1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bình Định: Giá hồ tiêu “xuống vực”, nông dân lâm nợ

(Dân trí) - Giá hồ tiêu đang lao dốc không phanh, từ 230.000 đồng/kg (năm 2016) tụt xuống còn 45.000 đồng/kg (năm 2018-2019). Dù chưa đến vụ thu hoạch tiêu 2019 song nhiều nông dân Bình Định như đang ngồi trên đống lửa vì giá tiêu rớt xuống tận đáy.

Nông dân kêu cứu

Theo những người trồng tiêu ở Bình Định, “thời hoàng kim” giá hồ tiêu lên đến đỉnh 234.000 đồng/kg. Thời điểm đó, nhiều hộ trồng tiêu có của ăn của để nên tiếp tục đầu tư trồng mới thêm diện tích. Thế nhưng, qua mỗi năm giá tiêu rớt thảm, hiện chỉ còn 45.000 - 47.000 đồng/kg, khiến nhiều người trồng tiêu lao đao. Trước vụ tiêu chuẩn bị thu hoạch, nhiều hộ trồng tiêu có nguy cơ bỏ trụ tiêu vì lo tiền bán tiêu không đủ tiền thuê nhân công thu hái tiêu.

1 (6).JPG
Người trồng tiêu ở Bình Định lao đao vì giá hồ tiêu rớt sát "đáy".

Ông Lê Văn Chức (53 tuổi, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, Bình Định) cho biết, năm 2016 giá tiêu đạt 234.000 đồng/kg, đến năm 2017, giá tiêu hạ xuống còn 190.000/kg, qua năm 2018 chỉ còn 100.000 đồng/kg. Thấy giá tiêu liên tục rớt, nhiều chủ vựa gom tiêu khô, cất trữ hàng tấn cầm cự chờ giá lên cao để bán. Riêng gia đình ông cũng trữ 2 tấn chờ giá cao mới bán. Nào ngờ, đến năm 2019 này giá tiêu lại tiếp tục rớt không phanh, xuống còn 45.000 đồng/kg.

Đứng giữa vườn tiêu gần 1.000 gốc, ông Chức thở dài: “Chúng tôi không ngờ giá hồ tiêu năm nay lại rớt thảm vậy. Sắp đến vụ thu hoạch tiêu mới nhưng nhiều chủ vườn như ngồi trên đống lửa. Với giá tiêu thảm này, nhiều chủ vườn nói sẽ bỏ trụ tiêu vì lo tiền bán tiêu không đủ tiền thuê nhân công hái tiêu”.

1 (7).JPG
Ông Chức giữ lại trên 2 tấn hồ tiêu chờ tăng giá bán nhưng không ngờ giá hồ tiêu năm nay rớt càng thảm hơn.

Cũng như ông Chức, ông Lê Văn Dụ (50 tuổi, cùng xã Ân Thạnh) cũng mất ăn mất ngủ với trên 1.000 trụ tiêu của gia đình chuẩn bị cho thu hoạch. “Những năm trước, giá hồ tiêu cao, những trụ tiêu như những trụ “vàng” trồng giữa đất. Còn năm nay, nhìn những trụ tiêu nặng trĩu trái nhưng lòng dạ nông dân lại như thiêu đốt”, ông Dụ rầu rĩ.

Với giá tiêu rớt thảm, tiền bán tiêu không đủ trả tiền thuê nhân công hái tiêu. Do vậy, nông dân trồng tiêu ở huyện Hoài Ân đang rất mong nhà nước kêu gọi bộ đội giúp họ thu hoạch vụ hồ tiêu năm nay. “Chúng tôi vẫn sẽ trả công cho bộ đội nhưng với mức thấp hơn thuê nhân công. Vì bây giờ, nông dân trồng tiêu ở đây đều lâm nợ hoặc không còn tiền để thuê nhân công thu hoạch tiêu được”, ông Chức mong muốn.

Ồ ạt trồng tiêu, địa phương cũng bất lực (!?)

So với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Bình Định có diện tích trồng hồ tiêu ít hơn nhiều. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, loại cây công nghiệp này đang phát triển “nóng” ở một số địa phương trong tỉnh. Con số thống kê chưa đầy đủ, hiện Bình Định hiện có trên 650 ha hồ tiêu. Trong đó, huyện Hoài Ân chiếm diện tích lớn nhất với 495 ha, huyện Hoài Nhơn 117 ha…

1 (3).JPG
Thời "hoàng kim" giá tiêu cao, người dân bỏ hàng tỷ đồng đầu tư trồng tiêu nay có nguy cơ lâm nợ.

Ông Tăng Văn Trương - Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, cho biết năm 2015 đến 2016, giá hồ tiêu tại huyện này tăng lên 220.000 đồng/kg. Các hộ dân liên tục đầu tư trồng tiêu nhưng đa phần trồng tự phát là chính.

“Thấy giá hồ tiêu cao, nhiều người dân bỏ vào hàng tỷ đồng để đầu tư vựa tiêu của mình nhưng với giá này chỉ có lâm nợ. Nhưng nghịch nỗi, giá cả thì rớt thảm nhưng Hoài Ân được đánh giá là vùng trồng hồ tiêu rất thích hợp. Năm nào cũng cho năng suất cao, nhất là năm 2019 này”, ông Trương nói.

Trong khi đó, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho rằng đây là cây trồng bấp bênh, người dân họ tự trồng chứ sở cũng không có khuyến cáo, phát động trồng cây này.

“Tới bây giờ tình hình giá giảm rất là sâu, trong khi đó Chính phủ và Bộ NN-PTNT cũng chưa có chỉ đạo và chính sách nào về loại cây trồng này. Bây giờ, chúng tôi cũng chỉ giúp được cho bà con tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ bệnh, sâu bọ giữ diện tích và đợi giá cả tăng”, ông Hổ cho hay.

1 (2).JPG
Nghịch lý là cây tiêu trồng ở huyện Hoài Ân phát triển tốt.

Về việc, người dân huyện Hoài Ân xin “cầu cứu” đơn vị chức năng kêu gọi lực lượng thanh niên, bộ đội giúp đỡ họ thu hoạch hồ tiêu, ông Hổ nói rằng: “Rất khó! Địa phương không thể thực hiện được vì Chính phủ không có chính sách nào. Vì nếu Trung ương không có chính sách thì tỉnh cũng không thực hiện được”.

Doãn Công

bannerchan-bai.gif

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm