1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Bộ Công Thương “giải trình” trách nhiệm tham mưu Thủ tướng về xuất khẩu gạo

(Dân trí) - Liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân trong việc đề xuất chính sách điều hành gạo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định “cam kết thực hiện đúng các quyết định và kết luận của Thanh tra Chính phủ”.

Vấn đề này được đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối nay (2/6). Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết:  Trong quý I/2020 vừa qua, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến rất nhanh và hết sức phức tạp, có thể nói rất nghiêm trọng với Việt Nam và các nước trên thế giới.

Tình hình thị trường gạo toàn cầu phát sinh các diễn biến, tác động đa chiều, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như tình hình giá cả cung cầu trong nước và việc điều hành gạo.

Ông Hải cho biết, Bộ Công Thương thực hiện trong chức năng nhiệm vụ của mình nhưng cũng thường xuyên đánh giá tầm quan trong và báo cáo, xin sự chỉ đạo của các các cấp có thẩm quyền, tránh việc gây ảnh hưởng đến cân đối cung cầu, không những là về xuất khẩu và cả nhu cầu trong nước để bảo đảm an ninh lương thực tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh.

Bộ Công Thương “giải trình” trách nhiệm tham mưu Thủ tướng về xuất khẩu gạo - 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quân, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt gần 1 triệu tấn, chính xác 930 nghìn tấn, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2019, và nếu tính tốc độ như đã xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 và nửa đầu tháng 3/2020 thì quý I sẽ xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ 2019.

Trong nửa đầu năm 2020, có thể xuất khẩu được 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với hàng hóa có thể cho xuất khẩu (chúng ta dành chỉ có 3 triệu thôi nếu tình hình xuất khẩu như vậy sẽ đạt 3,7 triệu tấn mà trong khi các quốc gia, bên cạnh nhu cầu thực tế về lương thực thực phẩm cũng đã rất quan tâm đến tăng dự trữ chiến lược khiến giá gạo thế giới liên tục tăng dù Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia hàng đầu xuất khẩu gạo được mùa, giá gạo trong nước cũng liên tục tăng cao, đồng thời cũng khó xác định diễn biến của dịch bệnh Covid-19 cũng như tâm lý của người dân lo thiếu gạo của thị trường trong nước có thể xảy ra, nhất là việc mua dự trữ gạo quốc gia thời điểm đó là không thuận lợi.

“Chính vì vậy, Chính phủ có quyết định tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 để giãn tiến độ xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần bình ổn giá gạo trong nước. Tuy nhiên, sau khi làm việc với các cơ quan liên quan, trực tiếp làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp và khảo sát lại tình hình trên toàn quốc trong bối cảnh vụ mùa sắp tới của Việt Nam thì Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về phương án, điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5” - ông Hải cho hay.

Ngày 29/4/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về giải pháp điều hành gạo trong thời gian tới là từ ngày 1/5/2020 cho xuất khẩu gạo trở lại và không có hạn ngạch bình thường như trước đó.

Liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân (nếu có) trong việc đề xuất chính sách điều hành gạo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin: Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo thành lập đoàn Thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Như vậy, ngày 29/4/2020, Thành tra Chính phủ đã công bố về đoàn Thành tra này.

“Theo quy định đoàn Thanh tra sẽ làm việc trong 35 ngày, vì vậy đến ngày 18/6/2020 tới, đoàn Thanh tra mới kết thúc thanh tra theo quy định, kết luận của đoàn Thành tra sẽ được công bố rộng rãi. Chúng tôi cam kết thực hiện đúng các quyết định và kết luận của Thanh tra Chính phủ” - ông Hải nói.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết thêm, trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng Chính phủ nói quyết tâm của chúng ta phải đạt được con số xuất khẩu năm 2020 là 7 triệu tấn gạo, như vậy buộc phải cao hơn khoảng 400.000 – 500.000 tấn gạo so với cùng kỳ 2019. Bối cảnh đại dịch Covid-19 như vậy thì vấn đề an ninh lương thực và lo cho đời sống của người dân được đặt lên hàng đầu. 

Ngày 23/3, Bộ Công Thương đề xuất dừng xuất khẩu gạo, sau đó ngày 10/4 có xuất khẩu gạo trở lại nhưng có kiểm soát và ngày 20/4 chấm dứt, là khi đó Thủ tướng quyết định cho xuất khẩu gạo trở lại và không có hạn ngạch nữa bởi sau khi có điều tra, khảo sát và làm việc với các địa phương, đánh giá lại chiến lược của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương báo cáo, nghe ý kiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì thấy rằng, việc xuất khẩu gạo trong thời kỳ quyết định của Thủ tướng hoàn toàn đúng, Bộ Công Thương đề xuất như vậy vì cũng tính toán đến vấn đề an ninh lương thực khi chúng ta thực hiện giãn cách xã hội,…

“Đến ngày 30/6 trong công văn 1312, Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan Thanh tra việc này. Nếu như không vì vấn đề trục lợi, vấn đề cá nhân thì cơ quan điều tra sẽ báo cáo Thủ tướng” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm.

Châu Như Quỳnh