Bình Định: Chủ vườn mai khóc ròng vì mai chết rũ
(Dân trí) - Do ngâm lâu ngày trong nước lũ, nhiều vườn mai kiểng của bà con nông dân xã Nhơn Phong, Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) bị héo rũ chết xác xơ, có vườn mai trồng dưới chân ruộng chết gần như 100% làm người trồng mai bị tổn thất nặng nề.
Đã hơn nửa tháng qua, vợ chồng anh Lê Ngọc Hữu (39 tuổi, ngụ thôn Thanh Giang, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, Bình Định) ăn không ngon ngủ chưa yên khi nhìn vườn mai gần 3.000 gốc mai đã năm tuổi bị rũ lá chết vì ngập úng trong nước lũ hồi đầu tháng 11 vừa qua.
Chân ướt chân ráo bước vào nghề trồng mai được 2 năm nay thì dính ngay trận lũ hồi đầu tháng 11 vừa qua, khiến vườn mai 2.900 gốc mai trồng dưới chân ruộng của gia đình anh Hữu bị rũ lá chết gần như 100%, thiệt hại gần cả 100 triệu đồng.
Bên vườn mai lá rũ chết khô, anh Hữu ngậm ngùi: “Làm lúa vất vả quá nhưng chỉ đủ gạo ăn nên vợ chồng tính chuyển sang trồng mai được 2 năm nay, phải thuê đất để trồng 3 triệu đồng/năm. Vừa rồi, tôi đã bỏ cả chục triệu đồng mua chậu, tính hết mùa mưa này sẽ đưa mai vào chậu để chăm sóc. Nhưng người tính không bằng trời tính, trận lũ lớn kèm mưa kéo dài, nước ngập lút vườn mai. Đã hơn nửa tháng nay, nước lũ vẫn chưa rút hết, trong khi cây mai kiểng không chịu được ngập úng kéo dài nên bị rũ lá chết. Bao nhiêu vốn liếng, công sức vợ chồng bỏ ra giờ trôi theo nước lũ. Tôi đã báo cáo cho trưởng thôn để kiến nghị lên chính quyền địa phương xem xét xin hỗ trợ phần nào đó để vợ chồng tiếp tục sản xuất nhưng chưa thấy phản hồi gì”.
Cùng chung số phận, vườn mai kiểng 2 năm tuổi trồng dưới chân ruộng và một số đã đưa lên chậu của hộ bà Trần Thị Hà (ngụ thôn Thanh Giang, xã Nhơn Phong) cũng bị chết rũ do ngập úng lâu ngày trong nước lũ.
Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Phong, cho biết: “Toàn xã có trên 150 hộ trồng mai kiểng, hộ trồng ít nhất 300 chậu, nhiều nhất khoảng 3.000 chậu. Riêng số mai kiểng đặt dưới ruộng hơn 4 ha, đợt lũ đầu tháng 11 vừa rồi đều bị ngập, thiệt hại khá lớn cho người trồng mai trong xã”.
Anh Nguyễn Thanh Sang (cùng ngụ thôn Thanh Giang), than thở: “Vườn mai 900 chậu đặt dưới ruộng bị ngập nước nên tôi phải huy động nhân công đưa mai lên kê tạm lề đường giao thông. Số mai này đã có thương lái đặt cọc mua giá 400 ngàn đồng/chậu, giờ không bán được do ngâm nước dài ngày, lá và nụ hoa rụng hết nên phải bón phân, thay đất chờ năm sau mới bán được. Miếng ăn đến miệng còn bị tuột”.
Còn tại xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) - nơi xem là “thủ phủ” của nghề trồng mai kiểng thương phẩm lớn nhất không chỉ tỉnh Bình Định nói riêng mà so với cả nước nói chung - trận lũ vừa qua cũng gây thiệt hại đáng kể cho một số vườn mai kiểng đặt ở chân ruộng thấp.
Ông Lê Văn Thi (61 tuổi, ngụ thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An), cho biết: “Nếu so với trận lũ 2009 và 2013 thì trận lũ hồi đầy tháng 11 này không nhằm nhò gì, nhưng người trồng mai vẫn bị thiệt hại. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng làm tuyến đường tránh Quốc lộ 1A xẻ ngang cánh đồng xã Nhơn An làm hai mảnh. Khi nước lũ về, nước trên thượng nguồn đổ về nhưng lượng nước tiêu chậm, một số vườn mai đặt ở chân ruộng thấp bị ngập úng dài ngày, thiệt hại 5-10% số mai trong vườn. Nếu cây mai bị ngâm nước 2 - 3 ngày, cùng lắm chỉ bị tuột lá (rụng lá) nhưng còn cứu được, còn nếu ngâm cả 1 tuần đến nửa tháng thì khả năng sống sót chỉ 1%”.
Hiện nay, chính quyền địa phương các vùng trồng mai kiểng đang phối hợp với các ngành chức năng liên quan chuyển giao kỹ thuật chăm mai sau lũ. Đồng thời, khuyến cáo bà con khi vào mùa mưa lũ nên chuyển số mai đặt dưới ruộng lên khu vực cao để tránh thiệt hại, tổn thất như trận lũ vừa qua.
Doãn Công