Bộ Giao thông xoay sở tìm nguồn trả nợ hơn 136 tỷ đồng cho dự án quốc lộ 4

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Số nợ các nhà thầu thi công dự án là hơn 136 tỷ đồng, Bộ GTVT đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ bổ sung nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn để xử lý các nợ đọng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về thực hiện dự án đầu tư, nâng cấp quốc lộ 4 (QL) đoạn nối Hà Giang - Lào Cai (giai đoạn 1).

Dự án đầu tư, nâng cấp QL4 đoạn nối Hà Giang - Lào Cai (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Ban Quản lý dự án 6 - Bộ GTVT quản lý dự án.

Dự án được khởi công từ năm 2008, dự kiến hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nên dự án phải dừng giãn tiến độ sau năm 2015.

Bộ Giao thông xoay sở tìm nguồn trả nợ hơn 136 tỷ đồng cho dự án quốc lộ 4 - 1
Một đoạn quốc lộ 4 (ảnh: Báo Lào Cai)

Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2011 - 2015, dự án được cấp trên 283 tỷ đồng nhưng không đủ để hoàn thành. Số vốn được cấp này mới chỉ thi công hoàn trên 48 km đưa vào khai thác sử dụng phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội và an ninh quốc phòng các đoạn tuyến thuộc huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, tỉnh Lào Cai và huyện Xín Mần, Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Dự án phải tạm dừng thi công, chỉ làm đảm bảo giao thông đoạn Km339 - Km368 dài trên 24 km huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Dự án đã được triển khai thi công theo đúng tiến độ và mục tiêu đề ra. Toàn bộ khối lượng hoàn thành của các gói thầu, hạng mục đều được thi công xong trước ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, do biến động lớn về giá cả nguyên vật liệu, cơ chế chính sách của nhà nước, các gói thầu đang thi công nên chưa chuẩn xác được chi phí trượt giá và xác định giá trị hoàn thành.

Sau khi thi công xong, chủ đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ quyết toán (quyết toán đến điểm dừng kỹ thuật), chi phí xây dựng đã tăng lên so với dự toán. Qua rà soát, hiện đang nợ các nhà thầu thi công trong giai đoạn này là hơn 136 tỷ đồng.

Bộ GTVT cho biết đã có nhiều văn bản tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cân đối, bổ sung nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để xử lý các khoản nợ đọng của 69 dự án trong đó có Dự án này nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Cũng theo Bộ GTVT, Nghị quyết 556/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt và đường bộ quan trọng, cấp bách, dự án được bố trí 430 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện.

Ngày 27/02/2019, Bộ GTVT phê duyệt phân kỳ đầu tư dự án tại Quyết định số 363/QĐ-BGTVT với tổng mức đầu tư là 430 tỷ đồng để thi công hoàn thành đoạn tuyến Km339-Km368 bị dừng giãn từ năm 2011 (đã cơ bản xong nền đường) và hiện đang triển khai thi công đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2020.

Để thi công hoàn thành đoạn tuyến Km339-Km368 cần khoảng trên 293 tỷ đồng. Như vậy, kinh phí còn lại trong tổng mức đầu tư phân kỳ được duyệt là trên 136 tỷ đồng. Số vốn còn dư này là do dự án thực hiện kéo dài trong nhiều năm nên chủ đầu tư đã tính toán chi phí xử lý kỹ thuật phát sinh trong thời gian dừng giãn chưa sát... đặc biệt là đoạn tuyến Km368-Km371 thuộc gói thầu số 10 chưa triển khai thi công và đầu tư sẽ chưa phát huy hiệu quả ngay.

Theo báo cáo của chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án 6, đoạn tuyến Km339-Km368 sẽ được thi công và hoàn thành trong năm 2020 với tổng nhu cầu vốn chỉ khoảng trên 293 tỷ đồng. Số vốn còn dư trong tổng mức đầu tư phân kỳ được duyệt là khoảng trên 136 tỷ đồng.

Sau khi rà soát, kiểm tra, khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản đều phát sinh trước ngày 1/1/2015 với giá trị là hơn136 tỷ đồng.

Để tránh phát sinh hệ lụy phức tạp từ khiếu kiện kéo dài của việc nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ GTVT đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng phần vốn dư trong tổng số 430 tỷ được bố trí cho dự án từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 556/2018, để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản cho các nhà thầu đúng với quy định của pháp luật.