Thanh Hoá:

Bỏ tiền tỷ vào gừng, người trồng "ngậm cay" vì không bán được

(Dân trí) - Sau khi ký hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp, nhiều hộ nông dân tại Thanh Hóa đã bỏ tiền ra đầu tư trồng gừng. Nhưng khi gừng đến kỳ thu hoạch vẫn chưa thấy tăm hơi doanh nghiệp đến thu mua khiến nhiều người dân "ngậm cay".

Bán giống, hứa bao tiêu rồi bỏ mặc

Được biết, Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An (Cty Trường An) có trụ sở tại tỉnh Bình Phước và văn phòng giao dịch đặt tại số 36, đường Trần Hưng Đạo, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) do ông Mai Xuân Quảng làm Giám đốc. Tháng 7/2016, sau khi mở văn phòng giao dịch, Cty Trường An bắt đầu thực hiện việc ký kết hợp đồng trồng và bao tiêu gừng với người nông dân ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa.

Văn phòng Cty Trường An tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa
Văn phòng Cty Trường An tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa

Qua tìm hiểu hợp đồng ký kết giữa Cty Trường An và người nông dân thì ngoài việc bán giống, Cty Trường An sẽ cung cấp thuốc bảo vệ thực vật và phân bón sinh học cho người dân từ khi trồng đến khi thu hoạch. Đồng thời, Cty Trường An bao tiêu toàn bộ số lượng gừng mà người dân ký trồng với công ty. Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm này, gừng mà người nông dân ở các địa phương trồng đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa thấy tăm hơi doanh nghiệp đâu.

Ông Lê Văn Thông, ở thôn 3, xã Định Tiến, huyện Yên Định đã ký hợp đồng bán 2.000 bao gừng trâu có trọng lượng 170 kg, với mức giá 80.000 đồng/kg với Cty Trường An. Theo nội dung thể hiện trong hợp đồng thì thời gian thu hoạch gừng là 7 - 8 tháng, Cty Trường An sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm theo 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là 50% với mức giá 25.000 đồng/kg; phương án 2 là 50% còn lại hai bên sẽ thỏa thuận theo giá thị trường trước khi thu hoạch 15 ngày.

Hợp đồng giữa công ty Trường An và người nông dân
Hợp đồng giữa công ty Trường An và người nông dân

Trong nội dung hợp đồng còn thể hiện, nếu người dân chăm sóc đúng quy trình hướng dẫn nhưng sản lượng gừng bình quân đạt dưới 2,5 kg/bao, Cty Trường An vẫn tính đủ giá thành 2,5 kg/bao cho bà con. Tuy nhiên, theo ông Thông cho biết, vụ gừng đầu tiên mà gia đình ông trồng theo hợp đồng với Cty Trường An đã đến kỳ thu hoạch nhưng sản lượng chỉ đạt trung bình 0,2kg/bao. Trước thực tế trên, ông Thông đã nhiều lần liên hệ với phía Cty Trường An đến thu mua nhưng không nhận được hồi âm.

Tại huyện Yên Định, không chỉ gia đình ông Thông mà nhiều hộ nông dân khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Có những gia đình đăng ký trồng hàng chục nghìn gốc gừng và hộ nông dân đã chuyển tiền giống và phân bón cho công ty. Trong đó, gia đình anh L.V.V, ở xã Định Tăng đã đăng ký trồng 50.000 gốc gừng. Sau khi đăng ký, Cty Trường An đã cung ứng cho gia đình anh hơn 4.100 kg gừng giống với giá 60.000 đồng/kg.

Đồng thời, gia đình anh V. đã chuyển hơn 260 triệu đồng tiền giống và phân bón cho phía công ty. Ngoài tiền giống và phân bón cùng với chi phí nhân công, anh V. đã đầu tư hết hơn 300 triệu đồng. “Quả đắng” đầu tiên anh V. nhận đó là sau 1 tháng trồng, chỉ có 30% gừng giống phát triển. Anh V. đã liên lạc và công ty chỉ cho nhân viên xuống kiểm tra qua và yêu cầu anh V. chuyển tiếp 85 triệu đồng tiền giống còn thiếu mới thực hiện cấp giống mới. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn vốn nên anh V. không chuyển và đến thời điểm thu hoạch theo chu kỳ thì năng suất gừng của gia đình anh V. chỉ đạt gần 0,1 kg/bụi.

Nhiều hộ nông dân đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng gừng
Nhiều hộ nông dân đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng gừng

Không chỉ tại huyện Yên Định mà nhiều hộ nông dân ở các địa phương khác như huyện Thạch Thành, thị xã Bỉm Sơn cũng chung tình cảnh tương tự. Để ký kết làm ăn với Cty Trường An, người nông dân ở các địa phương này đã “gieo” xuống đất hàng tỷ đồng.

Nguy cơ mất hàng trăm triệu đồng vì không bán được gừng

Trong thương vụ làm ăn được thể hiện trên hợp đồng giữa Cty Trường An và người nông dân thì dường như phần lợi luôn thuộc về doanh nghiệp, còn người nông dân rơi vào thế bị động.

Cụ thể, khi thực hiện hợp đồng, người dân bỏ tiền ra mua giống, phân bón sinh học và thuốc bảo vệ thực vật do Cty Trường An cung ứng với mức giá cao gấp nhiều lần so với thị trường. Trong khi phần trách nhiệm của doanh nghiệp về tỷ lệ gừng nảy mầm, sản lượng gừng thịt lại không được đề cập. Mặt khác, trên giấy phép kinh doanh, ông Mai Xuân Trường là người đại diện theo pháp luật của Cty Trường An, song trong hợp đồng ký kết với các hộ dân, số tài khoản để giao dịch lại là tài khoản riêng của cá nhân ông Mai Xuân Quảng.

Trong khi nhiều hộ nông dân trồng gừng tại Thanh Hóa đang trong thế như “ngồi trên đống lửa” thì về phía Cty Trường An vẫn chưa có động thái nào nhằm gỡ khó cho người nông dân.

Gừng đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa thấy doanh nghiệp bao tiêu đâu
Gừng đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa thấy doanh nghiệp bao tiêu đâu

Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: “Khi họ đến, chúng tôi đã cảnh báo với xã, nhưng họ đến một số trang trại đặt vấn đề bán giống rồi thu mua. Nhưng bây giờ trồng xong rồi họ bỏ đó, có hộ mất hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi cũng đã liên lạc với bên công ty nhiều lần nhưng không được. Mình không biết được tốt hay xấu, huyện và xã không chỉ đạo cho ký hợp đồng, mấy hộ tự ý làm. Chúng tôi đang yêu cầu xã báo cáo lên”.

Theo thông tin từ chính quyền và Công an phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn - nơi công ty đặt địa điểm giao dịch, thì thời gian đầu, có 3 đến 4 nhân viên làm việc tại chi nhánh và có mời người dân đến tổ chức hội thảo. Tuy nhiên, người lao động tại công ty này thường xuyên thay đổi cũng như không thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng tại địa phương và đã bị xử phạt hành chính 2 lần. Khoảng 2 đến 3 tháng gần đây, công ty thường xuyên đóng cửa và giám đốc công ty cũng không thấy xuất hiện.

Duy Tuyên - Hằng Thanh