Bỏ Quỹ bình ổn xăng, dầu: Cần quyết toán công khai

Phải minh bạch, quyết toán Quỹ bình ổn công khai trước khi muốn xóa bỏ.

Quỹ bình ổn, bình ổn cho ai?

PGS.TS Lê Cao Đoàn (Viện kinh tế Việt Nam) giải thích, Quỹ bình ổn là một chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho người dân trước những biến động về giá cả giúp cân bằng, ổn định cho xã hội, giúp người dân đỡ bị tổn thương.

Đối với xăng dầu, đây là lĩnh vực quan trọng, là nguyên liệu không thể thiếu với các hoạt động đi lại của người dân cũng như các hoạt động đầu vào của nền sản xuất.

Trong khi nhu cầu sử dụng cao, nguồn cung trong nước thiếu, bị phụ thuộc nước ngoài, do đó, việc phụ thuộc về giá cả là tất yếu. Bên cạnh đó, việc lên xuống của giá xăng dầu còn do nhiều tác nhân khác cùng tác động ví dụ như: do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, do đầu cơ, tích trữ xăng dầu, do buôn lậu, bán xăng giả... mà nạn nhân phải gánh chịu những hậu quả này không ai khác lại chính là người tiêu dùng.

Khi các hoạt động kinh doanh càng thiếu minh bạch người dân càng có nguy cơ bị móc túi nhiều hơn. Vì lý do này, Quỹ bình ổn ra đời với mục đích giúp ổn định giá cả, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý, gây thiệt cho người tiêu dùng.

Như vậy, nếu một quỹ được vận hành đúng nguyên tắc thì cả nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp đều có lợi. Tuy nhiên, nếu vận hành không chuẩn thì xã hội, người dân không ai có lợi mà chỉ lợi cho doanh nghiệp và một số người.

Sự bất cập trong câu chuyện hình thành Quỹ bình ổn xăng dầu đã rõ, quỹ được thành lập từ nguồn trích lập của người mua xăng, tức là khi giá xăng tăng người tiêu dùng cũng không được lợi, người được lợi chỉ có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

"Đây là câu chuyện trái khoáy, đi ngược với mục tiêu bình ổn. Không có Quỹ bình ổn nào được hình thành từ nguồn đóng góp của người tiêu dùng nhưng lại đi bình ổn cho doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp", PGS Lê Cao Đoàn nhấn mạnh.

Vì lý do này, PGS Lê Cao Đoàn nói thẳng việc tồn tại của quỹ này là không cần thiết. Đề xuất bãi bỏ ngay quỹ bình ổn giá xăng dầu của đoàn giám sát của Quốc hội là đúng.

Minh bạch nguồn quỹ

Theo vị chuyên gia, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu vốn là câu chuyện phức tạp và có nhiều vấn đề không rõ ràng.

Cụ thể là những phản ánh về câu chuyện đầu cơ, tích trữ xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối. Khi giá xăng thế giới xuống thấp thì gom mua vào, đến khi giá cao lại bán đổ ra... như vậy, về bản chất doanh nghiệp tự nhiên đã gom được món hời lớn chứ không hề phải chịu thua thiệt, hay rủi ro gì. Điều bất hợp lý ở chỗ, doanh nghiệp mua vào giá rẻ, bán giá cao rồi lại xin xả Quỹ với lý do bù lỗ.

Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng vẫn phải đều đặn trích lập Quỹ bình ổn bằng số tiền được trừ trực tiếp trên mỗi lít xăng dầu mua vào. Tức là ngay cả khi xăng lên hay xuống người tiêu dùng cũng vẫn mất tiền đóng vào Quỹ bình ổn đó.

Ở đây đang lộ rõ những nhập nhèm, bất cập, rất khó làm cho minh bạch. Không thể kiểm soát được việc doanh nghiệp nhập vào bao nhiêu khi giá xuống, còn bao nhiêu lít xăng bị tồn kho khi giá xăng lên? Cũng rất khó có thể kiểm soát một cách minh bạch nguồn quỹ thu như thế nào - chi ra sao? Có hay không việc sử dụng nguồn quỹ vào mục đích kinh doanh của doanh nghiệp chứ không phải vì mục đích bình ổn...?

"Về nguyên tắc Quỹ bình ổn phải độc lập, không có liên quan tới cá nhân, tổ chức có liên quan tới quỹ mới bảo đảm được tính khách quan, minh bạch.

Tuy nhiên, ngay từ đầu việc quản lý, vận hành nguồn quỹ đã không minh bạch dẫn tới hàng loạt những nghi vấn thiếu minh bạch tiếp theo.

Câu hỏi lớn nhất khi xóa bỏ nguồn quỹ này là: Người tiêu dùng đã nộp vào quỹ bao nhiêu? Họ được hưởng những gì? Nếu tiền đóng vào chưa được bình ổn hết có trả lại cho người tiêu dùng không? Nếu không thì ai hưởng?", PGS Lê Cao Đoàn đặt vấn đề.

Vì những lý do này, vị PGS cho rằng xóa bỏ quỹ không có nghĩa là xóa bỏ mọi mối nghi ngại về tính minh bạch trong công tác quản lý, điều hành, thu - chi quỹ suốt từ khi hình thành tới nay.

"Xóa bỏ quỹ là đúng nhưng người tiêu dùng đã mua xăng, trích lập quỹ từ năm 2009 tới giờ thì đã được hưởng thế nào? Những người trích lập vào quỹ nhưng sau đó mất đi thì ai được hưởng số tiền trích lập này?

Phải minh bạch, quyết toán nguồn quỹ công khai, không thể cứ u u minh minh, không rõ ràng như vậy được", PGS Lê Cao Đoàn nhấn mạnh.

Theo Thái Bình

Báo Đất Việt