“Bộ không khuyến khích cạnh tranh bằng giá!”
Mấy ngày qua, dư luận rất quan tâm đến việc Bộ Bưu chính Viễn thông không đồng ý với đề án giảm cước của VNPT cho hai mạng điện thoại di động VinaPhone và MobiFone. Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Trần Đức Lai đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thưa Thứ trưởng, vì sao Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) đã trình phương án giảm cước điện thoại di động từ lâu, nhưng Bộ không đồng ý?
Việc giảm cước điện thoại di động nói chung đã có lộ trình. Riêng đề án giảm cước của VNPT, không phải là Bộ không đồng ý.
Tuy nhiên, Bộ yêu cầu VNPT báo cáo về một số vấn đề như đầu tư cơ sở hạ tầng như thế nào để đáp ứng yêu cầu của khách hàng về chất lượng dịch vụ (giảm cước, chắc chắn lượng thuê bao tăng lên).
Hiện nay, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho mạng lưới đã chững lại. Tình trạng nghẽn mạng thời gian qua đã thường xuyên xảy ra và người thiệt thòi chính là khách hàng. Bộ không khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh nhau bằng giá cước, mà phải bằng chất lượng dịch vụ, chế độ hậu mãi...
Nghĩa là VNPT đưa ra phương án giảm cước, nhưng không đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, thưa ông?
Đúng là tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng của VNPT thời gian qua là chậm. 6 tháng đầu năm 2005, đầu tư VNPT chỉ đạt 30 - 35% kế hoạch cả năm. Tốc độ chậm một phần là do thủ tục. Việc mở rộng công nghệ đòi hỏi phải đấu thầu, mà quy trình đấu thầu thì lâu.
Thưa ông, thực tế giá cước điện thoại ở Việt Nam vẫn cao so với thế giới và ngay cả khi giảm cước, các doanh nghiệp viễn thông vẫn có lãi. Vậy thì vì sao không cho phép giảm cước để người tiêu dùng được lợi?
Tôi khẳng định là cước điện thoại ở Việt Nam không cao so với khu vực, thậm chí cước cố định nội hạt ở Việt Nam còn thấp nhất khu vực. Nếu nói cao thì chỉ so với thu nhập bình quân ở Việt Nam.
Quan điểm của chúng tôi vẫn là xem xét để tiếp tục giảm cước xuống, nhưng không thể giảm quá mạnh. Giá cước mà dưới giá thành, thì về lâu dài doanh nghiệp không thể đảm bảo đầu tư, nhằm tăng chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Theo ông, trong tương lai thị phần điện thoại di động của VNPT so với các doanh nghiệp khác, ở mức bao nhiêu là hợp lý?
Thị phần do thị trường điều tiết. Tiềm năng thị trường điện thoại di động ở Việt Nam còn rất lớn. Hiện đã có 6 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh điện thoại di động, đăng ký khoảng 4 triệu thuê bao (trong đó VNPT đăng ký 2,5 triệu, Viettel 1 triệu...).
Theo tôi, các doanh nghiệp mới chiếm khoảng 25% - 30% thị phần trong một vài năm tới là đẹp (hiện các doanh nghiệp mới chỉ có khoảng 1,1 triệu so với 6 triệu thuê bao của VNPT, chưa đầy 20%).
Theo Lao động