Bộ Tài chính trần tình về thông tin "doanh nghiệp làm 10 đồng nộp thuế 4 đồng"

(Dân trí) - Bộ Tài chính khẳng định, nếu so với mức bình quân chung của 83 nước trên thế giới là 27%; so với một số nước trong khu vực mức thuế suất phổ thông của Việt Nam (20%) được đánh giá là thấp.

Nhiều khoản không thể gộp vào thuế

Trong báo cáo Doing Bussiness 2016 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, tổ chức này tính toán, doanh nghiệp Việt Nam phải dành tới gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, chưa kể phí và các khoản chi phí “không tên” khác...

Đây được cho là mức đóng góp quá lớn, vượt quá mức chịu đựng của doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và là một trong những nguyên nhân khiến số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, dừng hoạt động tăng cao.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, trong văn bản phản hồi ngày 28/2/2016, Bộ Tài chính cho rằng, việc gộp cả những khoản đóng góp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn vào thuế để cho rằng "thuế ăn" là không chính xác.

Theo đó, những khoản này không thuộc về khoản huy động tài chính của nhà nước mà đây là các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động nhằm bảo đảm các chính sách an sinh cho bản thân người lao động.

Đồng thời, cũng theo Bộ Tài chính, hiểu tỷ lệ thu thuế/lợi nhuận của doanh nghiệp tại Việt Nam ở mức cao là chưa đúng. Để giải thích cho điều này, Bộ Tài chính dẫn số liệu thống kê cho hay: Tỷ trọng tổng số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 23,3%, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20,9%. Trong khi tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP của một số nước trong khu vực giai đoạn 2011-2015 như Thái Lan là 23%, Indonesia là 16,6%, Lào 23,4%, Malaysia là 24,5%, Ấn Độ là 19,5%...

Nếu chỉ so sánh riêng tỷ lệ huy động từ thuế, phí tính trên GDP thì với những đặc thù về cơ cấu thu và phương thức hạch toán thu ngân sách có sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước, nguồn số liệu ngân sách ở Việt Nam cần phải loại trừ các khoản thu có tính chất khác biệt, các khoản thu có bản chất “thu từ vốn” và không mang tính chất động viên từ hoạt động kinh tế.

Cụ thể, tính trong giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí (bao gồm cả thu từ dầu thô) ở Việt Nam khoảng 20,9% GDP. Nếu loại trừ thu từ dầu thô thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam khoảng 17,2% GDP. Và nếu tiếp tục loại trừ thu từ tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15,6%.

Bộ Tài chính trần tình về thông tin "doanh nghiệp làm 10 đồng nộp thuế 4 đồng" - 2

Giảm tỷ lệ động viên từ thuế phí

Theo khẳng định của Bộ Tài chính, tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính ở mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), trong thời kỳ 10 năm từ 1999 đến 2009, thuế suất thuế TNDN đã được điều chỉnh giảm từ mức 32% năm 1999, mức 28% từ năm 2004 và 25% từ năm 2009 theo đúng chiến lược, lộ trình cải cách thuế. Mức thuế suất phổ thông từ 2014 là 22% và từ 1/1/2016 xuống mức 20% và mức thuế suất ưu đãi là 10% và 17%.

Nếu so với mức bình quân chung của 83 nước trên thế giới là 27%; so với một số nước trong khu vực có mức thuế suất phổ thông 30% như Philipines, Thái Lan; Trung Quốc 25%, Malaysia 25% thì mức thuế suất phổ thông của Việt Nam được đánh giá là thấp.

Về thuế giá trị gia tăng (GTGT), hiện nay, mức thuế suất phổ thông ở Việt Nam là 10% (cùng với mức thuế suất 5% được áp dụng cho nhiều loại hàng hoá, dịch vụ). Theo thống kê về thuế suất thuế GTGT của 112 nước trên thế giới thì có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức 10%. Các nước xung quanh như Lào, Philippines, Indonesia, Malaysia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), đối tượng hàng hoá và dịch vụ chịu thuế chủ yếu là những chủng loại mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng (thuốc lá, rượu bia) hoặc việc tiêu dùng được tập trung vào những bộ phận có thu nhập cao (như ô tô, chơi gôn) hay những dịch vụ mang tính nhạy cảm về mặt xã hội (kinh doanh vũ trường, massage, karaoke, casino).

Theo Bộ Tài chính, quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần tích cực trong việc hình thành một xu thế tiêu dùng xã hội lành mạnh. Đồng thời, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của đất nước trong từng giai đoạn.

Bộ Tài chính khẳng định, trong giai đoạn 2016 – 2020, hệ thống thuế sẽ tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện đảm bảo đúng mục tiêu theo chiến lược cải cách đã đặt ra là xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư. Theo đó, tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước và tỷ lệ động viên từ thuế phí và lệ phí trên GDP ở mức hợp lý tăng khả năng cạnh tranh và tích tụ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bích Diệp

Bộ Tài chính trần tình về thông tin "doanh nghiệp làm 10 đồng nộp thuế 4 đồng" - 3