Biến tướng giao dịch ngầm vàng miếng

Ngày đầu tiên áp dụng quy định siết cửa hàng kinh doanh vàng miếng, giao dịch ở những điểm được phép kinh doanh đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, ở những điểm không được phép kinh doanh, vàng miếng vẫn được ngấm ngầm giao dịch dưới nhiều hình thức.

Hỏi đâu cũng có

 

Ghi nhận tại các cửa hàng vàng tại khu vực Bến Thành, chợ Tân Định, mặc dù bảng giá đã không còn niêm yết vàng miếng SJC nhưng khi được hỏi mua thì nhiều chủ tiệm vẫn có thể cung cấp vàng miếng cho khách hàng.

 

Đến tiệm vàng Hiệp Duyên (kinh doanh tại trung tâm kinh doanh vàng bạc Bến Thành), chủ tiệm thông báo toàn bộ cửa hàng khu vực này không được bán vàng miếng. Tuy nhiên khi hỏi cần khoảng 3 lượng vàng gấp mà không biết điểm nào được bán thì chủ tiệm đã đồng ý cung cấp vàng miếng với điều kiện chỉ mua vài lượng chứ không bán nhỏ lẻ từng chỉ vàng một.

 

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, từ hôm nay, nếu cửa hàng nào không có giấy phép kinh doanh vàng miếng sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng theo Nghị định 95 ban hành năm 2011 của Chính phủ về xử phạt hành vi kinh doanh, mua bán vàng không đúng với quy định của pháp luật.

 

Những DN lớn tập trung nguồn lực để phục vụ khách.
Những DN lớn tập trung nguồn lực để phục vụ khách.

 

Theo quy định mới, những đơn vị chưa được cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng sẽ chỉ được mua bán vàng trang sức hoặc chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác. Hầu hết các tiệm vàng đều có thêm một loại hình kinh doanh nữa là cầm đồ. Nhiều tiệm vàng trong khu vực chợ Bà Chiểu đã đẩy mạnh dịch vụ này để bảo toàn lượng vàng miếng.

 

Một chủ tiệm trên đường Lê Quang Định (Bình Thạnh) cho biết, vàng miếng bị cấm kinh doanh nhưng nhiều khách quen vẫn đến hỏi đành phải chuyển sang hình thức cầm đồ, hóa đơn cũng chuyển thành hóa đơn cầm đồ. Làm vậy cũng là cách tạm thời để lách nghị định 24 trong khi giao dịch với khách quen.

 

Kể từ hôm nay, trên cả nước có 38 đơn vị với 2.497 điểm kinh doanh vàng được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Riêng tại TP.HCM, rút từ 3.000 điểm xuống còn 900 điểm kinh doanh vàng. Hiện các công ty vàng bên cạnh việc niêm yết giá vàng miếng còn niêm yết cả giá vàng nhẫn trơn, thường có giá thấp hơn vàng miếng rất nhiều. Đặc biệt giá vàng miếng trên thị trường giảm mạnh hơn 200.000 đồng/lượng so với sáng qua.

 

Nhiều nơi còn trưng biển để tự quảng cáo.
Nhiều nơi còn trưng biển để tự quảng cáo.

 

Chủ tiệm vàng Ngọc Trang tại chợ Tân Định (Quận 1) cho rằng: "Việc siết kinh doanh vàng miếng của NH Nhà nước khiến tiệm vàng không dám trưng vàng. Tuy nhiên nếu là khách quen thì vẫn bán vàng miếng cho họ. Đây là cách để giữ quan hệ và uy tín của tiệm vàng đối với khách".

 

Tại các điểm được phép kinh doanh vàng miếng thì lượng khách đến có đông hơn mọi ngày tuy nhiên giao dịch thì nhiều người vẫn tỏ ra ngần ngại. Theo chị Hồng, trưởng cửa hàng vàng Mi Hồng (Bình Thạnh), trong ngày đầu nghị định có hiệu lực, lượng khách đến tìm hiểu mua vàng miếng cũng đã tăng lên. Đặc biệt khác với trước đây lượng khách lần đầu đến đã xuất hiện nhiều hơn. Bởi một số điểm kinh doanh khác đã không còn kinh doanh vàng miếng.

 

Tại Hà Nội, sáng ngày 10/1 tại các tiệm vàng trên đường Cầu Giấy, Đê La Thành, Xuân Thủy, Trần Nhân Tông... thấy mọi hoạt động tại các tiệm vàng vẫn diễn ra bình thường, mặc dù khách đến giao dịch không nhiều.

 

Chỗ này thì không cần biển vẫn đông khách.
Chỗ này thì không cần biển vẫn đông khách.

 

Tại tiệm vàng vàng Bảo Tín Minh Châu (Trần Nhân Tông) - nơi được cấp phép buôn bán vàng miếng không có dấu hiệu gì thay đổi, khách đến giao dịch mua bán khá nhiều. Bãi trông giữ xe cho khách chật cứng. Nhiều khách còn phải đứng dưới lòng đường chờ đến lượt gửi xe bởi trên vỉa hè trước cửa tiệm vàng không còn một chỗ trống.

 

Điểm mới nhất, ngay sát bên cạnh tiệm vàng Bảo Tín Minh Châu, tiệm vàng bạc Doji đã trưng biển hiệu mới có thêm dòng chữ "Trung tâm mua bán vàng được Ngân hàng nhà nước cấp phép".

 

Khác với những thay đổi của tiệm vàng trên, các tiệm vàng không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu chuyển hướng, thực hiện đúng theo quy định. Vàng miếng có thể được mua và bán tại bất kỳ một tiệm vàng nào.

 

Tại tiệm vàng Bảo H. trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) vẫn xác nhận mua bán vàng miếng khi có khách hỏi. Khảo sát thực tế ở 10 tiệm có tới 9 tiệm đều nhận được câu trả lời tương tự. Thậm chí, nhiều tiệm vàng còn cho biết, họ không chỉ mua vàng miếng SJC mà còn mua của nhiều thương hiệu khác nữa.

 

Chủ một tiệm vàng trên đường Đê La Thành - Hà Nội cho biết, tại thời điểm này khi giao dịch trên thị trường vàng dường như đóng băng thì chuyện đủ điều kiện hay không đủ cũng không ảnh hưởng mấy. Giờ không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng thì mình chuyển sang bán vàng nữ trang. Tuy nhiên, chủ tiệm vàng này thừa nhận, nếu có người mua hoặc bán vàng miếng thì tiệm vàng vẫn mua bình thường.

 

Loạn giá

 

Tính đến thời điểm này, vàng miếng có thể mua và bán ở bất cứ đâu nhưng người dân lại không dễ tìm được điểm bán vàng đúng giá.

 

Tại tiệm vàng bạc Doji trên đường Trần Nhân Tông, lúc 11giờ sáng vàng SJC được niêm yết với giá 46,070 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra với giá 46,170 triệu đồng/lượng.

 

Các tiệm vàng khác cũng niêm yết giá mua vào bán ra với giá tương tư. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, khi người dân đi bán vàng thường nhận được mức giá đưa ra không giống với giá niêm yết.

 

Chị Bùi Thị Phượng ở phố Phan Văn Trường (Quan Hoa, Cầu Giấy) than thở khi đi bán vàng miếng: "Vào mấy tiệm vàng gần nhà bán mà tiệm nào cũng thấy giá thấp hơn giá niêm yết cả mấy triệu đồng/lượng".

 

Các hiệu vàng nhỏ vẫn hoạt động mua bán vàng miếng.
Các hiệu vàng nhỏ vẫn hoạt động mua bán vàng miếng.

 

Chị kể, khi đem bán hai chỉ vàng SJC ở tiệm Thu H. trên đường Cầu Giấy, bà chủ ở đây nói chỉ mua được với giá 4,2 triệu đồng/chỉ. Thấy vậy mình thắc mắc bởi giá niêm yết trên bảng là trên 46 triệu đồng/lượng thì được bà chủ giải thích "giờ không phải chỗ nào cũng được buôn bán vàng miếng, nhiều rủi ro lắm, chị chỉ mua được giá này thôi".

"Chưa hết, tại tiệm vàng Tuấn T. trên đường Xuân Thủy cũng vậy, ông chủ ở đây nói giá niêm yết trên bảng là giá mua bán với khối lượng lớn. Còn bán lẻ một hai chỉ như chị thì chỉ cao hơn giá vàng 3 số một chút. Nếu đồng ý thì ông ấy trả 4,25 triệu đồng/chỉ", chị kể thêm.

