Bloomberg: VN-Index sẽ "xuyên thủng" 600 điểm trong năm nay!

(Dân trí) - Kinh tế vĩ mô ổn định, kết quả kinh doanh khả quan cùng với mức giá cổ phiếu rẻ đang là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, thanh khoản ở mức thấp, nợ xấu vẫn là nỗi lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài

Tại bài viết đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam được Bloomberg đăng tải sáng 27/1, hãng tin Mỹ ghi nhận, là một trong những thị trường tăng điểm mạnh nhất châu Á kể từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục mở rộng biên độ tăng.


Nhà đầu tư ngoại đã rót ròng 263 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013
Nhà đầu tư ngoại đã rót ròng 263 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013 - ảnh: Bloomberg.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Phía sau tranh chấp Trung tâm thương mại Chợ Mơ

Thực tế đã có 15 công ty không còn hoạt động

Giá USD tự do tăng vọt, giữ giá vàng SJC

Sửng sốt “vương quốc” bạch mã giữa lòng Hà Nội

Nhận định này là kết quả của cuộc khảo sát được Bloomberg thực hiện mới đây, chủ yếu dựa trên cơ sở kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng tích cực hơn và Chính phủ đã thông qua việc nới trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

 

Nhóm 10 chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ tăng khoảng 8% so với mức đóng cửa ngày 24/1, lên 603 điểm vào cuối năm nay. Tính so đầu năm, VN-Index đã tăng 11%, chỉ đứng sau mức tăng trưởng của thị trường Dubai, một trong 50 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Trong khi đó, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương lại bị sụt giảm 2,8%.

 

Theo kỳ vọng của Chính phủ, năm 2014, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2011, nhờ hỗ trợ của các yếu tố: xuất khẩu tăng vọt và hoạt động mua nợ xấu từ các ngân hàng.

 

Năm 2013, nhà đầu tư ngoại đã rót ròng 263 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam giữa lúc giới phân tích dự đoán, Thủ tướng sẽ cho phép nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại trong năm 2014.

 

Bà Trần Thị Kim Cương, nhà quản lý quỹ tại Manulife Asset Management Vietnam nói: “Chúng tôi rất lạc quan đối với năm 2014 bởi môi trường vĩ mô đã ổn định và có rất nhiều tiềm năng để thị trường đi lên”. Theo đại diện của Manulife, VN-Index sẽ cán mốc 605 điểm vào tháng 12/2014.

 

Chốt phiên 24/1, VN-Index đã tăng 1,2%, lên 560,19 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 11/2009. Tuy nhiên, chỉ số này đã giảm nhẹ 3,05 điểm vào sáng nay (27/1).

 

 

Diễn biến VN-Index từ đầu năm (dữ liệu Bloomberg).
Diễn biến VN-Index từ đầu năm (dữ liệu Bloomberg).

 

Chứng khoán Việt Nam vẫn đang được định giá thấp

 

Bloomberg cho rằng, so với các thị trường khác trong khu vực, cổ phiếu ở Việt Nam vẫn chưa phải là đắt mặc dù thị trường đã tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay. Với hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu (P/E) ở mức 12 lần, giá cổ phiếu ở Việt Nam vẫn đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

 

Dự kiến, lợi nhuận của các công ty trên sàn HSX sẽ tăng 20% trong 12 tháng so với mức tăng 17% của các công ty thuộc rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index dành các thị trường chứng khoán sơ khai.

 

Bloomberg cũng đánh giá rằng, kinh tế Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu phục hồi. Chính phủ dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt 5,8% trong năm nay, cao hơn thực hiện của năm 2013 là 5,42% và của năm 2012 là 5,25%.

 

Điều này thể hiện qua kết quả kim ngạch xuất khẩu đã tăng 15% trong năm 2013, giải ngân vốn FDI tăng 10% lên 11,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, về mặt chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã 8 lần thực hiện hạ lãi suất tái cấp vốn kể từ đầu năm 2012. Lạm phát giảm xuống còn 5,45% từ mức đỉnh 23% hồi tháng 8/2011.

 

Theo nhận định của Trưởng bộ phận khách hàng tổ chức và môi giới công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) Michel Tosto , sự ổn định của kinh tế vĩ mô cùng với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp, định giá cổ phiếu hợp lý là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam. Đại diện VCSC cũng dự đoán VN-Index sẽ đạt mốc 620 điểm vào cuối năm nay.

 

Tuy nhiên, trở ngại chính trong năm nay là thanh khoản của thị trường lại ở mức thấp. Tính từ đầu năm đến ngày 24/1, khối lượng giao dịch trung bình trên HSX chỉ đạt khoảng 1.090 tỷ đồng/ngày (tương đương 52 triệu USD) - rất khiêm tốn so với con số 15 tỷ USD của Sàn Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải.

 

Trong khi đó, mặc dù đã nâng triển vọng của Việt Nam lên mức “tích cực” vào ngày 23/1, tuy nhiên, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vẫn cho rằng hệ thống ngân hàng là một điểm yếu của kinh tế Việt Nam.

 

Mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại chỉ ở mức 3,79% tại thời điểm cuối tháng 12/2013, song JPMorgan Chase vẫn hoài nghi, tỷ lệ này có thể lên tới 10-20%.

 

Mai Chi
Theo Bloomberg

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước