Bộ muốn bỏ phí nhưng tỉnh, thành nói không?!

Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính muốn bãi bỏ hàng loạt loại phí nhưng nhiều tỉnh, thành không đồng ý.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quyết định bãi bỏ 31 loại phí, lệ phí liên quan đến thú y đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng và người chăn nuôi.

Phản hồi đề nghị này, Bộ Tài chính đã có công văn cho biết quy định về thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y có sự trùng lắp và chồng chéo nên đề xuất bỏ luôn Thông tư 04/2012 về thu phí, lệ phí trong công tác thú y.

Thế nhưng ngay sau đó 17 tỉnh, thành như TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương… vừa họp thống nhất đề nghị hai bộ trên duy trì một số loại phí, lệ phí.

“Bỏ phí, DN và nông dân sẽ thiệt”

Lý giải về việc vì sao lại đề nghị không bỏ nhiều loại phí mà các DN, nông dân cho là bất hợp lý, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, nói do tự chủ tài chính hoàn toàn (ngân sách nhà nước không cấp) nên tiền lương chi trả cho toàn bộ nhân sự chi cục và kinh phí hoạt động đều dựa vào nguồn thu từ phí, lệ phí thú y.

Trứng, thịt gia cầm…
phải cõng nhiều loại phí trước khi đến
tay người tiêu dùng. Ảnh: HTD

Trứng, thịt gia cầm… phải cõng nhiều loại phí trước khi đến tay người tiêu dùng. Ảnh: HTD

Nhân sự chi cục, theo ông Phát, hiện nay có 680 người, trong đó 58 người là công chức, viên chức; hơn 620 người hợp đồng. Tiền thu phí, lệ phí mỗi năm khoảng 170 tỉ đồng, đáp ứng toàn bộ hoạt động của chi cục. Do vậy, nếu dừng thu phí, lệ phí thì chi cục sẽ phải ngưng ký hợp đồng với 620 người.

“Chẳng may dịch bệnh xảy ra sẽ không có người hỗ trợ trang trại, DN chăn nuôi chẩn đoán bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, chích ngừa. Cuối cùng trang trại và DN chịu nhiều thiệt thòi. Chưa hết, hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật sẽ không có người kiểm soát” - ông Phát phân tích.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM Phan Xuân Thảo cũng cho rằng ảnh hưởng của các loại phí, lệ phí trong công tác thú y đến giá thành sản phẩm lưu thông trên thị trường là không lớn. Đối tượng chi trả các mức phí, lệ phí này hầu hết rơi vào nhóm lưu thông, kinh doanh. Ông Thảo nhấn mạnh: “Do đó nếu bãi bỏ các mức phí, lệ phí thú y chỉ mang lại lợi ích cho các đối tượng kiểm soát khâu lưu thông, chế biến, phân phối trên thị trường. Trong khi người chăn nuôi trực tiếp không được lợi, đồng thời sẽ tăng gánh nặng ngân sách một khi dịch bệnh gia súc, gia cầm không được kiểm soát”.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ, cho hay công chức, viên chức của chi cục hơn 60 người, trong đó lao động hợp đồng phụ trách kiểm dịch thú y lên tới hơn 160 người. Trong năm 2014, chi cục thu phí, lệ phí hơn 9,2 tỉ đồng.

“Nếu bãi bỏ 31 khoản phí và lệ phí, để đảm bảo thu đủ chi cho số lượng nhân viên hợp đồng buộc lòng chi cục phải giảm khoảng 86 người” - ông Dũng lo ngại.

Lãnh đạo chi cục thú y của các tỉnh, thành khác cũng lo ngại nếu bãi bỏ 31 phí, hoạt động của ngành thú y cơ sở sẽ rất khó khăn.

Bộ trưởng nói bỏ, chi cục kêu giữ

Chiều 26/6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết Cục vẫn chưa nắm được thông tin về kiến nghị của chi cục thú y 17 tỉnh, thành duy trì thu một số phí, lệ phí.

Trong khi đó, các DN và người chăn nuôi đánh giá việc bãi bỏ những loại phí như đề nghị của Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính là còn ít, bởi thực tế vẫn còn những loại phí vô lý nữa cần loại bỏ như phí kiểm dịch trứng tằm, trứng cút, kiểm dịch tinh dịch động vật, phí đánh dấu gia súc... Điều này làm tăng giá gà, trứng gà thành phẩm vốn đang chịu áp lực từ gà ngoại nhập giá rẻ.

Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình, bức xúc: Người chăn nuôi, DN đã phản ánh nhiều về “rừng” phí mà con gà, quả trứng phải “cõng”. Vấn đề này còn được đưa ra Quốc hội bàn thảo, chất vấn và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã quyết định bãi bỏ những loại phí, lệ phí này. Vậy không hiểu vì sao các chi cục thú y lại kiến nghị giữ lại các loại phí, lệ phí thú y.

“Ngành chăn nuôi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các DN nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Sắp tới phải tìm cách tồn tại khi thịt ngoại nhập khẩu giá rẻ từ Úc, Mỹ, Canada, Hàn Quốc… khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do - FTA, mức thuế chỉ còn 0%-5%. Tại sao các chi cục không đề xuất giảm các loại phí, lệ phí để hỗ trợ ngành chăn nuôi, mà lại muốn giữ lại các loại phí vì lo ảnh hưởng đến… ngành” - ông Bình đặt vấn đề.

Trong khi đó, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng điều các DN, người chăn nuôi lo không chỉ là tiền phải trả cho các loại phí, lệ phí mà còn là những tiêu cực phí nảy sinh. Tiêu cực phí DN chăn nuôi phải đóng có khi còn nhiều hơn phí. Ví dụ: Phí niêm phong khoảng 10.000 đồng nhưng chẳng lẽ DN chăn nuôi chỉ nộp 10.000 đồng là xong?!

“Cơ quan thú y lo ngại việc bãi bỏ nhiều loại phí sẽ ảnh hưởng đến công tác kiểm soát dịch bệnh. Nhưng việc quản lý chất lượng thuốc thú y, vaccine vô cùng yếu kém. Thuốc xấu, thuốc tốt, vaccine xấu, vaccine tốt lẫn lộn bán tràn lan trên thị trường. Chỉ người chăn nuôi chịu rủi ro, thiệt hại, có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm, chia sẻ thiệt hại với người dân đâu. Người chăn nuôi như đánh bạc với trời đất “may ăn may thua”” - ông Lịch chia sẻ.

Bộ Tài chính muốn bãi bỏ hết các quy định thu phí thú y

Ngày 26/6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cho biết Bộ đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT về việc bỏ các quy định thu phí thú y theo Thông tư 04/2012 của Bộ Tài chính.

Theo ông Thi, quan điểm của Bộ Tài chính không những bỏ 31 loại phí, lệ phí như đề xuất của Bộ NN&PTNT mà muốn bỏ hết các loại phí của thông tư này. Dự kiến Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư bãi bỏ Thông tư 04/2012 và hai bộ sẽ phối hợp xây dựng thông tư hướng dẫn mới sau khi Luật Phí và lệ phí được Quốc hội thông qua.

Như vậy, theo hướng trên, hàng loạt loại phí liên quan đến thú y sẽ được bỏ như phí kiểm dịch trứng đà điểu, trứng cút, trứng tằm, kiểm dịch tinh dịch; sản phẩm động vật pha lóc, đóng gói lại, sơ, chế biến; sừng mỹ nghệ…

Trà Phương

Điều quan trọng nhất là thú y phải tạo điều kiện thông thoáng cho DN hoạt động mà vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch chứ không phải cứ thu nhiều phí thì mới kiểm soát được dịch bệnh 

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam


Theo Trần Ngọc – Quang Huy
Pháp Luật TPHCM

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”