Bộ Giao thông muốn "siết" vốn ngoại ở doanh nghiệp nhập ô tô!?

(Dân trí) - Bộ Giao thông và Vận tải vừa có văn bản gửi các Bộ liên quan cho ý kiến về đề xuất xác định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tại Việt Nam.

Tại phần góp ý của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định: Việc xác định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài như trên không phù hợp với Luật đầu tư và cam kết của Việt Nam trong WTO.

Bộ GTVT đưa Dự thảo Nghị định nhằm xác định tỷ lệ góp vốn nhà đầu tư nước ngoài ở doanh nghiệp bảo hành, bảo dưỡng, nhập khẩu xe hơi
Bộ GTVT đưa Dự thảo Nghị định nhằm xác định tỷ lệ góp vốn nhà đầu tư nước ngoài ở doanh nghiệp bảo hành, bảo dưỡng, nhập khẩu xe hơi

Bộ KH&ĐT dẫn chứng, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô không được quy định tại Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO. Ngành nghề này cũng không thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật đầu tư năm 2014.

Dẫn chứng Nghị định 116/2017 của Chính phủ về quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập kẩu ô tô và dịch vụ đi kèm, Bộ KH&ĐT khẳng định:

Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhập khẩu và phân phối ô tô phải có trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng đối với chính các sản phẩm đo họ nhập khẩu và phân phối.

Pháp luật cũng không có quy định chỉ được cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô mà không cho doanh nghiệp nhập khẩu quyền và lợi ích tương tự.

Theo Bộ KH&ĐT, trên thực tế không có nhà cung cấp dịch vụ nào thành lập doanh nghiệp và hạn chế đối tượng, sản phẩm và dịch vụ của mình.

Dẫn chứng trường hợp Công ty TNHH Vận tải TC về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án của công ty này tại Việt Nam, Bộ KH&ĐT khẳng định đã hai lần có ý kiến gửi Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Sở KH&ĐT TP.HCM về trường hợp của công ty này khi đăng ký hoạt động dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô của doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô tại Việt Nam.

Việc xác định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không phù hợp với Luật đầu tư và cam kết của Việt Nam trong WTO.

Trên thực tế, Nghị định 116 của Chính phủ cũng nêu rõ doanh nghiệp nhập khẩu ô tô được phép mở cơ sở bảo hành, bảo dưỡng khi đáp ứng đủ các điều kiện về nhà xưởng, kho bãi và được cấp chứng nhận của Cục đăng kiểm, doanh nghiệp sản xuất, phân phối chính hãng.

Bên cạnh đó, trong Nghị định 116 cũng như Luật Đầu tư năm 2014 không có quy định nào về kiểm soát tỷ lệ vốn nước ngoài tại các doanh nghiệp làm dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng của doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi cả.

An Linh

Bộ Giao thông muốn "siết" vốn ngoại ở doanh nghiệp nhập ô tô!? - 2