Bộ Công Thương: Không có chuyện vải thiều rớt giá, “dội chợ”
(Dân trí) - Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, dù đã là thời điểm cuối mùa, sản lượng vải chỉ còn khoảng 10% nhưng việc kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, đặc biệt là với các chợ phía nam vẫn thông suốt, diễn ra bình thường.
Trao đổi về tình hình tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, chiều ngày 3/7, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định: “Cho đến thời điểm này, không có chuyện vải thiều bị dội chợ hoặc giảm giá, khó tiêu thụ do thương lái Trung Quốc rút về không thu mua”.
Theo ông Quyền, dù đã là thời điểm cuối mùa, sản lượng vải chỉ còn khoảng 10% nhưng việc kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, đặc biệt là với các chợ phía nam vẫn thông suốt, diễn ra bình thường.
“Theo phản ánh, giá vải thiều bán tại vườn vẫn ở mức từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, hàng sâu, vặn vẹo mới có giá 5.000 - 7.000 đồng/kg. Khi nói đến giá cần phải đi kèm với chất lượng, chất lượng vải như thế nào thì sẽ có mức giá đó”, đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Ông Quyền cũng cho biết thêm, tại Trung Quốc hiện đã bắt đầu mùa vải sớm tại các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam… Tuy nhiên, những đơn đặt hàng cũ với Việt Nam vẫn được thực hiện dù số lượng đã giảm dần.
"Tôi đã trao đổi với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cho rằng đây vẫn là mùa vải thuận lợi, thành công với mức giá cao hơn 3.000 - 5.000 đồng/kg so vs năm trước, Mỗi người có cách nhìn khác nhau nhưng khi nhìn cần nhìn bao quát, phổ biến”, ông Quyền nói.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí vào sáng nay (ngày 3/7), ông Trần Quang Tấn - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khẳng định, tình hình tiêu thụ vải thiều tại địa phương vẫn diễn biến bình thường và việc thương lái rút bớt khỏi Việt Nam là do cuối vụ, lượng vải cũng không còn nhiều.
Theo đánh giá của ông Tấn, vụ vải năm nay của huyện Lục Ngạn thành công hơn kỳ vọng với sản lượng ước ban đầu chỉ đạt 90 nghìn tấn, nhưng đến nay dự kiến lên tới 118 nghìn tấn. Điểm thành công nữa là chất lượng cũng được nâng cao. Năm nay, diện tích trồng giảm từ hơn 17,5 nghìn ha năm ngoái xuống còn hơn 16,2 nghìn ha nhưng sản lượng vẫn vượt kỳ vọng gần 30 tấn. Trong khi đó, giá bán bình quân năm nay tăng từ 12.500 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg.
“Giá bình quân cứ tăng 1.000 đồng thì doanh thu tăng thêm 118 tỷ đồng. Do đó, tính tổng thể, năm nay tuy sản lượng giảm nhưng cho thu nhập lên tới 1.770 tỷ đồng, tăng hơn 145 tỷ đồng so với năm trước. Năm nay là năm có kết quả về tổng giá trị cao nhất trong 62 năm vừa qua”, ông Tấn nói thêm.
Phương Dung