1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Công Thương còn nhiều khuyết điểm trong quản lý tạm nhập tái xuất

(Dân trí) - Bộ Công Thương vẫn còn một số tồn tại, khuyết điểm như việc ban hành Thông tư về công tác báo cáo còn chưa chặt chẽ, chưa phân định rõ vai trò, trách nhiệm đơn vị chủ quản, cơ chế phối hợp với đơn vị tham gia quản lý nhà nước về tạm nhập tái xuất (Bộ Tài chính, các địa phương, Sở Công Thương).


Hoạt động tạm nhập, tái xuất vừa qua còn nhiều bất cập trong quản lý (Ảnh minh họa)

Hoạt động tạm nhập, tái xuất vừa qua còn nhiều bất cập trong quản lý (Ảnh minh họa)

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu của Bộ Công Thương.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, mặc dù hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất của doanh nghiệp còn những khó khăn nhất định do bị tác động bởi một số nguyên nhân khách quan như việc các lực lượng chức năng Trung Quốc tăng cường, thắt chặt quản lý hoạt động giao nhận hàng hoá dọc tuyến biên giới… nhưng theo đánh giá chung của các địa phương, qua các lần điều chỉnh, các quy định này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quy định điều kiện kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với một số loại hàng hoá phù hợp.

Tuy nhiên, đối với Bộ Công Thương vẫn còn một số tồn tại, khuyết điểm như việc ban hành Thông tư về công tác báo cáo còn chưa chặt chẽ, chưa phân định rõ vai trò, trách nhiệm đơn vị chủ quản, cơ chế phối hợp với đơn vị tham gia quản lý nhà nước về tạm nhập tái xuất (Bộ Tài chính, các địa phương, Sở Công Thương).

Các thông tư trên cũng chưa phù hợp với thực tế và chưa đủ cơ sở khoa học để xây dựng mức ký quỹ, chưa sát thực tế quy định về điều kiện kho bãi trong cấp phép, chưa quy định cụ thể, đầy đủ mẫu biểu, thời gian và chế tài trong yêu cầu báo cáo đối với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Bộ Công Thương cũng chưa thực hiện tốt việc “chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản thuộc chức năng của Bộ” như việc thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát kết quả báo cáo tạm nhập, tái xuất theo quy định.

Thanh tra cũng cho rằng Bộ Công Thương cũng chưa kiên quyết trong kiểm tra, xử lý việc địa phương ban hành văn bản không đúng với quy định tại Thông tư do Bộ Công Thương ban hành, còn để vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời, chưa kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền tăng mạnh chế tài xử lý vi phạm hành chính.

Việc kiểm tra hoạt động tạm nhập tái xuất chưa thực hiện đúng quy định.

Để các tồn tại, bất cập trên là do Bộ Công Thương chưa thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định 95 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Các tồn tại, bất cập trên cũng làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến mục tiêu khắc phục những hạn chế của hoạt động tạm nhập, tái xuất…

Trách nhiệm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là thuộc về tập thể, cá nhân được giao xây dựng thông tư hướng dẫn, các cá nhân được giao nhiệm vụ có liên quan đã chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng, Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu trong chỉ đạo những ván đề về cơ chế, chính sách đối với hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và trong điều hành hoạt động tạm nhập tái xuất…

Trong khi đó, các UBND tỉnh, thành phố có hoạt động tạm nhập, tái xuất chưa chủ động thực hiện việc báo cáo kết quả quản lý nhà nước về tạm nhập, tái xuất cho Bộ Công Thương. Tổng cục Hải quan cũng chưa thực hiện báo cáo đầy đủ, thường xuyên cho Bộ Công Thương trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hoá.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm