1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bộ Tài chính yêu cầu đưa hàng chống dịch corona vào diện kê khai giá

(Dân trí) - Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về đánh giá tác động của dịch viêm phổi cấp, kiến nghị các địa phương nên đưa các mặt hàng chống dịch vào diện kê khai giá...

Theo văn bản báo cáo Chính phủ về đánh giá tác động của dịch bệnh viêm phổi do chủng mới của virus corona gây ra, Bộ Tài chính khẳng định xuất nhập khẩu ảnh hưởng, thu ngân sách ảnh hưởng và một số sản phẩm, nguyên liệu xuất-nhập khẩu sẽ khó khăn.

Cụ thể, văn bản Bộ Tài chính cho rằng Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp để kiểm soát mặt bằng giá tại địa phương. 

Bộ Tài chính yêu cầu đưa hàng chống dịch corona vào diện kê khai giá - 1

Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh nên đưa mặt hàng chống dịch vào diện kê khai giá bán trong trường hợp cần thiết

Trường hợp cần thiết căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế, địa phương nên đưa các mặt hàng chống dịch vào diện kê khai giá và kiểm soát yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn giá cả thị trường.

Đối với kiểm soát giá một số mặt hàng thiết yếu để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính cam kết kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá của các mặt hàng nhà nước định giá, bình ổn giá. 

Đối với nhóm mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, cơ quan quản lý giá sẽ giám sát chặt chẽ để đảm bảo ngăn chặn việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý. 

Với giá điện, trước mắt chưa tính đến phương án điều chỉnh giá mặt hàng này. Bộ Tài chính đề nghị Công thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam tổ chức sản xuất và cung ứng đầy đủ, kịp thời điện cho sản xuất, không để thiếu điện. 

Về thuế đối với những mặt hàng vật tư y tế, máy móc thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, Bộ Tài chính cho biết hiện thuế nhập khẩu một số máy móc, thiết bị, dịch truyền, vật tư y tế trong nước chưa sản xuất được thì thuế nhập khẩu 0%. Còn một số vật tư y tế, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, vải không dệt, găng tay trong nước đã sản xuất được thì thuế nhập khẩu 5% - 30%. 

Để phục vụ công tác chống dịch bệnh, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định miễn thuế nhập khẩu đối với khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng.

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn tiếp theo, dự báo Việt Nam vẫn cần trang bị các vật dụng thiết bị cần thiết dùng cho chống lây nhiễm dịch, bệnh, trong đó có khẩu trang. Do vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo tìm nguồn để nhập khẩu khẩu trang đáp ứng nhu cầu ở trong nước. 

Mặt khác, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Ngoại giao khuyến khích các tổ chức quốc tế, kiều bào hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị phòng, chống dịch.

Đánh giá về dịch bệnh, Bộ Tài chính cho rằng virus corona gây nên tác động không nhỏ đến thu ngân sách. Thực tế, tổng trị giá xuất nhập khẩu tháng 1 chỉ đạt 36,62 tỉ USD, giảm 18,4% so với tháng trước, giảm hơn 16% so với tháng 1 năm trước. 

Đối với giao thương với Trung Quốc, Bộ này dự báo sẽ có sẽ khó khăn do hạn chế nhập khẩu qua biên giới, cửa khẩu và gián đoạn nguồn cung tại tỉnh Hồ Bắc do kiểm soát chặt dịch bệnh.

Về các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp là nông sản, thủy sản, thực phẩm… Dệt may (nhập khẩu vải, sợi); điện tử, tiêu dùng (linh kiện, phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc) sẽ chịu tác động từ sự ngưng trệ sản xuất mà gặp phải do dịch bệnh.

Nguyễn Tuyền