Bộ Công Thương rà soát công tác cán bộ nhiệm kỳ trước
(Dân trí) - Trong chỉ thị mới nhất, Bộ trưởng Công Thương giao lãnh đạo các đơn vị rà soát công tác cán bộ của đơn vị giai đoạn từ 2012 đến tháng 6/2016. Qua đó đánh giá ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân; đồng thời đề ra những giải pháp khắc phục. Kết quả báo cáo Bộ trong tháng 12/2016.
Thực hiện Nghị quyết số 02 - NQ/BCSĐ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ra Chỉ thị về kiện toàn công tác tổ chức, cán bộ của Bộ Công Thương.
Trong chỉ thị này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu việc bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của những người tham mưu, đề xuất nhân sự. Trong đó, đặc biệt lưu ý vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo phụ trách, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị.
Bộ trưởng Công Thương cũng yêu cầu cần bảo đảm công tâm, khách quan, trung thực trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và tham mưu quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nhất là việc tiếp nhận, bổ nhiệm nhân sự từ nơi khác đến. Trong quy định, quy chế cũng cần có nội dung về công khai, minh bạch những vấn đề có liên quan để công chức, viên chức và người lao động biết để phát huy vai trò giám sát với công tác tổ chức cán bộ.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu chú trọng công tác xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách chủ động, có chất lượng.
Theo đó, việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ.
Khi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào chức danh nào thì phải chọn cán bộ có trong quy hoạch của chức danh đó. “Trường hợp thật đặc biệt mới chọn các đồng chí trong quy hoạch các chức danh tương đương”, Chỉ thị nêu rõ.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Công Thương cũng giao lãnh đạo các đơn vị rà soát công tác cán bộ của đơn vị giai đoạn từ 2012 đến tháng 6/2016, qua đó đánh giá ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân; đồng thời đề ra những giải pháp khắc phục. Kết quả báo cáo Bộ trong tháng 12/2016.
Chỉ thị của Bộ trưởng Công Thương cũng yêu cầu Thủ trưởng và lãnh đạo đơn vị phải “thường xuyên lắng nghe và tiếp nhận những ý kiến phản ánh nhiều chiều của cấp dưới”, góp ý thẳng thắn và chính kiến của mình trong các cuộc họp lãnh đạo về sự cần thiết, yêu cầu, tiêu chuẩn của vị trí bố trí cho cán bộ thuộc quyền quản lý.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng xác định kiên quyết điều chuyển, sáp nhập các đơn vị đầu mối không còn phù hợp để tinh giản bộ máy tổ chức.
Chỉ thị này của Bộ Công Thương ra đời trong bối cảnh công tác cán bộ của Bộ này thời gian qua có nhiều "lùm xùm”. Mới đây, Bộ này cũng có kế hoạch rà soát bộ máy hành chính nhân sự, theo đó, dự kiến sẽ có một số vị trí chủ chốt đứng đầu vụ, cục sẽ được điều chuyển, bố trí công việc phù hợp hơn hoặc bãi nhiệm.
Theo các quy định hiện hành, Bộ Công Thương có chức năng quản lý nhà nước rộng, bao gồm 26 ngành và lĩnh vực cụ thể. Bộ Công Thương cũng đang quản lý 16 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong đó có những doanh nghiệp có vai trò là trụ cột.
Theo những Nghị định hiện hành về Điều lệ hoạt động của một số Tập đoàn lớn trong ngành, Bộ Công Thương được đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, khen thưởng kỷ luật Chủ tịch HĐTV các tập đoàn. Ngoài ra, Bộ Công Thương được quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, khen thưởng, kỷ luật thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành tại Tập đoàn.
Ở các Tổng công ty và doanh nghiệp trong ngành công thương thuộc sở hữu Nhà nước hay Nhà nước có cổ phần chi phối, Bộ Công Thương còn là đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp - khi chưa được chuyển về SCIC. Dĩ nhiên kèm theo đó là quyền bổ nhiệm các nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp.
Phương Dung