Bình ổn giá Tết: Liên bộ cho giữ nguyên giá xăng, tăng giá dầu

(Dân trí) - Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, kể từ 15h chiều nay (19/1), giá xăng RON 92 và giá xăng E5 giữ ổn định ở 17.594 đồng/lít và 17.322 đồng/lít.


giữ nguyên giá xăng, tăng giá dầu

giữ nguyên giá xăng, tăng giá dầu

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa có thông báo mới về điều hành giá bán lẻ xăng dầu từ 15h chiều nay (19/1).

Theo quyết định của Liên Bộ, các mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng khoáng từ 0 đồng/lít tăng lên 300 đồng/lít, xăng E5 giữ nguyên mức 0 đồng/lít và giữ nguyên với các mặt hàng dầu.

Liên Bộ cũng cho phép tăng mức chi sử dụng quỹ bình ổn đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu . Theo đó, mức trích sử dụng với xăng khoáng và xăng sinh học E5 tăng lên 503 đồng/lít và 514 đồng/lít, với dầu diesel và dầu hỏa, dầu mazut giảm xuống còn 0 đồng/lít.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, kể từ 15h, giá xăng RON 92 và giá xăng E5 giữ ổn định ở 17.594 đồng/lít và 17.322 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu diesel tăng 290 đồng/lít lên mức tối đa 14.047 đồng/lít và dầu hỏa tăng 347 đồng/lít lên 12.600 đồng/lít. Dầu mazut được điều chỉnh tăng 496 đồng/kg lên 11.623 đồng/kg.

Trong năm 2016, Liên bộ Tài chính - Bộ Công Thương đã ban hành 24 văn bản điều hành giá xăng dầu, trong đó, giá xăng được điều chỉnh giảm 9 lần, giữ ổn định 2 lần, tăng 13 lần. Giá dầu diezen 0,05S được điều chỉnh giảm 6 lần, giữ ổn định 6 lần, tăng 12 lần. Dầu hỏa, giảm 6 lần, giữ ổn định 8 lần, tăng 10 lần. Dầu madut, giảm 6 lần, giữ ổn định 4 lần, tăng 14 lần. Đồng thời, cho sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong một số lần điều hành để giảm áp lực tăng giá xăng dầu và góp phần bình ổn giá chung.

Trong kỳ điều hành gần nhất vào hôm 4/1, giá xăng RON 92 và giá xăng E5 cũng được giữ ổn định ở 17.594 đồng/lít và 17.322 đồng/lít. Trong khi các mặt hàng tăng từ 324 - 493 đồng/lít, kg, tuỳ loại.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 19/1/2017 có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, ở mức 66,707 USD/thùng xăng RON 92; 65,236 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 65,384 USD/thùng dầu hỏa; 335,989 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.

Liên quan tới điều hành giá xăng dầu, cuối tuần trước, Bộ Tài chính công bố dự thảo dự kiến tăng mức thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng dầu lên 3.000 - 8000 đồng so với khung thuế cũ là 1.000 - 4.000 đồng trong dự thảo mới được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường.

Cụ thể, đối với mặt hàng xăng, trừ ethanol có thể ở mức 3.000 - 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000 - 6.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500 - 4.000 đồng/lít. Mặt hàng xăng E5, E10 có thể ở khung mức thuế từ 2.700 - 7.200 đồng/lít và 2.500 - 6.800 đồng/lít…

Theo đánh giá của ban soạn thảo, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu nhằm tạo dư địa mức thuế để điều chỉnh, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, phải thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế….

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường để giảm thuế nhập khẩu là cách lý giải chưa thoả đáng. Vị chuyên gia cũng đặt vấn đề, hiện tính minh bạch trong việc sử dụng thu thuế bảo vệ môi trường vào việc bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề Bộ Tài chính cần làm rõ.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đối với những sản phẩm độc hại như xăng dầu đánh thuế là cần thiết nhưng trên thực tế nhiều nước không đánh thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này. Riêng đối với Việt Nam, mức thuế hiện tại 3.000 đồng/lít đã sát khung thuế.

"Việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái là rất cần và hiện có nhiều công cụ như quá trình đầu tư, thanh lọc dự án, thanh tra kiểm tra, chế tài xử phạt và cuối cùng là công cụ thuế hỗ trợ. Tuy nhiên, theo khung cũ 1.000 - 4.000 đồng/lít đã là khung cao, do đó, mức áp thuế hiện tại 3.000 đồng/lít sát khung thuế”, ông Long nói.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên đến 8.000 đồng/lít là mức nâng quá cao, làm tăng thêm chi phí vận tải, hàng hoá hành khác và chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cũng cho rằng, tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ ảnh hưởng đến lạm phát trong ngắn hạn là chưa thể có. Tuy nhiên, ở góc độ sản xuất thì sức cạnh tranh của hàng hóa bị ảnh hưởng, trực tiếp từng người tiêu dùng bị thiệt.

Phương Dung