Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đối thoại trực tuyến với nhân dân

Hôm nay, 5/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Dân trí xin trích nguyên văn cuộc đối thoại này trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
 
Cuộc đối thoại sẽ được truyền hình trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, được truyền hình trực tiếp trên kênh Invest Tv- VCTV 15- Truyền hình cáp Việt Nam và trên kênh VTC1- Đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Đồng thời được thông tin rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông khác để cung cấp thông tin tới các tầng lớp nhân dân trong nước, bà con Việt Kiều, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 
Đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến với người dân, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
 
Bạn Đỗ Tùng Linh ở địa chỉ

Bạn Đỗ Tùng Linh ở địa chỉ Linhdotung70@gmail.com hỏi: Thưa Bộ trưởng, trong những năm gần đây tình trạng cấp đất tràn lan cho các dự án đầu tư xây dựng tại các đô thị trong cả nước rất phổ biến, không theo quy hoạch dẫn đến phát triển đô thị thiếu đồng bộ… Cùng với đó là việc tổ chức thực hiện quy hoạch tại các địa phương còn nhiều bất cập, điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhiều lần… dẫn đến phá vỡ quy hoạch và không kiểm soát được quá trình phát triển đô thị. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Trước khi trả lời, tôi xin chào quý vị khán thính giả, độc giả. Tôi cảm ơn Cổng TTĐT Chính phủ và các nhà báo đã có mặt tại đây.

Tôi xin trả lời câu hỏi như sau: Câu hỏi của bạn rất rộng, rất quan trọng. Trước hết, có thể nói qua về tình hình phát triển đô thị VN. Trong những năm qua, đặc biệt từ khi đổi mới, cùng với quá trình phát triển kinh tế, đô thị Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, số lượng đô thị được nâng lên, quy mô mở rộng, chất lượng nâng cao. Đô thị ngày càng khẳng định được vai trò động lực trong nền kinh tế. GDP của đô thị chiếm trên 70% GDP của cả nước, ngày càng khẳng định vai trò hạt nhân thúc đẩy cơ cấu kinh tế và xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương và trong cả nước. Nhưng bên cạnh đó, đúng là còn nhiều thách thức trong quá trình phát triển đô thị như bạn nói. Đô thị phát triển thiếu quy hoạch, tự phát, còn theo phong trào ở một số đô thị, tình trạng thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tính kết nối hạ tầng còn yếu. Vấn đề ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm, cảnh quan… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, phạm vi điều chỉnh chưa phủ kín, bỏ trống nhiều lĩnh vực, có chỗ chồng chéo, chế tài xử lý vi phạm chưa rõ.

Bên cạnh đó, quá trình quản lý NN về xây dựng còn bất cập so với yêu cầu phát triển. Có thể nói, công tác lập quy hoạch đã được các ngành, các địa phương rất quan tâm, đặc biệt là quy hoạch không gian, quy hoạch xây dựng đô thị.  760 đô thị trên cả nước đều có quy hoạch chung, nhưng quy hoạch chậm hơn so với yêu cầu đặt ra. Có những nơi đô thị phát triển rồi mới xong quy hoạch, quy hoạch phải cập nhật hiện trạng đã có.

Vấn đề thứ hai, còn nhiều quy hoạch có chất lượng thấp, thiếu nhiều quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Quy hoạch chung là cơ sở tổng thể, có tính định hướng cho sự phát triển của đô thị. Còn để phát triển bền vững phải có quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Nhưng thời gian qua, các đô thị chủ yếu phát triển trên cơ sở quy hoạch chung. Và cùng một lúc, dự án có quy hoạch chi tiết 1:2000, sau đó lại lập quy hoạch chi tiết 1:500. Thiếu một quy hoạch phân khu, nên các đô thị phát triển có tính chất chia cắt, riêng rẽ, vấn đề kết nối hạ tầng giữa các khu dự án là rất khó khăn.

Hơn nữa, hạ tầng xã hội của một khu vực phát triển chưa được quan tâm, trong một dự án đô thị chỉ có các hạ tầng của khu, thiếu hạ tầng của vùng, nên chất lượng đô thị bị ảnh hưởng.

Một vấn đề nữa, chúng ta phát triển đô thị nhưng thiếu quy hoạch chi tiết, đặc biệt thiếu thiết kế đô thị, điều lệ quản lý đô thị; công tác thiết kế đô thị còn lúng túng. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến lập các thiết kế đô thị để quản lý kiến trúc cảnh quan phù hợp với mục tiêu phát triển của mỗi đô thị.

Vấn đề điều chỉnh quy hoạch là cần thiết, do chất lượng quy hoạch thấp, nhưng nhiều khi điều chỉnh không vì yêu cầu khách quan mà do yêu cầu của nhà đầu tư, gây bức xúc của dư luận, ảnh hưởng phát triển bền vững.

Công tác quản lý thực hiện quy hoạch nhiều bất cập, thiếu sự kiểm soát thống nhất từ Trung ương, phân cấp quá nhiều cho địa phương. Do đó, các dự án phát riển đô thị tự phát, phong trào, việc tăng cường kiểm tra kiểm soát chưa được quan tâm, thiếu những cơ quan quản lý thống nhất, vai trò nhạc trưởng kết nối dự án còn thiếu…

Đó là những nguyên nhân khiến dô thị phát triển như hiện nay.

Cũng nói thêm, chúng ta phát triển đô thị theo quy hoạch, nhưng cũng chưa hoàn toàn thực hiện đúng theo quy hoạch. Mặt khác, chúng ta phát triển thiếu kế hoạch, cứ có đất là phát triển, không căn cứ vào việc tăng dân số tự nhiên và cơ học để có lộ trình phát triển phù hợp, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đai và phù hợp nhu cầu, đảm bảo yêu cầu về nguồn lực.

Về giải pháp khắc phục, bạn Tùng Linh muốn hỏi trách nhiệm thuộc về ai?. Trách nhiệm này thuộc về những cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng nói chung, trong đó có Bộ Xây dựng.

Trước hết chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt là về quản lý phát triển đô thị. Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị thay cho Nghị định 02 về khu đô thị mới trước đây; hướng dẫn các Luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường… Đây là nghị định tổng hợp với mục tiêu lập lại trật tự quản lý đô thị, phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch; đảm bảo tiết kiệm nguồn lực, đặc biệt là đất đai; đảm bảo hạ tầng tốt cho đô thị; đảm bảo môi trường tốt để đô thị phát triển bền vững…

Một kiến trúc sư ở Hà Nội là Lê Việt Phương hỏi: Hiện nay công tác quy hoạch ở nhiều khu Đô thị còn bất hợp lý. Ví dụ như: Khu đô thị mới Linh Đàm – Hà Nội với quy mô trên 2 vạn dân nhưng không có quy hoạch đất cho trụ sở hành chính, y tế; hay như tại khu đô thị Mỹ Đình I - HN, có khu đất được quy hoạch là trường học nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này ?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Ý kiến của bạn, tôi thấy rất đúng. Chúng ta phát triển đô thị, thứ nhất chúng ta không căn cứ vào quy hoạch phân khu, nhiều đô thị  hiện nay quy hoạch phân khu chưa xong nhưng dự án đô thị đã hình thành Trên quy hoạch phân khu hiện nay của chúng ta gần như là hợp thức hóa lại những dự án đã có. Đối với những dự án đã thực hiện như dự án Linh Đàm, Mỹ Đình không nằm ngoài những vấn đề tôi vừa nói, đây là dự án độc lập, không trên cơ sở quy hoạch phân khu nên không có tính kết nối hạ tầng vùng, khu vực.

Về vấn đề ai làm, nếu rơi vào dự án Linh Đàm, Linh Đàm phải làm, những dự án hạ tầng này không chỉ phục vụ cho Linh Đàm, mà phục vụ cho nhiều khu vực. Cái này phải khắc phục như nào? Phát triển đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch. Quy hoạch phân khu là cơ sở xác định dự án trong đó. Sau đó, phải thành lập khu vực phát triển đô thị để kiểm soát phát triển.

Trong dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị,  ban quản lý có thể quản lý 1 khu vực hoặc nhiều khu vực, tùy theo mức độ phức tạp. 1 địa phương, tỉnh có thể có 1 hoặc nhiều khu vực phát triển mà ban quản lý đóng vai trò là “nhạc trưởng” để điều phối hoạt động của các dự án đô thị trong khu vực phát triển.

Bạn Hoàng Hữu Giang ở địa chỉ email hoanghuugiang79@gmail.com hỏi: Thất thoát lãng phí trong xây dựng, theo dư luận thì nhiều năm tới 10-20% thậm chí lớn hơn, theo Bộ trưởng có đúng không? Nếu thất thoát thì ở khâu nào là lớn nhất? Nghị định 16/CP ngày 05/02/2005 cuả Chính phủ trước kia quy định việc thẩm định thiết kế, dự toán vốn đầu tư ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, nay lại giao cho chủ đầu tư toàn quyền. Thưa Bộ trưởng, như vậy có tạo ra kẽ hở để thất thoát không ?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Câu hỏi này rất hay và khó. Nhưng phải nói, thất thoát, lãng phí là vấn đề bức xúc, nhức nhối, được cả xã hội quan tâm. Đất nước ta còn nghèo, ta còn phải tiết kiệm rất nhiều để đầu tư phát triển để thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết vấn đề xã hội. Nguồn lực ít nhưng ta sử dụng không tiết kiệm, để xảy ra thất thoát, lãng phí là lỗi lớn.

Tỷ lệ 10 hay 20% thì hiện chưa có một nghiên cứu tổng thể nào để khẳng định. Thất thoát trong xây dựng là một khái niệm vừa rộng, vừa hẹp. Hiểu theo nghĩa hẹp, thất thoát chỉ là bớt xén vật liệu, nhân công… để chất lượng công trình giảm. Theo nghĩa rộng, thất thoát bao gồm cả lãng phí. Tóm lại, thất thoát, lãng phí trong xây dựng là thiệt hại do việc sử dụng kém hiệu quả hay do sử dụng những công trình không đạt được hiệu quả mà mục tiêu dự án đề ra, những thiệt hại làm công trình giảm chất lượng, do đó không tương xứng với giá trị, với chi phí vốn đầu tư…

Như vậy, có hai loại thất thoát, lãng phí: một là hữu hình (ăn cắp, bớt xén) chủ yếu là chủ động từ phía con người do mục đích vụ lợi cá nhân; hai là vô hình do bị động (do năng lực hạn chế của những người tham gia đầu tư xây dựng của tất cả các khâu). Chẳng hạn, chất lượng quy hoạch kém hoặc quy hoạch chậm, như một đô thị đã phát triển rồi mới tính chuyện mở rộng đường phố thì rất tốn kém… Thậm chí, với những công trình làm xong không sử dụng đến thì thất thoát, lãng phí bao nhiêu phần trăm? Đây là thất thoát, lãng phí bị động. Còn với những công trình thất thoát, lãng phí 1, 2… phần trăm thì phải có kiểm tra cụ thể.

Nhưng thất thoát, lãng phí rõ ràng là không nhỏ và phải có giải pháp. Trước hết, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách… Bộ Xây dựng đang soạn thảo nghị định cấp phép xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó yêu cầu các ơ quan quản lý Nhà nước phải tham gia thẩm định thiết kế và dự toán, thậm chí thẩm định cả dự án, chứ không giao toàn quyền cho chủ đầu tư. Hiện một số chủ đầu tư năng lực kém phải thuê tư vấn, dễ dẫn đến thông đồng giữa các bên để tiêu cực…

Thứ hai, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình đầu tư xây dựng…
 
Bạn Nguyễn Bá Chương ở địa chỉ email

Bạn Nguyễn Bá Chương ở địa chỉ email supersusumo@gmail.comhỏi: Hiện nay tôi thấy tình trạng mạng nhện trên các tuyến đường trong các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra phổ biến gây mất mỹ quan đô thị và đôi khi gây mất nguy hiểm cho người dân đặc biệt trong mùa mưa bão. Đề nghị Bộ trưởng cho biết sắp tới tình trạng này có được giải quyết không?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Hiện nay tình trạng mạng nhện tức là hệ thống đường dây điện, dây thông tin, cáp… thay vì chúng ta cất trong đường ống hoặc sắp xếp có trật tự, thì hiện còn lộn xộn, tự phát. Ở nhiều đô thị đặc biệt là đô thị cũ. Đúng như bạn Chương nói, nó gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới an toàn, khi mưa gió bão có thể đứt, gây giật, tai nạn chết người…

Hiện nay, trên thế giới cũng có tình trạng này ở những nước phát triển, nhưng khác ở chỗ hệ thống đường dây, cáp của họ được sắp xếp có trật tự, ý đồ, quy hoạch, nhiều đô thị cũ để “mạng nhện” còn tôn thêm giá trị văn hóa, vật thể của quá khứ, tăng thêm giá trị của đô thị.

Để khắc phục, tại Hà Nội, TP.HCM, thời gian qua chính quyền hai thành phố đã tập trung làm được nhiều việc, như sắp xếp lại đường dây trên các cột điện, thí điểm hạ ngầm đường dây, cáp. Nên nhiều tuyến phố lớn đã không còn tình trạng đó. Đây là vấn đề cần tiếp tục. Để khắc phục, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị, soạn thảo Nghị định trình Chính phủ về quản lý và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó yêu cầu cơ quan quy hoạch xác định tuyến hào, tuynen ngầm, trong đó đặt xác định các vị trí để lắp đặt đường dây, đường ống.

BTV: Bạn đọc hỏi khi nào có thể chấm dứt tình trạng trên?

Bộ trưởng Trình Đình Dũng: Câu hỏi này rất hay và khó. Hạ ngầm không phải chỉ là vấn đề kinh phí.

Vấn đề làm thế nào để vừa hạ ngầm, vừa đảm bảo sinh hoạt bình thường của người dân, cho nên cần có lộ trình, thời gian để thực hiện. Việc này thuộc trách nhiệm của các địa phương đặc biệt là các thành phố lớn.

Bạn Nguyễn Mai Anh ở Đại học Quốc gia Hà Nội hỏi: Vừa qua nhiều địa phương thuộc khu vực nông thôn có quyết định trở thành đô thị trong khi các hình thức sản xuất, phong tục tập quán và lối sống của người dân ở đây vẫn duy trì theo kiểu nhà nông. Vì vậy để phát triển các khu vực này thành đô thị hiện đại là rất khó, trong khi đó những nét đẹp văn hóa mang bản sắc lâu đời của các làng quê trước đây thì đã mất đi. Bộ trưởng suy nghĩ về vấn đề này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đây là vấn đề rất được quan tâm. Quá trình đô thị hóa là tất yếu của bất kỳ quốc gia nào, mà trình độ phát triển mỗi quốc gia đều thể hiện qua đô thị hóa.

Ở Việt Nam, do tăng trưởng kinh tế nên quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh, và điều quan trọng là phải ứng xử như thế nào với quá trình đó. Hoặc là chúng ta bị động, để nó phát triển tự phát với những thách thức; hoặc chúng ta chủ động đón nhận đô thị hóa để tạo động lực cho nó phát triển, cũng là mục tiêu của quá trình phát triển. Tôi nghĩ chúng ta phải đi theo hướng thứ hai, tức là chủ động đón nhận quá trình đô thị hóa.

Muốn vậy, trước hết phải tập trung vào công tác quy hoạch, quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn và lộ trình thực hiện, và quy hoạch này phải có sự tham gia đông đảo của người dân, phục vụ lợi ích Nhà nước, xã hội và người dân. Nhà nước chuẩn bị sẵn tư tưởng cho người dân, chuẩn bị kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất, đào tạo nghề cho người dân vùng đó. Trong quy hoạch, cũng cần giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền, nhất là các làng cổ… để có thể trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, cũng là khoảng đệm tạo sự thông thoáng của đô thị… Nhà nước cũng chủ động đào tạo nghề cho người dân nông thông để chuyển dịch cơ cấu lao động. Quy hoạch và phát triển đô thị phải gắn với giữ gìn giá trị văn hóa của mỗi vùng, mỗi địa phương, đặc biệt bảo tồn di sản văn hóa, các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa phi vật thể…
 
Bạn Nguyễn Hữu Vinh ở Hà Nội hỏi: Tại đường Hồ Tùng Mậu – Hà Nội, tôi vô cùng ngạc nhiên khi một tuyến đường dù được GPMB chưa lâu nhưng đã có hàng chục ngôi nhà 3, 4 tầng siêu mỏng, siêu méo mọc lên ngay mặt đường. Nhà nước đã chi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, mở rộng một tuyến đường mới nhưng kết quả lại được một tuyến phố lộn xộn, nhếch nhác như vậy sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Vấn đề này ngay bản thân tôi cũng bức xúc, không chỉ riêng đường Hồ Tùng Mậu mới có hiện trạng này mà còn nhiều con đường khác. Trong những năm qua, đường phố của chúng ta cơ bản đã tạo ra diện mạo mới, nhưng không ít đường phố, tuyến phố mới xây dựng hoặc xây dựng cải tạo chúng ta chưa bằng lòng với kiến trúc cảnh quan.

Tôi chưa xét đến vấn đề xây dựng có đúng pháp luật hay không. Có thể đúng, nhưng tổng thể mặt phố không tôn trọng quy định pháp luật. Luật quy định rất rõ phải có thiết kế đô thị (khoảng lùi công trình, hình thức kiến trúc tổng thể, màu sắc, vật liệu chủ đạo, chiều cao…)- không phải vấn đề lớn, nhưng không ít địa phương còn thiếu quan tâm. Cho nên dẫn đến cấp phép xây dựng cho những mảnh đất riêng lẻ thiếu kết nối, nhỏ, không đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Vấn đề này cần phải khắc phục. Trong Nghị định cấp phép Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ sắp tới đề cập đến vấn đề này, phải yêu cầu bất kỳ một công trình cải tạo hay sửa chữa hay xây dựng mới ở đô thị đều phải có điều kiện là thiết kế đô thị của tuyến đường đó, nếu không có thì không cấp phép…

Nếu người dân phàn nàn thì trách nhiệm đó thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng nhà ở tại địa phương đó. Chúng ta phải kiên quyết trong vấn đề này. Chúng ta phải vì cái chung, cộng đồng và vì một đô thị xanh- sạch- đẹp.

Các độc giả Nguyễn Thủy Lê– Hà Nội; Phạm Thị Hương (đang công tác tại doanh nghiệp xây lắp) đặt câu hỏi về vấn đề điều chỉnh hợp đồng: Trong thời gian qua, nhất là năm 2011, tình hình giá cả nguyên vật liệu xây dựng biến động bất thường, các dự án xây dựng thiếu vốn và bị đình trệ, nhất là với những hợp đồng theo hình thức trọn gói, khi xảy ra những biến động về giá cả và chính sách làm ảnh hưởng đến giá hợp đồng, làm vượt tổng mức đầu tư. Theo quy định hiện hành sẽ không được điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng. Vậy xin Bộ trưởng cho biết với những dự án bị đình trệ trong thời gian qua và những vướng mắc của các chủ đầu tư trong việc thực hiện hợp đồng, dự án như vậy, Nhà nước đã có giải pháp nào để giải quyết tình hình trong thời gian tới ? 

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đây là vấn đề Bộ Xây dựng đang phải giải quyết. Chúng ta biết, mỗi năm tổng mức đầu tư xã hội xấp xỉ gần 40% GDP, năm 2011 lên tới 800 ngàn tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 20% là từ ngân sách nhà nước, trái phiếu, khoảng trên 200 ngàn tỷ đồng. Vốn đầu tư này tạo ra những tài sản cố định cho nền kinh tế, tạo ra những con đường, cây cầu, những công trình hạ tầng xã hội cho phát triển kinh tế. Nếu công trình xây dựng đúng kế hoạch, tiến độ sẽ đem lại hiệu quả cao, ngược lại sẽ tạo thất thoát, lãng phí… 

Hiện chúng ta đang đối mặt với lạm phát, nên giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí nhân công cũng tăng, nên tổng vốn đầu tư thay đổi. Hiện hơn 40 địa phương đã đề nghị thay đổi tổng mức đầu tư các dự án, nhưng chúng ta không thể có tiền thêm mà bổ sung…

Hiện, Bộ đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho phép Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng công trình. Nguyên tắc là với những dự án phê duyệt trước khi có Nghị định 83 hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, thì do người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.  

Với những dự án phê duyệt từ khi Nghị định 83 có hiệu lực, yêu cầu chủ đầu tư phải điều chỉnh, thay đổi những vật liệu xây dựng đắt tiền bằng những vật liệu giá thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hoặc thay đổi thiết bị nhập ngoại bằng trong nước…, hoặc cắt giảm những phần công việc không ảnh hưởng mục tiêu dự án… Trong trường hợp nếu những biện pháp đó vẫn không giải quyết được, thì với các dự án sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên, các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải có báo cáo trước tháng 30/6, để Bộ tập hợp, báo cáo, xin ý kiến Chính phủ. 

Với những hợp đồng trọn gói, thì khi chi phí đầu vào tăng quá cao, nên không thể thực hiện được. Chúng ta không cần làm giá rẻ, nhưng giá phải phù hợp với chất lượng. Do đó, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu giải pháp và báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết.  

Ông Trần Đức Tính ở thành phố Đà Nẵng hỏi: Tình trạng các nhà thầu xây dựng sử dụng lao động không qua đào tạo (chủ yếu là tuyển thanh niên nông thôn đến làm việc trong lúc nông nhàn) đã tồn tại từ rất lâu và hậu quả không chỉ là làm giảm chất lượng công trình mà còn làm cho số vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng ngày càng gia tăng. Tình trạng này đang diễn ra rất phổ biến và công khai. Phải chăng Bộ Xây dựng đã làm ngơ cho các nhà thầu để rồi hậu quả thì Nhà nước và người dân phải gánh chịu?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp xây dựng như ông nói sử dụng lao động nông nhàn để tham gia một số công việc hay một bộ phận công việc của những dự án thi công xây lắp. Đúng như ông nói, một mặt tích cực là chúng ta giải quyết lao động, việc làm cho lao động nông nhàn để họ tăng thu nhập, giải quyết đời sống. Nhưng hạn chế là nếu để những lao động nông nhàn làm những việc họ không biết thì ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ.

Nguyên nhân của tình trạng này, hiện nay, tình trạng dư thừa lao động ở nông thôn là rất lớn. Và chúng ta đang tập trung để phát triển kinh tế, trong đó có nội dung chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang công nghiệp, dịch vụ. Do diện tích đất canh tác trên một đầu người còn rất thấp, nếu tập trung quá nhiều lao động ở khu vực nông nghiệp thì đời sống người dân rất khó khăn. Nên đây là nhiệm vụ chính trị cần được quan tâm.

Vấn đề thứ hai, các doanh nghiệp xây dựng hiện nay đối mặt với thách thức rất lớn, khối lượng đầu tư xây dựng rất lớn trong khi năng lực xây dựng của các doanh nghiệp xây dựng còn nhiều hạn chế, thiếu lao động có kỹ thuật, kỹ năng…

Nguyên nhân thứ ba, do kinh tế thị trường, để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp có xu hướng xây dựng bộ khung cứng, và đặc biệt đối với doanh nghiệp xây lắp điều kiện làm việc không ổn định, lúc thì xây dựng ở đồng bằng đô thị, lúc thì ở miền núi, nên không thể duy trì bộ máy, nhân lực đầy đủ, đặc biệt là người lao động như các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cho nên dẫn tới tình trạng như vậy.

Để khắc phục, trước hết phải chủ động trong kiểm soát năng lực các doanh nghiệp xây lắp. Chúng tôi đang xây dựng chính sách để tăng cường minh bạch năng lực của doanh nghiệp xây lắp trong đó có vấn đề chất lượng xây dựng, uy tín doanh nghiệp, nguồn nhân lực có đào tạo…

Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo. Hiện nay đang có xu hướng đào tạo thầy nhiều hơn thợ. Ngay trong ngành xây dựng nhiều nơi thiếu học sinh vào học, đây là vấn đề nhức nhối mà chúng ta phải tập trung để suy nghĩ, từ đào tạo tập trung, không tập trung, đào tạo ngắn hạn, dài hạn, đào tạo tại trường học, tại công trường. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo lao động nông nhàn để họ hiểu công việc, trước hết đảm bảo an toàn lao động, sau đó là biết việc, làm việc có năng suất, hiệu quả, vừa phục vụ cho đời sống của họ, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp có hiệu quả.

Độc giả Lê Bình ở địa chỉ nguoigopyvietnam@yahoo.com.vn]; Đức Anh ở địa chỉ le_duc_anh_91@yahoo.com hỏi: Có ý kiến cho rằng, xi măng “khủng hoảng” do quy hoạch. Xin Bộ trưởng cho biết tại sao Việt Nam đã thừa xi măng, phải xuất khẩu lại vẫn cho nhập khẩu xi măng? Xin Bộ trưởng cho ý kiến về nhận định này?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Tôi xin nói rằng chúng ta đã có quy hoạch xi măng giai đoạn 2005-2010 được ban hành theo Quyết định 108 và quy hoạch giai đoạn 2011-2020 và định hướng tới năm 2030 theo Quyết định 1488 của Thủ tướng Chính phủ.

Các quy hoạch này đã dự báo đúng và phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của nước ta qua các giai đoạn. Năm 2011, cả nước tiêu thụ được 55 triệu tấn sản phẩm xi măng trên công suất thiết kế hiện có năm 2011 là 64 triệu tấn. Như vậy, lượng tiêu thụ đã đạt 86% công suất thiết kế hiện có.

Tôi xin khẳng định không có khủng hoảng về xi măng do quy hoạch như một số ý kiến đã nói ở trên.

Hiện nay, tiêu thụ xi măng đang giảm so với thời gian trước, tồn kho cũng nhiều hơn trước. Đây là hiện tượng bất bình thường trong thời gian tạm thời.

Nguyên nhân là do chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 11 để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có nội dung cắt giảm đầu tư công… Do vậy, khối lượng xây dựng bị sụt giảm, dẫn đến việc giảm nhu cầu sử dụng các loại vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng.

Khó khăn đó là ngắn hạn chứ không phải dài hạn, trung hạn. Trong năm nay, dự kiến khối lượng tiêu thụ vẫn tương đương năm 2011. Trên cơ sở sản xuất và tiêu thụ thực tế 5 tháng đầu năm 2012, chúng ta có thể khẳng định năm 2012 lượng tiêu thụ cũng vào khoảng 55-56 triệu tấn sản phẩm xi măng. Với lượng tiêu thụ như vậy thì công suất thiết kế hiện có cũng được khai thác trên 80%. Ngành xi măng hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn nhưng đây là khó khăn chung của cả nền kinh tế. Chúng ta không thể nói khủng hoảng xi măng là do quy hoạch.

Về vấn đề bạn hỏi tại sao Việt Nam đã thừa xi măng, phải xuất khẩu lại vẫn cho nhập khẩu xi măng, tôi xin trả lời như sau:

Thứ nhất, chúng ta đã tham gia Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) mà cam kết của các thành viên AFTA là từ năm 2006 không được cấm nhập cũng như áp dụng hàng rào thuế quan đối với sản phẩm xi măng. Chúng ta phải thực hiện nghiêm túc cam kết này.

Thứ hai, sản xuất xi măng do phân bổ nguyên liệu cho nên chủ yếu ở phía Bắc. Hàng năm, chúng ta phải vận chuyển vào phía Nam trên chục triệu tấn sản phẩm xi măng làm cho giá thành tại khu vực phía nam cũng cao, nhiều khi còn cao hơn nhập khẩu clanke từ Thái Lan.

Trong nền kinh tế thị trường, nếu sử dụng trong nước hiệu quả thấp, thì phải nhập với giá cạnh tranh hơn từ bên ngoài.

Trước đây chúng ta sản xuất chưa đủ xi măng, hàng năm phải nhập từ 3,5-5 triệu tấn clanke để đảm bảo nhu cầu xi măng trong nước. Nhưng từ năm 2010, chúng ta đã có đủ nguồn cung. Từ năm 2011, cũng chỉ còn 1 công ty nhập khẩu clanke. Đó là một  công ty nước ngoài (Công ty xi măng Holcin), công ty này nhập clanke từ công ty mẹ ở Thái Lan.

Do chúng ta có quy hoạch đúng, nên từ chỗ phải nhập khẩu lớn đến năm 2010 chỉ nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn. Con số này giảm dần và 5 tháng đầu năm 2012 chúng ta chỉ nhập có 370.000 tấn.

Bạn Minh Minhnguyen [minhfpl@yahoo.com.vn] ; Hai Nguyen duc [hai_nmh123@yahoo.com.vn hỏi: Thưa Bộ trưởng, năm 2011, Bộ Xây dựng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vào ngày 30/11/2011, với tư cách là Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực này, xin bộ trưởng phân tích thêm về quan điểm chủ đạo, cách tiếp cận Chiến lược và cách thức đáp đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường. Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng : Đây là câu hỏi có ý nghĩa lớn không chỉ về kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, văn hóa, nhân văn. Chúng ta đều biết, nhà ở là điều kiện tối thiểu của con người. Cùng với giáo dục- y tế, nhà ở là điều kiện để đảm bảo cho con người phát triển toàn diện. Xuất phát từ vai trò của nhà ở như vậy, những năm qua Đảng, Nhà nước luôn dành quan tâm cho lĩnh vực phát triển nhà ở.

Theo số liệu thống kê từ 1999-2009, đất nước ta đã phát triển khối lượng nhà ở khổng lồ, khoảng 700 triệu m2 nhà ở, bằng tổng số khối lượng nhà ở được xây dựng từ năm 1999 trở về trước. Đây là thành tựu rất lớn. Cùng với phát triển nhà ở thương mại, Đảng, Nhà nước ta  luôn quan tâm tới hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng có công với nước, cho đồng bào dân tộc có khó khăn về nhà ở như Quyết định 134 ; nhà ở cho người nghèo ở khu vực nông thôn như Quyết định 167 ; nhà ở cho sinh viên như Quyết định 65 ; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp... Đến nay, chúng ta đã thực hiện trong 3 năm hỗ trợ 500.000 hộ nghèo ở nông thôn có nhà ở bằng chính sách cụ thể của Chính phủ là Quyết định 167, người nghèo khu vực đô thị như Quyết định 67, người có công với nước...

Tuy nhiên hiện nay, lĩnh vực này còn nhiều vấn đề đặt ra, nhà ở phát triển mạnh như thế nhưng khả năng tiếp cận nhà ở của 1 bộ phận không nhỏ người dân còn rất khó khăn, trong đó có người nghèo khu đô thị, công nhân khu công nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, trí thức, quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan, một bộ phận người có công, những người tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa...

Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng với tư cách là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, cũng là cơ quan của Chính phủ quản lý lĩnh vực phát triển nhà ở xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Chiến lược này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành từ cuối  2011. Có thể nói, đây là lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược nhà ở. Với cách tiếp cận tổng thể và toàn diện, với những quan điểm khoa học và mục tiêu cụ thể, thể hiện quyết tâm chính trị cao, trong chiến lược lần này đã khẳng định rõ quan điểm giải quyết nhà ở là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và của người dân, thay vì còn những ý kiến cho rằng phát triển nhà ở chủ yếu theo cơ chế thị trường.

Phân loại rõ 2 loại nhà ở : thứ nhất là thị trường nhà ở hàng hóa, đây là nhà ở thương mại phục vụ các đối tượng có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường.

Loại nhà ở thứ 2- nhà ở xã hội còn gọi là nhà ở thị trường phi hàng hóa - là loại nhà ở có sự can thiệp và hỗ trợ của nhà nước cho những người khó khăn về nhà ở không có điều kiện mua nhà ở theo cơ chế thị trường.

Trong chiến lược cũng phân rõ 8 nhóm đối tượng cần sự hỗ trợ của nhà nước để cải thiện nhà ở, trong đó có người nghèo ở khu vực nông thôn, người có công với nước, người nghèo ở khu vực đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, trí thức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong lực lượng vũ trang có khó khăn về nhà ở, nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, nhà ở cho những đối tượng đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa như người tàn tật, nhiễm chất độc màu da cam...

Có thể nói chiến lược đã phủ kín những nhóm đối tượng xã hội cần được Nhà nước hỗ trợ để cải thiện nhà ở.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Mời đồng chí Chánh thanh tra Bộ Xây dựng trả lời câu hỏi này.

Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên: Thật ra, chúng tôi thanh tra chương trình nhà thu nhập thấp với mục đích là đánh giá việc tuân thủ pháp luật của cả một chương trình về phát triển nhà ở thu nhập thấp tại các thành phố trong đó có phần xác định giá bán đã được tính đúng, tính đủ chưa, chênh nhau vì sao. Từ đó, kiến nghị bổ sung các quy định cụ thể, hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề này.

Khoảng tháng 7, chúng tôi sẽ công bố kết quả đợt thanh tra này.

Bạn Hoang Kim Dung hỏi tiếp: Theo tình hình đánh giá của người dân thì giá nhà thu nhập thấp như vậy là quá cao, liệu có giảm giá hay không, bởi khi làm dự toán thì tính theo tốc độ tăng giá và lạm phát của năm 2010 là rất cao, còn thực tế trong thời gian qua thì tốc độ đó có giảm, vậy kính mong quý cơ quan xem xét, yêu cầu chủ đầu tư tính lại giá đảm bảo lợi ích của đại đa số người dân. Đề xuất giảm thuế VAT cho nhà thu nhập thấp đã được kiến nghị vậy có được giải quyết không ? Kính mong quý cơ quan cho lời giải đáp.  

Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên: Theo kết quả đợt thanh tra này, giá các công trình rất khác nhau, có công trình 8 triệu đồng/m2, có công trình 10 triệu, 11 triệu đồng vì đầu vào của mỗi dự án có khác nhau, nhiều doanh nghiệp chưa được vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Nếu doanh được vay vốn ưu đãi thì giá bán sẽ giảm xuống.

Bạn Trung Duc ở địa chỉ [ductrung945@yahoo.com.vn] hỏi: Tôi là một người công chức lâu năm nhà nước. Tôi xin hỏi bộ trưởng, hiện nay đại bộ phận người làm công ăn lương không thể tạo lập được chỗ ở, trong khi cơ chế phát triển nhà ở hiện nay tập trung nhiều vào loại hình nhà ở thương mại. Với trách nhiệm đứng đầu ngành xây dựng, Bộ trưởng suy nghĩ gì về vấn đề này.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Ý kiến của bạn Trung Đức, như tôi vừa nói, Chiến lược nhà ở quốc gia đã đề ra hướng tương lai rất tốt về nhà ở cho người thu nhập thấp.

Lần này Nhà nước quyết liệt vào cuộc để giải quyết vấn đề nhà ở cho 8 đối tượng như tôi vừa nói. Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng nào, bạn sẽ được hỗ trợ, giải quyết nhà ở theo chính sách, chương trình nhà ở cụ thể cho nhóm đối tượng đó. Nhưng tôi cũng nói thêm rằng, nhà ở là sản phẩm bất động sản, xây dựng mất nhiều thời gian, chưa nói tới các chương trình, kế hoạch mà nó cần có lộ trình dài hạn 10 năm và 20 năm. Tôi cũng muốn nói thêm, hiện nay, Nhà nước đã giao cho Bộ Xây dựng cùng các địa phương phải pháp lệnh hóa việc phát triển nhà ở xã hội, tức là phải đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trở thành một chỉ tiêu kinh tế xã hội và nhiệm vụ chính trị trong nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương. Các địa phương hiện nay cũng đã vào cuộc quyết liệt, như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ và các tỉnh đang có tốc độ phát triển cao như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...

Bộ Xây dựng cũng đang cụ thể hóa Chiến lược nhà ở bằng những chính sách, nghị định cụ thể để phát triển nhà ở xã hội cũng như để phát triển nhà ở xã hội phải dùng nguồn vốn nào. Có hai loại nhà ở xã hội: một loại thì Nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách để có quỹ nhà ở khang trang, cho thuê giá rẻ thay vì chúng ta phải thuê nhà trọ có chất lượng thấp. Loại nhà ở xã hội thứ 2, Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư với giá bán do nhà nước quản lý để đảm bảo giá nhà ở thấp hơn so với giá nhà ở thị trường. Thứ 3, Nhà nước khuyến khích người dân xây dựng nhà ở cho thuê nhưng với điều kiện phải đảm bảo tiêu chuẩn và quy định của Nhà nước đồng thời được miễn một số tiền như tiền thuế... Thông qua các hình thức đó, với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân thì chắc chắn chúng ta sẽ có đủ số lượng nhà ở xã hội và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân đang khó khăn về nhà ở.

Bạn Nguyên Thảo tại địa chỉ [thaonguyen5559@gmail.com] hỏi: Tôi là cán bộ đã về hưu, đang sống tại một chung cư cũ hiện đã xuống cấp. Xin hỏi: Cải tạo chung cư cũ đang là vấn đề “nóng”. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng có những đề xuất gì mới trong việc thay đổi phương thức, cơ chế cụ thể để đẩy mạnh công tác cải tạo chung cư cũ?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng : Đúng như bạn nói, cải tạo chung cư cũ là vấn đề nóng, và cũng là vấn đề rất khó. Chúng ta đã biết, năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 34 về cải tạo chung cư cũ, vì chung cư cũ đa số xây dựng trước năm 1990, đến nay đã xuống cấp, nhiều chung cư không đảm bảo an toàn.

Thực hiện Nghị quyết 34, TPHCM, Hà Nội đã vào cuộc, nhưng kết quả còn khiêm tốn. TPHCM mới hoàn thành việc cải tạo được 29 khối nhà, Hà Nội mới hoàn thành cải tạo 9 khối, mà yêu cầu đặt ra là 200 khối cần được cải tạo hoặc xây dựng lại vì đang trong tình trạng nguy hiểm, xuống cấp. Như vậy, còn rất nhiều việc phải làm.

Nguyên nhân thứ nhất, những chung cư hiện nay đa số là đã bán cho người dân theo Nghị định 61, nên sở hữu chung cư chủ yếu thuộc các hộ dân, họ không thiết tha trong việc sửa chữa, chưa nói đến cơi nới, mất mĩ quan...

Thứ hai, việc cải tạo cần nguồn lực rất lớn, trong khi các chung cư đa số nằm ở khu trung tâm, người dân không muốn đi đến nơi khác. Vì vậy, Nhà nước cần phải vào cuộc. Bộ Xây dựng đã soạn thảo, trình Chính phủ Nghị định về cải tạo, xây dựng chung cư cũ theo nguyên tắc trước hết phải lập kế hoạch cải tạo, phân loại các chung cư: loại cần khẩn cấp xây dựng lại, loại phải cải tạo sửa chữa, loại phải sửa sang ít hơn, tức là xác định rõ lộ trình... Phải có chính sách khuyến khích người dân tái định cư ở nơi khác thay vì tái định cư tại chỗ...

Thứ ba, tổ chức thực hiện như thế nào. Chính quyền địa phương và Nhà nước phải xây dựng các khu ở mới khang trang, hiện đại, đầy đủ hạ tầng xã hội để người dân có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ, ở nơi cũ có thể đấu giá để thực hiện theo quy hoạch... Việc này cần sự vào cuộc quyết liệt không chỉ của Bộ Xây dựng mà còn của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp...

Bạn Lưu Thanh Tùng ở Hà Nội hỏi: Vừa rồi tôi biết Bộ Xây dựng định đưa ra quy định về diện tích nhà ở tối thiểu là 25m2. Có nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến rất không đồng tình. Bộ trưởng giải thích vấn đề này như thế nào ?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Câu hỏi này của bạn tôi đã xem báo chí, rất nhiều người quan tâm, nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến phản đối khi một đồng chí lãnh đạo của cơ quan quản lý nhà của Bộ Xây dựng đưa ra.

Tôi xin nói rõ thêm, theo Luật Nhà ở 2005, quy định nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 45m2, nhà ở xã hội có diện tích tối thiểu 30m2, cao nhất là 60m2. Luật Nhà ở khi đó chưa đề cập hết được những yếu tố tác động đến yêu cầu phát triển nhà ở và diện tích nhà ở.

Theo số liệu điều tra dân số công bố tháng 4/2009, hiện xu hướng cơ cấu hộ gia đình là giảm số người trong hộ, chẳng hạn như năm 1999, bình quân là 4,5 người/hộ, đến năm 2009 chỉ còn 3,7 người/hộ.

Cũng theo thống kê, hiện chúng ta có khoảng 6,9 triệu hộ gia đình ở khu vực đô thị. Trong đó, hộ có số người từ 4 trở lên là khoảng 52,6%. Còn số hộ có từ 3 người trở xuống là 47,4%. Trong đó hộ độc thân chiếm 8,3%. Mặt khác, trên thế giới, cũng quy định diện tích căn hộ tối thiểu nhỏ, như Trung Quốc quy định diện tích căn hộ tối thiểu chỉ có 20m2, Hàn Quốc còn nhỏ hơn, Singapore hay các nước xung quanh chúng ta… đều xấp xỉ 20-25m2, thậm chí 15m2. Hay như tại Monaco (Pháp) có những căn hộ studio chỉ có 15- 20m2 và người ta cũng rất thích ở những căn hộ như vậy.

Trước nhu cầu thực tế, đặc biệt quan trọng là khả năng thanh toán của người dân, nếu họ được ở căn hộ khang trang nhưng diện tích vừa phải, giá rẻ thì cũng là mong ước của rất nhiều người. Chính vì thế, Bộ Xây dựng đã đề xuất giải pháp này và chuẩn bị đưa vào dự thảo Nghị định để trình Chính phủ giải quyết cũng là để thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Bạn Nguyễn Thủy (nguyenthuyan22@gmail.com) và một số độc giả hỏi: Tôi có một căn hộ chung cư nhưng chưa có nhu cầu sử dụng, dự định sẽ cho thuê. Tôi nghe nói có quy định không được sử dụng nhà ở sai mục đích (như cho thuê làm văn phòng). Xin hỏi Bộ trưởng cho biết pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này thế nào ?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Theo Luật Nhà ở thì nhà ở không được sử dụng sai mục đích. Đối với nhà ở chung cư, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 08 hướng dẫn việc sử dụng nhà chung cư, quy định rất rõ là nhà chung cư không được sử dụng vào mục đích dễ gây cháy nổ, nguy hiểm, gây ồn... Quy định này nhằm mục đích đảm bảo chất lượng cuộc sống cộng đồng dân cư và của mỗi gia đình trong chung cư.

Ý kiến của bạn nói có nhu cầu cho thuê mà không rơi vào những trường hợp nói trên như cho thuê làm văn phòng có ít người sử dụng, làm công tác nghiên cứu, không gây ảnh hưởng đến cộng đồng thì hoàn toàn được.

Độc giả Phạm Đức Minh ở đường Đinh Bộ Lĩnh –TPHCM hỏi: Tôi có nhà ở mặt tiền đường Đinh Bộ Lĩnh (TPHCM), phía trước tận dụng làm văn phòng bán vé máy bay, và khi mở văn phòng kinh doanh, tôi đã đăng ký và đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước theo đúng quy định. Vậy xin hỏi, trường hợp như nhà tôi nếu theo quy định trên thì có bị xử phạt do sử dụng nhà ở sai mục đích không?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Việc nhà ở mặt phố thì có thể được tận dụng đưa vào kinh doanh một phần, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội thì rất tốt và hoàn toàn được phép.  

Một độc giả gửi một nhóm câu hỏi đến cho Bộ trưởng: Bộ trưởng đánh giá thế nào về những khó khăn của các chủ đầu tư BĐS tại Việt Nam trong vòng 2 năm qua ?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Tôi rất chia sẻ với các doanh nghiệp bất động sản, nhưng cần phân loại cụ thể các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ rất khó khăn nếu chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng ngân hàng, vay nhiều mà không bán được, chịu lãi suất cao, thì từ lãi thành lỗ, nợ xấu tăng lên. Không ít doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản.

Loại thứ hai là các doanh nghiệp sử dụng ít tiền vay, sử dụng nguồn vốn của người dân mua nhà, hiện cũng khó khăn.

Còn những doanh nghiệp có nguồn vốn lớn thì không phải bàn.

BTV:Theo Bộ trưởng, thị trường đã “thoát” hoàn toàn khỏi cái “đáy” sụt giảm của nó chưa? Vì sao?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Tôi cho rằng hiện nay đang là đáy của bất động sản, nhưng đáy này theo hình Parabol hay chữ U thì phải nghiên cứu. Còn hiện nay chắc không phải hình chữ U bởi vì thời gian bất động sản ảm đạm đã quá dài, ở Hà Nội thì từ nửa năm 2011 còn TPHCM từ năm 2009. Nhưng giờ đã có tín hiệu sáng hơn, vì số lượng các giao dịch bất động sản đã tăng. Tuy nhiên, trong năm 2012 này, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Một độc giả hỏi:Theo Bộ trưởng, tôi có nên mua nhà để ở trong thời điểm hiện nay không?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Nếu bạn mua nhà để ở thì nên tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của mình, còn nếu để kinh doanh thì cần nghiên cứu kỹ hơn.

BTV:Với những nhà đầu tư bất động sản tư nhân, nhỏ lẻ, Bộ trưởng sẽ khuyên họ làm gì lúc này?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Tôi không phải nhà kinh doanh bất động sản, nhưng qua nghiên cứu, và đóng góp của các chuyên gia, cá nhân tôi cho rằng, trong lúc này, các doanh nghiệp cần bình tĩnh, nhìn toàn diện, tổng thể thị trường, phân tích các nguyên nhân, tồn tại của thị trường và phải can đảm, phải vững vàng để vượt qua khó khăn, chứ không ngã lòng, chán nản, và phải khôn ngoan lựa chọn các giải pháp như cấu trúc lại doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc liên doanh liên kết để trụ vững, cùng nhau vượt qua khó khăn này...
 

Chị Bùi Thị Lan Anh – Một công chức thuộc Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch hỏi: Dân gian có câu “Tiền nào của nấy”. Nhưng câu nói này không hề đúng khi đi mua nhà chung cư. Giá mua thì quá đắt nhưng chất lượng lại tồi. Căn hộ sử dụng vài năm đã lún nứt. Người dân thì thiệt đơn thiệt kép, còn cơ quan quản lý thì không thấy có ai phải chịu trách nhiệm. Tại sao lại như vậy, thưa Bộ trưởng ? Bộ trưởng có cách gì để ngăn chặn tình trạng các nhà thầu làm ăn gian dối như hiện nay ?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Câu hỏi của độc giả hiện được du luận rất quan tâm, không chỉ là chất lượng công trình nhà ở, mà quan tâm nhiều tới chất lượng các công trình nói chung. Hiện nay có hiện tượng tình trạng chất lượng ở một số công trình còn thấp, do đó ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư xây dựng, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với công tác quản lý xây dựng của chúng ta.

Đối với các công trình nhà ở chung cư, có thể khẳng định rằng, phần lớn các chung cư là các chung cư thương mại,phát triển theo nguyên tắc thị trường, có chất lượng tốt , cả về độ bền chịu lực (chống động đất, gió bão...) lẫn chất lượng hoàn thiện. Tuy nhiên nhưng giá còn cao, người dân khó tiếp cận. Các chung cư thương mại ở phân khúc trung bình cũng có chất lượng tốt. Chẳng hạn như khu chung cư Mỹ Đình, Trung Hòa Nhân Chính... Các hiên tượng suy giảm chất lượng chung cư nếu có thường xảy ra đối với đối tượng nhà tái định cư, các  hư hỏng thương là nứt, thấm dột....

Chất lượng công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khảo sát, thiết kế, thi công,  kiểm tra, giám sát; trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò kiểm soát của chủ đầu tư. Ý kiến của độc giả nói ở đây đề cập đến trách nhiệm của các chủ thể trước hết là của chủ đầu tư, họ phải kiểm tra , giám sát thường xuyên chất lượng công trình. Tiếp theo là trách nhiệm trực tiếp của các nhà thầu, bao gồm nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công...

Tôi đề nghị độc giả phản ánh chi tiết và cụ thể những công trinh chung cư nào có vấn đề về chất lượng, chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng của địa phương như Sở Xây dựng đến kiểm tra . Nếu Sở Xây dựng kiểm tra mà thấy có hiện tượng bất cập về chất lượng thì phải tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm, hướng dẫn khắc phục. Chúng ta kiên quyết không để tình trạng này tiếp diễn.Nếu cần thiết, ngoài các Sở Xây dựng Bộ xây dựng sẽ yêu cầu Cục giám định nhà nước về chất lượng công trinh và thanh tra xây dựng vào cuộc để giải quyết triệt để vấn đề này. Nếu chúng ta quyết liệt từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế thi công, quản lý tốt, nghiệm thu bảo trì công trình tốt thì chắc chắn chất lượng công trình sẽ ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Ông Võ Văn Huy – Thành phố Huế hỏi: Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3- 4km, đất hoang hóa rất nhiều, nhà nước có  phân lô nhưng bán rất mắc có lô lên đến cả tỉ đồng. Chỉ cần 7 xe ô tô  đất san nền (khoảng 4 triệu đồng ) là có một nền nhà, vậy tại sao giá bán ra lại đắt như vậy. Với giá như vậy, bao giờ  dân nghèo mới mua được, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Băn khoăn này là đúng, không ít người cũng quan tâm, ngay cả người dân ở đô thị cũng quan tâm. Nhiều người cho rằng nhà đầu tư được lợi nhiều quá. Tuy nhiên, một dự án bất động sản có nhiều việc phải làm. Trước hết là phải quy hoạch, khi đó mới xác đinh tỷ lệ diện tích bán được bao nhiêu, ví dụ đền bù giải phóng mặt bằng 1ha chỉ được 40% để bán tức là 4000m2, còn lại là 60% dành cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Chi phí đầu tư bất động sản là phải đầu tư rất tốn kém, bao gồm cả chi phí xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mức độ chi phí tuy theo chất lượng hạ tầng cao hay thấp. Chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất làm đô thị cũng không thấp, có nơi rất cao. Bên cạnh đó là chi phí thuế , chi phí cho bộ máy quản lý theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, không phải như bạn nói rằng chỉ cần mấy xe đất là xong. Tuy nhiên tôi cũng rất quan tâm vấn đề này. Giá không thể cao quá đến mức người dân không thể mua được. Phải có sự vào cuộc của Nhà nước, chính quyền các cấp, ví dụ như quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu vực cho những người nghèo, người thu nhập thấp,  ví dụ trước mắt là quy hoạch, làm những con đường bình thường để người dân đến làm nhà, khi điều kiện kinh tế phát triển sẽ tiếp tục đầu tư tạo ra các khu ở khang trang. Doanh nghiệp cũng phải vào cuộc, đầu tư xây dựng các dự án giá thấp phù hợp với nhu cầu của người dân.

BTV:Thưa quý vị, trong vòng 2 giờ đồng hồ, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã trả lời trực tiếp vào các vấn đề độc giả quan tâm hiện nay. Theo tổ thư kí, hiện nay số lượng câu hỏi gửi vể qua hộp thư và đường dây nóng vẫn còn nhiều. Chúng tôi sẽ tập hợp lại và chuyển đến các đơn vị vụ, cục chức năng của Bộ Xây dựng và xem xét trả lời trong thời gian sớm nhất. Toàn bộ thông tin này cũng sẽ được lần lượt đăng tải trên Cổng thông tin điện tử chính phủ.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đây là một cơ hội hiếm có và tôi cảm thấy rất thoải mái được trao đổi các vấn đề mà độc giả đặt ra. Rất tiếc là thời gian quá ngắn, tôi rất mong muốn được trao đổi trực tiếp qua các cuộc hội thảo, qua các câu hỏi các bạn gửi về cho chúng tôi… và chúng tôi sẽ trả lời đầy đủ các vấn đề để gửi tới các bạn. Những vấn đề gì làm được chúng tôi sẽ nói rõ là làm được, chỉ rõ những vấn đề chưa làm được, những gì cần sự phối hợp. Điều quan trọng nhất, chúng tôi mong muốn nhận được sự phối hợp trách nhiệm giữa chúng tôi với các cơ quan, các địa phương và mọi người dân để chúng ta nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng nói chung và quản lý phát triển đô thị, nhà ở, xây dựng công trình nói riêng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, mong muốn của người dân, tạo ra những tài sản cố định của nền kinh tế, đóng góp cho sự tăng trưởng, thúc đẩy phát triển và giải quyết tốt các vấn đề xã hội theo sự mong muốn của người dân và theo các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

BTV:Một lần nữa cảm ơn Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, cảm ơn sự theo dõi của quý vị độc giả.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