là điểm rất sáng, một điểm tiến bộ vượt bậc của Luật đầu tư sửa đổi lần này”.
 

Tán thành cao quy định này trong dự thảo luật, song đại biểu Hường cho rằng: “Do điều kiện đầu tư kinh doanh có điều kiện cụ thể đối với 272 ngành nghề này sẽ được quy định theo các Pháp lệnh, Nghị định mà Luật đầu tư lần này dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 nên tôi đề nghị Chính phủ sớm ban hành chi tiết việc phân bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh để dự án Luật sớm đi vào cuộc sống”.

 

Nguyễn Hiền 
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”