Bộ Tài chính: Việt Nam không còn là nước nghèo có "gánh nặng" về nợ

An Linh

(Dân trí) - Việc sử dụng hiệu quả các khoản vay nước ngoài đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo, mắc nợ thành nhóm nước không có gánh nặng về nợ.

Đây là khẳng định của ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - tại Hội thảo về Quản lý nợ nước ngoài quốc gia do Bộ Tài chính cùng ADB tổ chức ngày 26/1.

Theo ông Hiển, trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và đổi mới trong quản lý nợ, đặc biệt là quản lý nợ nước ngoài.

Bộ Tài chính: Việt Nam không còn là nước nghèo có gánh nặng về nợ - 1

Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính)

"Việc quản lý hiệu quả vay nợ nước ngoài đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo và mắc nợ trầm trọng thành một nước được các tổ chức quốc tế đánh giá là có mức nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ" - đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết.

Theo ông Hiển, với nguồn lực có hạn, Việt Nam phải đi vay nước ngoài thông qua nhiều hình thức huy động vốn, điều này đã góp phần xây dựng nhiều công trình, dự án tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Với mục tiêu kiểm soát nợ quốc gia so với GDP mà Quốc hội đặt ra nhiệm vụ, yêu cầu, theo đại diện của Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ nước ngoài khu vực công/nợ quốc gia tính đến hết năm 2020 chỉ còn 43,7%, giảm mạnh từ mức 73,6% năm 2010.

Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài của khu vực công đã giảm và được kiểm soát chặt xuống mức trung bình 13%/năm giai đoạn 2011 - 2015, giảm xuống 3% năm 2016 - 2020.

Về con số cụ thể, Việt Nam hiện đã ký kết vay các khoản vốn ODA, vốn ưu đãi có lãi suất trên 85 tỷ USD, thời gian đáo hạn bình quân gần 14 năm.

Ông Hiển cho rằng, với việc trở thành nước có thu nhập bình quân trung bình thấp, Việt Nam hiện không còn được tiếp cận các dòng vốn ODA không lãi suất, lãi suất ưu đãi mà sẽ phải tiếp cận các dòng vốn có lãi suất thỏa thuận, lãi suất theo thị trường với các điều kiện khác nhau.

Tuy nhiên, việc thỏa thuận và đàm phán các điều kiện đi kèm mức lãi suất vay, khoản vay cũng khác so với điều kiện và áp đặt vay của các khoản vay không hoàn lại, vay ưu đãi. Chính vì vậy, các khu vực công của Việt Nam khi tiếp cận vốn vay đều phải thỏa thuận hoặc đàm phán với các đối tác, chọn lựa khoản vay phù hợp hoặc có lợi cho mình, không chịu ràng buộc.

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế cho rằng cơ chế quản lý vốn vay nước ngoài của Việt Nam chưa tập trung vào các nguồn vay gây rủi ro, ngắn hạn. Các khoản vay này cũng chưa có các khoản tự bảo hiểm dòng vốn và các giải pháp ứng phó khi bị tổn thương.

Bên cạnh đó, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế tại Hội thảo cũng đưa ra lời khuyên cho Việt Nam nên tận dụng vay vốn nước ngoài giá rẻ của các tổ chức quốc tế đa phương, định chế tài chính như WB, ADB, IMF... Tận dụng thời điểm để đàm phán có lợi nhất cho mình.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia trong nước cũng đề nghị tính toán vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu trong nước, vay từ các ngân hàng thương mại bởi vì vốn trong nước đang rẻ, nguồn cung nhiều và đặc biệt là không có quá nhiều ràng buộc, điều kiện đi kèm.