Biên mậu Việt Trung: Việt Nam thường xuyên bị thua thiệt, ép giá

(Dân trí) - Trong hoạt động biên mậu Việt - Trung, các doanh nghiệp Việt luôn bị động và phụ thuộc nhiều vào điều tiết từ phía Trung Quốc, vì vậy thường xuyên bị thua thiệt, ép giá, ép cấp.

Biên mậu Việt Trung: Việt Nam thường xuyên bị thua thiệt, ép giá - 1

Tại Hội nghị phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo diễn ra hôm 5/1, ông Hoàng Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2015, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới ước đạt 27,56 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2014.

Trong đó tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chiếm khoảng 85%, tuyến biên giới Việt - Lào chiếm khoảng 4% và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia chiếm 11%. 

Riêng đối với thương mại biên giới tuyến Việt Nam – Trung Quốc kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 5,84 tỷ USD, tăng 10,1%. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,67 tỷ USD, giảm 12,1%; nhập khẩu đạt 3,18 tỷ USD, tăng 40%. Trao đổi hàng cư dân biên giới đạt 227,1 triệu USD, tăng 188,4% so với năm 2014.

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc chủ yếu vẫn là ba nhóm: nông, lâm, thủy hải sản; hàng công nghiệp chế biến; hàng khoáng sản. Hàng hóa nhập khẩu gồm hai nhóm chính là: nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào cần thiết cho sản xuất; máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Đối với thương mại biên giới truyến Việt Nam – Lào kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới đạt khoảng 1,1 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đạt khoảng hơn 400 triệu USD, giảm 9% và nhập khẩu đạt khoảng gần 700 triệu USD, giảm 32% so với năm 2014.

Còn với tuyến Việt Nam - Campuchia kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới chiếm khoảng 11% thương mại biên giới cả nước, ước đạt 3,05 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 1,84 tỷ USD, giảm 4,8%; nhập khẩu ước đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm 2014.

Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Công Trưởng chia sẻ, trong năm 2015, hoạt động thương mại biên giới tỉnh Lạng Sơn vẫn còn những mặt hạn chế, việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thị trường, quảng bá sản phẩm còn nhiều hạn chế; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. 

"Phía Trung Quốc luôn linh hoạt điều tiết hàng xuất khẩu, hàng tạm nhập tái xuất của ta qua các lối mở, điểm thông quan qua các mốc mới, trong khi đó phía Việt Nam việc cho phép xuất khẩu, tạm nhập tái xuất qua các khu vực đó phải xin ý kiến Bộ Công Thương và Thủ Tướng Chính phủ mới được phép cho đi nên bị ảnh hưởng rất lớn đến họat động xuất khẩu khu vực trên", ông Trưởng cho biết.

Theo ông Phạm Tòng, đại biểu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng mong muốn trong thời gian tới Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành đề ra những chính sách mang tính ổn định để địa phương và doanh nghiệp có phương hướng phát triển lâu dài.

Bên cạnh đó Bộ Công Thương sẽ sớm triển khai nghiên cứu, rà soát, xây dựng, quy hoạch quản lý hệ thống cửa khẩu, lối mở trên biên giới để tạo cơ hội thu hút đầu tư phát triển hạ tầng hệ thống các cặp chợ tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa qua biên giới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú yêu cầu, trong thời gian tới, cần thúc đẩy đàm phán với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam về việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, sớm nghiên cứu đề án thành lập Hiệp hội kinh doanh biên mậu để đảm bảo quyền lợi cho các thương nhân của Việt Nam trong kinh doanh với Trung Quốc và các nước láng giềng, hạn chế tình trạng thường xuyên bị thua thiệt, ép giá, ép cấp do hoạt động thương mại biên giới là hoạt động đặc thù, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại biên giới của Việt Nam luôn bị động và phụ thuộc nhiều vào điều tiết từ phía Trung Quốc.

Phương Dung

 

Biên mậu Việt Trung: Việt Nam thường xuyên bị thua thiệt, ép giá - 2