Bộ Tài chính: Tăng thuế môi trường xăng dầu nằm trong "khung cho phép"!

(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của báo giới xung quanh đề xuất tăng thuế môi trường kịch trần đối với xăng dầu dựa trên căn cứ nào, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài Chính khẳng định: Mức tăng nằm trong khung cho phép và phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh.

Tại buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều nay (2/4), bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/một lít, từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít.

Bà này khẳng định: "Đề xuất này cũng nằm trong khung cho phép của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", Thứ trưởng Mai nói.

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài Chính
Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài Chính

Bà Mai khẳng định, mức đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính dựa trên Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về đảm bảo thu ngân sách, trong đó nhấn mạnh quá trình cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo các Hiệp định thương mại tự do và xóa bỏ thuế quan đối với nhiều mặt hàng; đồng thời theo Nghị quyết 25 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã nêu rõ các vấn đề của Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị.

Việc tăng thuế môi trường kịch trần trên xăng dầu còn căn cứ vào chiến lược tăng trưởng xanh, để hạn chế sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Căn cứ vào nội dung của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Tác động việc tăng thuế tới lạm phát, Thứ trưởng Mai cũng cho hay, Bộ đã có phân tích tác động của việc tăng thuế này.

"Với phương án tăng như dự thảo và có hiệu lực từ 1/7/2018 sẽ tác động tới CPI tháng 7/2018 là 0,27 - 0,29% và tổng thể CPI năm 2018 là 0,11 - 0,15%", lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ.

Cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, ngoài tăng thuế môi trường với xăng, mặt hàng dầu diesel tăng thuế thêm 500 đồng. Còn lại, dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn cũng bị đề nghị tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay.

Bà Mai cũng cho hay, đề xuất tăng thuế môi trường của xăng dầu căn cứ vào tình hình thực tiễn xã hội từng thời kỳ và các mặt hàng tác động gây ô nhiễm môi trường để điều chỉnh thuế suất.

Lãnh đạo Bộ Tài chính lập luận, việc tăng thuế môi trường sẽ góp phần giảm tác động do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và điều chỉnh mức thuế MFN (nguyên tắc tối huệ quốc) hiện hành bằng mức thuế ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra xăng dầu là sản phẩm chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường (chì, lưu huỳnh, bezen…) ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nên việc tăng sắc thuế môi trường sẽ khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng loại nhiên liệu thân thiện với môi trường như xăng sinh học E5.

Nguyễn Tuyền

Bộ Tài chính: Tăng thuế môi trường xăng dầu nằm trong "khung cho phép"! - 2