 

Khi được hỏi tại sao không đi đến những tiệm vàng được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng bởi giá bán sẽ đúng với giá niêm yết, chị Phượng nói: "Chẳng có ai nghĩ là họ trả giá thấp thế. Chênh cả mấy trăm so với giá niêm yết. Mà thấy trên báo có nói tới vấn đề này nhưng ngoài những thương hiệu lớn, những tiệm khác được phép kinh doanh hay không mình cũng không biết".

 

Bác Nguyễn Văn Tiến ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai - Hà Nội) đang ngồi chờ mua vàng tại tiệm vàng Bảo Tín Minh Châu cho biết, đến những điểm được cấp phép kinh doanh vàng miếng mua bán sẽ yên tâm hơn. Tuy nhiên, người dân rất khó phân biết được tiệm nào được phép kinh doanh, tiệm nào không bởi hầu như các tiệm chẳng có gì thay đổi so với trước".

 

"Đặc biệt, với những người cả năm mới mua bán vàng một hay hai lần thì tìm đúng điểm kinh doanh vàng miếng còn khó hơn nhiều", Bác Tiến cho hay.

 

Nhiều người dân để dễ mua và bán họ nói nếu tới đây có tiền mua họ sẽ chuyển sang chọn mua vàng nữ trang để cất giữ chứ không mua vàng miếng nữa vì vàng nữ trang dễ mua dễ bán, nhất là các loại nhẫn tròn.

 

Người dân bối rối

 

Trong khi đó, người tiêu dùng lại hoang mang bởi không phân biệt được đâu là cửa hàng được cấp phép. Giờ muốn mua bán vàng chưa biết mua ở đâu, bán ở đâu. Trước là câu chuyện thương hiệu vàng, nay lại đến thương hiệu cửa hàng, càng ngày người tiêu dùng càng gặp khó.

 

Các giao dịch trước đây thường dựa vào uy tín của tiệm vàng cũng như khách hàng thông qua nhiều lần giao dịch. Tuy nhiên bây giờ phải tìm chỗ giao dịch mới nên những người đầu tư vàng cũng e dè hơn. Còn nếu vẫn giao dịch với tiệm quen mà không được nằm trong danh sách được kinh doanh thì vô tình đã hoạt động mua bán trái phép.

 

Tiệm vàng nhỏ đang làm loạn giá.
Tiệm vàng nhỏ đang làm loạn giá.

 

Ông Hoàng Cường, khách hàng giao dịch tại tiệm vàng Mi Hồng cho hay: "Đây là lần đầu tiên tôi đến cửa hàng này tìm hiểu, mua bán vàng. Trước đây luôn giao dịch ở tiệm vàng quen gần nhà nhưng hôm nay của hàng đó không được phép kinh doanh vàng miếng nữa. Trong khi đó thói quen đầu tư và trữ vàng, chủ yếu là vàng miếng vẫn còn rất nhiều mà nay hạn chế mua bán đã tạo không ít điều bất tiện. Đáng nói hơn, người dân ở tỉnh khó kiếm điểm giao dịch của NH, DN được phép, sẽ vẫn mua vàng ở tiệm vàng quen biết vì mua vàng chủ yếu dựa trên uy tín như vậy vô hình trung đã mua bán trái phép. Có thể người mua sẽ cẩn thận hơn với chất lượng vàng miếng và đòi hóa đơn, còn khó mà từ bỏ vàng khi các công cụ đầu tư, tích trữ tiền đồng chưa hiệu quả".

 

Chị Hồng Ân ở quận 3 cho biết: "Không dễ như trước đây, sáng nay chị phải mỏi mắt để tìm thấy một tiệm vàng cho phép kinh doanh vàng miếng. Ngoài các doanh nghiệp kinh doanh lớn và ngân hàng thì các cửa hàng được phép bán vàng miếng vẫn rất khó tìm. Nếu đến các trung tâm lớn, người giao dịch đông và thủ tục cũng rất lâu nên hơi bất tiện".

 

Thực tế trong danh sách cấp phép của NHNN, ngoài những đơn vị đã quen tên như Công ty SJC, Công ty PNJ, Bảo Tín Minh Châu, DOJI..., có nhiều đơn vị dù được biết đến nhiều trong giới kinh doanh vàng nhưng lại xa lạ với đa số người dân. Do vậy rất khó để người dân xưa nay vốn chỉ mua bán ở tiệm vàng quen biết đến được các đơn vị này để mua bán hợp pháp.

 

Theo Nam Phong

VEF