Đường sắt Cát Linh - Hà Đông:

Bộ Giao thông lên tiếng việc Tổng thầu Trung Quốc cần thêm 50 triệu USD

(Dân trí) - Bộ GTVT cho biết, 50 triệu USD Tổng thầu Trung Quốc nói cần thêm là giá trị khối lượng dự án đã hoàn thành, phần còn lại của hợp đồng EPC, không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của hợp đồng.

Trưa nay (2/6), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phát đi thông cáo chính thức lý giải thông tin trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành GTVT, trong đó có nội dung Tổng thầu Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cần 50 triệu USD trước khi bàn giao.

Theo Bộ GTVT, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông hiện đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị. Các công việc còn lại chủ yếu là hoàn thiện hiện trường, mỹ quan, chỉnh sửa 1 số thiết bị để chuẩn bị cho vận hành thử toàn hệ thống; chỉnh sửa, hoàn thiện Hồ sơ hoàn công để phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao Dự án.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, đến nay các nhân sự của Tổng thầu, Tư vấn giám sát, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Tư vấn ACT của Pháp) vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án do khó khăn trong các thủ tục cấp visa, vận chuyển đưa đón nhân sự, cách ly phòng chống dịch bệnh liên quan đến chính sách của các quốc gia khác nhau.

Bộ Giao thông lên tiếng việc Tổng thầu Trung Quốc cần thêm 50 triệu USD - 1
50 triệu USD Tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của hợp đồng (ảnh: Lao động)

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Ban Quản lý dự án Đường sắt (QLDA) thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến với Tổng thầu, Tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan để thống nhất giải quyết từng vấn đề cụ thể của Dự án.

Lãnh đạo của Ban QLDA Đường sắt cho biết: “Tại cuộc họp trực tuyến ngày 12/05/2020 giữa Ban QLDA Đường sắt với ông Tiêu Vu Thái - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC), ông Tiêu Vu Thái đã trao đổi, hiện tại Tổng thầu đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là việc thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ”.

Tại cuộc họp này, Tổng thầu kiến nghị chủ đầu tư thanh toán cho Tổng thầu 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án.

“Đây là giá trị đã hoàn thành mà Tổng thầu đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị chủ đầu tư tiếp tục giải ngân thanh toán trong phần giá trị còn lại của hợp đồng EPC, không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của hợp đồng” - Bộ GTVT cho biết và thông tin thêm hiện nay Ban QLDA Đường sắt đã thanh toán cho Tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20%.

Trên cơ sở ý kiến của Tổng thầu, Ban QLDA Đường sắt ghi nhận những khó khăn về tài chính của Tổng thầu. Tuy nhiên, việc Tổng thầu đề nghị thanh toán như trên là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của hợp đồng EPC và các phụ lục hợp đồng đã ký.

Ban QLDA Đường sắt sẽ thực hiện thanh toán cho Tổng thầu theo các quy định của Hợp đồng và các quy định của pháp luật liên quan. Đồng thời, Ban QLDA Đường sắt đề nghị các bên tiếp tục căn cứ vào các điều khoản hợp đồng để tiếp tục trao đổi với Tổng thầu Dự án khẩn trương triển khai các công việc thực hiện tiếp theo” - Bộ GTVT cho hay.

Hiện nay, Bộ GTVT đang tích cực phối hợp cùng UBND TP.Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan để giải quyết những vấn để thủ tục, cũng như những vướng mắc, sớm đưa nhân sự của Tổng thầu và các đơn vị Tư vấn quay lại Việt Nam nhằm triển khai các phần việc còn lại để hoàn thành Dự án.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết nên tới nay tuyến đường sắt này vẫn “lỡ hẹn” không thể đưa vào khai thác.

Châu Như Quỳnh