Bỏ ngoài tai cảnh báo ô nhiễm, DN thép Việt vẫn muốn nhập khẩu phế liệu
(Dân trí) - Cho rằng, các doanh nghiệp vẫn cần tới 60% nguyên liệu sắt thép vụn, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa kiến nghị Chính phủ xem xét gia hạn và cấp mới giấy phép nhập khẩu cho các nhà sản xuất trong nước.
Theo VSA, trên thế giới có hai loại nguyên liệu chính để sản xuất thép gồm quặng sắt và sắt thép vụn. Năm 2017, thế giới sử dụng tới hơn 2 tỷ tấn quặng sắt và khoảng 650 triệu tấn thép phế liệu để sản xuất ra gần 1,7 tỷ tấn thép. Trong số này, có khoảng hơn 481 triệu tấn thép thành phẩm được sản xuất từ thép phế liệu.
Hiện công nghệ lò điện, sắt thép vụn chiếm 100% nguyên liệu đầu vào của các nhà máy, còn đối với công nghệ lò cao lò chuyển, sắt thép phế liệu chiếm khoảng 30% tổng nguyên liệu đầu vào. Chính vì thế, sắt thép vụn cũng được coi là nguồn nguyên liệu dồi dào và dự báo thế giới sẽ cần khoảng 1 tỷ tấn sắt thép vụn vào năm 2030 và 1,3 tỷ tấn vào năm 2050.
Tại Việt Nam, do nguồn cung sắt thép vụn thu gom trong nước mới chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu cho sản xuất nên các doanh nghiệp vẫn sử dụng tới 60% nguồn phế liệu nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu. Con số này tăng theo từng năm, chẳng hạn năm 2013, lượng sắt thép vụn tiêu thụ là hơn 5,6 triệu tấn; năm 2014 hơn 5,7 triệu tấn; năm 2015 khoảng 4,95 triệu tấn; năm 2016 gần 6,5 triệu tấn và năm 2017 hơn 9 triệu tấn.
Năm 2018, VSA dự báo nhu cầu sắt thép vụ trong nước sẽ cần khoảng 9,6 triệu tấn; năm 2019 cần khoảng 10,8 triệu tấn và năm 2020 dự báo sẽ cần 11,2 triệu tấn.
Hiệp hội này đánh giá sản xuất thép từ sắt thép vụn là công nghệ thân thiện với môi trường vì công nghệ này đã sử dụng nguồn nguyên liệu tái tạo để sản xuất ra sản phẩm với năng lượng tiêu thụ và phát thải khí nhà kính chỉ bằng 1/5 so với sản xuất từ nguồn nguyên liệu quặng sắt.
Bên cạnh đó, sản xuất thép từ phế liệu còn tiết kiệm được tài nguyên đảm bảo phát triển bền vững, nhất là khi trữ lượng quặng sắt của thế giới được dự báo chỉ đáp ứng cho sản xuất trong vòng 70 năm nữa. VSA cho hay thời gian gần đây, Trung Quốc cũng đang tái cấu trúc lại ngành công nghiệp thép, trong đó khuyến khích sản xuất bằng công nghệ lò điện dùng nguyên liệu sắt thép vụn.
VSA chưa biết có cảnh báo?
Từ những phân tích ở trên, trong văn bản mới đây gửi tới Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan, VSA kiến nghị tiếp tục được xem xét gia hạn và cấp mới giấy phép nhập khẩu sắt thép vụn để đảm bảo cho các nhà máy thép đang hoạt động.
Hải quan kiểm tra một lô hàng nhập thép vụn (Ảnh minh họa)
Cùng với đó, VSA đề nghị xây dựng và ban hành các chế tài xử nghiêm minh đối với các đơn vị nhập khẩu sắt thép vụn vi phạm quy định, pháp luật, gây tác động không tốt với môi trường, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Kiến nghị của VSA được đưa ra, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản yêu cầu Hiệp hội này báo cáo và cung cấp thông tin về nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Yêu cầu của Bộ TN&MT xuất phát từ tình trạng hàng nghìn container phế liệu bị ùn ứ tại cảng gây ách tắc kéo dài. Theo thống kê, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các cảng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý là 4.480 container, trong đó riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container. Trên địa bàn Hải Phòng đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hết tháng 5/2018, cả nước nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch hơn 744 triệu USD (đạt hơn 16.900 tỉ đồng), trong đó, nhập khẩu phế liệu nhiều nhất của Nhật Bản, với hơn 546.000 tấn, đạt giá trị kim ngạch 200 triệu USD.
Việt Nam là một trong những quốc gia cho phép nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất. Đến nay cả nước có 928 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, bên cạnh những danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu, không ít doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa không đạt chất lượng theo quy định, thậm chí làm giả hồ sơ để nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.
H.Anh