Biết bitcoin, muốn đầu tư nhưng chuyên gia lại nói ra điều mình lo ngại

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Lần đầu tiên biết đến bitcoin vào năm 2019, chuyên gia tới từ Học viện Tài chính nói khi xem biểu đồ thấy rõ cảm giác "sợ bị bỏ lỡ" nhưng lại không dám đầu tư vì rủi ro, chưa có khung pháp lý...

Chia sẻ tại Diễn đàn Tài sản số 2024 diễn ra mới đây tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Tiến sĩ từ Học viện Tài chính, cho biết lần đầu tiên biết đến bitcoin vào năm 2019. Khi kiểm tra biểu đồ giá, cảm giác rất FOMO (Fear Of Missing Out: hội chứng sợ bỏ lỡ). Tuy nhiên, bà không dám đầu tư vì rủi ro, chưa có khung pháp lý.

"Chúng ta cũng không thể đầu tư khi chưa nắm được cách thức kỹ thuật và tổ chức đằng sau vận hành", bà Dung chia sẻ.

Ông Nguyễn Trung Trang, Giám đốc sản phẩm Công ty cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital), cho biết tài sản số không đơn thuần là bitcoin. Khái niệm này rộng hơn rất nhiều. Sự phổ biến nhanh chóng về tài sản số đã và đang đặt ra những vấn đề chưa từng có đối với các tiêu chuẩn quy định về tài sản, thị trường tài chính, thuế và yêu cầu quản lý kiểm soát rủi ro.

Biết bitcoin, muốn đầu tư nhưng chuyên gia lại nói ra điều mình lo ngại - 1

Một ATM bitcoin tại nước ngoài (Ảnh: Reuters).

Ông Trần Đắc Trung, đại diện Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, cũng nhấn mạnh việc định hình những cơ hội và thách thức do tài sản số mang lại, từ đó tạo ra luật chơi, khuôn khổ cho loại tài sản này là đòi hỏi khách quan và cấp thiết.

"Nếu phát triển và khai thác tốt các nền tảng giao dịch tài sản số, Việt Nam không chỉ có thể tăng thu cho ngân sách Nhà nước, ngăn chặn thất thoát các nguồn lực về tài chính và trí tuệ ra nước ngoài mà còn thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo thuận lợi, khuyến khích các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới ra đời, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia", ông Trung chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Trung, nhiệm vụ này không hề dễ dàng và để thành công, cần có sự tham gia của các bên từ cơ quan quản lý Nhà nước đến doanh nghiệp và nhà khoa học, chuyên gia công nghệ.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Phan Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SSI, nói kinh tế số có đóng góp rất lớn trong nền kinh tế của một quốc gia.

Chính vì vậy, tài sản số có tiềm năng phát triển và mở ra động lực lớn. Trong trường hợp có khuôn khổ pháp lý rõ ràng, tài sản số cũng sẽ được các quỹ nghiên cứu đưa vào phổ cập đến nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, các quỹ đầu tư vẫn sẽ ưu tiên lợi nhuận và sự ổn định về lâu dài.

Trong bối cảnh Việt Nam chưa có khung pháp lý cho loại hình đầu tư này, các hoạt động mua bán, giao dịch tài sản số trong nước vẫn diễn ra sôi động thông qua các sàn quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền và thất thoát cho nền kinh tế.