1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ Tài chính: Cổ tức của Nhà nước tại BIDV, VietinBank là tiền của nhân dân

(Dân trí) - Khẳng định việc đòi cổ tức tiền mặt tại BIDV và VietinBank không phải do ngân sách nhà nước khó khăn, đại diện Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, các khoản cổ tức này chính là tài sản của Nhà nước, là tiền của nhân dân.

Bộ Tài chính mới đây có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bỏ phiếu lại đối với quyết định của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Bộ Tài chính đề nghị NHNN với tư cách là người đại diện vốn ở 2 ngân hàng này tiến hành bỏ phiếu lại để quyết định chi trả cổ tức tiền mặt, thay vì cổ tức bằng cổ phiếu như đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa qua đã quyết định. NHNN hiện đang nắm giữ 95,28% vốn điều lệ của BIDV và 64,46% vốn điều lệ của VietinBank.

Theo kế hoạch ban đầu, hai ngân hàng này đều dự kiến chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông theo tỉ lệ 10%. Tuy nhiên sau đó, cả hai ngân hàng đều lỡ hẹn. Trong khi BIDV chia cổ tức 8,5% bằng cổ phiếu thì VietinBank không chia cổ tức.

Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm yêu cầu đại diện vốn Nhà nước tại VietinBank và BIDV bỏ phiếu chia cổ tức tiền mặt để chuyển về NSNN
Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm yêu cầu đại diện vốn Nhà nước tại VietinBank và BIDV bỏ phiếu chia cổ tức tiền mặt để chuyển về NSNN

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, “Bộ Tài chính với vai trò cơ quan quản lý tài chính thấy rằng, cổ tức được chia tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước là tài sản của ngân sách nhà nước (NSNN), là tiền của nhân dân”.

Theo đó, đến thời hạn thì doanh nghiệp phải trả cổ tức cho cổ đông. Ở đây, Nhà nước trực tiếp bỏ vốn vào doanh nghiệp nên cổ tức được chia phải được chuyển về NSNN.

Khẳng định Bộ Tài chính tôn trọng quyết định của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) trong việc thực hiện chia cổ tức bằng tiền hay bằng cổ phiếu, ông Tiến cũng nhấn mạnh nguyên tắc là Nhà nước không can thiệp vào công tác nội bộ của doanh nghiệp.

Quan điểm của chủ sở hữu vốn Nhà nước được thể hiện cụ thể thông qua lá phiếu cổ đông - ở đây là lá phiếu người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đó. Trong vấn đề cổ tức tại VietinBank và BIDV, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại hai ngân hàng này biểu quyết chia cổ tức bằng tiền mặt.

“Nếu người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không bỏ phiếu chia cổ tức tiền mặt thì phải giải trình được lý do vì sao. Nếu lý do không thỏa đáng trong việc giữ cổ tức lại cho doanh nghiệp thì phải tiến hành bỏ phiếu phân phối lại lợi nhuận. Điều này thực hiện hoàn toàn đúng luật”, ông Tiến khẳng định.

Nói về vấn đề chia cổ tức, tại ĐHĐCĐ vừa rồi, lãnh đạo BIDV cho biết, việc thực hiện chia cổ tức phụ thuộc nhiều yếu tố. Sau khi sáp nhập với ngân hàng MHB, số lượng cổ phần BIDV tăng lên đồng nghĩa số lượng cổ phần chia cổ tức tăng lên nên sẽ khó giữ được mức cổ tức như ban đầu.

Theo lãnh đạo BIDV, nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, việc thực hiện tăng vốn hơn 9.400 tỷ đồng trong năm nay sẽ rất khó. Do vậy, cổ tức được chia bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5%.

Trong khi đó, lãnh đạo VietinBank cũng cho biết, mỗi năm quy mô tài sản, nguồn vốn kinh doanh của VietinBank phải tăng trưởng 15-17% mới đáp ứng nhu cầu tăng thị phần của ngân hàng này. Đồng thời, do phải đáp ứng tiêu chuẩn Basel II nên yêu cầu vốn càng phải tăng lên.

Về vấn đề này, ông Tiến cho biết, việc tăng vốn của ngân hàng theo nguyên tắc phải có lộ trình và phải được sự chấp thuận của NHNN và sau đó là ĐHĐCĐ.

“Tất nhiên các ngân hàng của chúng ta vẫn khiêm tốn về vốn và tài sản so với khu vực và trên thế giới nên nhu cầu tăng vốn là có. Thế nhưng để tăng vốn có nhiều cách, việc giữ lại cổ tức không phải là giải pháp căn cơ. Phải có giải pháp mạnh hơn như thoái vốn Nhà nước, hoặc phát hành chứ không phải giữ nguyên quy mô rồi bổ sung nhỏ giọt như vậy”, đại diện Bộ Tài chính phân tích.

Ông Tiến cũng khẳng định rằng, không phải do NSNN gặp khó khăn mới có yêu cầu những ngân hàng này chi trả cổ tức. Yêu cầu của Bộ Tài chính là hoàn toàn đúng luật, thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

“Điều này hoàn toàn không phải do ngân sách gặp khó. Ngay cả trong trường hợp NSNN không khó khăn thì cũng phải thu cổ tức theo đúng quy định. Ngân sách khó khăn thì lại càng phải trân trọng số tiền này”, ông Tiến nhấn mạnh.

Bích Diệp

Bộ Tài chính: Cổ tức của Nhà nước tại BIDV, VietinBank là tiền của nhân dân - 2