Bí thư Đinh La Thăng: “Không để dân ở trong chung cư nguy hiểm, nhà tạm bợ”
(Dân trí) - “TPHCM hiện có hơn 400 chung cư xuống cấp, hơn 500 nhà tạm ven kênh rạch. Một thành phố có chất lượng sống tốt thì không thể để người dân sống trong sự nguy hiểm, trong những nhà tạm bợ, ô nhiễm môi trường như thế này được”, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh.
“Ngốn” 50% thời gian, năng lượng để lo thủ tục hành chính
Sáng 6/6, lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM đã có buổi làm việc với Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và tìm hướng tháo gỡ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã phàn nàn về thủ tục hành chính còn quá nhiêu khê. “Hành chính theo kiểu hành là chính với rừng thủ tục, ma trận hành hạ doanh nghiệp, làm ức chế sự sáng tạo, năng động của chủ đầu tư. Doanh nghiệp mất 50% thời gian, năng lượng để lo thủ tục hành chính”, ông Châu nói.
Ông Châu dẫn ra bất cập cụ thể như việc TPHCM có tòa nhà Bitexco cao 68 tầng rồi mà các dự án xung quanh cũng phải đi xin thủ tục về giới hạn chiều cao là không hợp lý.
Chủ tịch HoREA cho rằng TPHCM phải tự “cởi trói” cho chính mình. Phải cải cách triệt để thủ tục hành chính và xây dựng con người hành chính.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch HoREA cho rằng, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng có khiếm khuyết lớn là không hề giúp cho người “cực nghèo” có nhà ở. Bên cạnh đó, vấn đề nhà ở xã hội, dù TPHCM đi trước nhưng về sau so với tỉnh lân cận là Bình Dương.
Ông Đực cũng cho rằng, hiện các chung cư như The Harmona (33 Trương Công Định, P.14, Q.Tân Bình), Bảy Hiền Tower (9 Phạm Phú Thứ, P.11, Q.Tân Bình)… xây chưa xong đã giao nhà cho khách hàng vào ở, chủ đầu tư không trả 2% phí bảo trì… đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành bất động sản. Ông Đực đề xuất nên có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, ngân hàng và người dân để xử lý có tình có lý những trường hợp như Bảy Hiền Tower chứ không xử lý cứng nhắc, ép dân bằng cách cắt điện, nước.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Hưng Thịnh kiến nghị TPHCM nên rà soát lại những dự án được cấp phép từ năm 2007-2010 vì đây là giai đoạn “sốt” và hệ quả là xảy ra những trường hợp như Harmona, Bảy Hiền Tower.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, câu chuyện của The Harmona, Bảy Hiền Tower là hệ quả của một thời gian mà “nhà nhà làm bất động sản, người người làm bất động sản”. Điều này đã bộc lộ rõ năng lực quản lý nhà nước yếu kém và sự không chuyên nghiệp của chủ đầu tư. Hiện Sở Xây dựng đã chủ động tham gia cùng địa phương để xử lý từng trường hợp cụ thể.
Nhiều doanh nghiệp cũng nêu những vướng mắc, khó khăn đang gặp phải và nhờ lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM tìm cách tháo gỡ. Đáng chú ý, công ty địa ốc Hoàng Quân cho biết, hiện có 2 dự án nhà ở xã hội tại Bình Trưng Đông, Quận 2 và An Phú Tây, huyện Bình Chánh đã hơn 2 năm qua nhưng chưa được duyệt quy hoạch chỉ tiêu về dân số, chưa thống nhất chủ trương xây dựng nên dẫn đến khởi công chậm trễ. Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Bến Thành Land phàn nàn dự án của mình vướng 30 căn vì “kẹt” chỉ tiêu… dân số. Ông Trí “phân bì”, cũng ở Quận 1 mà sao chỗ dự án của ông chỉ tiêu dân số thấp mà dự án khác lại có chỉ tiêu dân số cao.
Thời gian đóng tiền sử dụng đất chỉ có 1 tháng
Với những kiến nghị của các doanh nhân, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết những gì thuộc thẩm quyền của TPHCM thì sẽ giải quyết ngay, thuộc thẩm quyền Bộ ngành trung ương thì cần tập hợp lại để TPHCM đề xuất.
TPHCM sẽ giải quyết ngay việc công khai thông tin dự án trên từng địa bàn quận để hạn chế thấp nhất sự mất cân đối trong cung cầu. Đồng thời, UBND TPHCM cũng đặt hàng với HoREA đề xuất cho lãnh đạo TPHCM một số các biện pháp để quản lý thị trường bất động sản lành mạnh. Bởi nếu không quản lý tốt, “bong bóng” bất động sản sẽ xảy ra thì vô cùng nguy hiểm.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp bất động sản phàn nàn về việc định giá và thời gian thực hiện đóng tiền sử dụng đất kéo dài quá lâu nhưng đại diện Sở Tài chính, Sở Tài nguyên & Môi trường nói chung chung là sẽ hết sức cố gắng giảm thiểu phiền hà và minh bạch. Trước những cách trả lời trên, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng gút lại: “Từ ngày mai, thời gian đóng tiền sử dụng đất chỉ có 1 tháng thôi. Tôi chỉ biết có ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường phụ trách vấn đề này. Các doanh nghiệp mà kêu kéo dài mấy tháng là không được. Tên Toàn Thắng mà để mấy tháng thì thất bại”, Bí thư Thăng nói.
Trước những phản ánh về việc giới hạn chiều cao của các dự án, Bí thư Thăng cho rằng không phải cả thành phố là trận địa nên ngoại trừ những chỗ Bộ Quốc phòng không giới hạn thì cần công khai.
Bí thư Thăng cam kết tạo môi trường kinh doanh tốt nhất, giữ cho thị trường bất động sản sẽ không trầm lắng và cũng không quá nóng. TPHCM sẽ tạo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Bí thư Thăng chỉ đạo trực tiếp ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM hàng quý phải chủ trì các sở ngành liên quan với các doanh nghiệp bất động sản để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Bí thư Thăng cho biết, thời gian tới, các Sở ngành sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ quy hoạch, kiên quyết không thể quy hoạch treo. Định hướng của TPHCM là tầm nhìn dài hạn chứ không phải chỉ 5-10 năm nên bắt buộc các dự án phải công khai, minh bạch. Đồng thời, TPHCM sẽ phân cấp triệt để cho các quận huyện để quản lý thị trường bất động sản.
Bí thư Thăng đề nghị trong quá trình hoạt động của mình, các doanh nghiệp bất động sản cần gắn chặt với các chương trình đột phá và chỉnh trang đô thị của thành phố. Dường như hiện nay, các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến các dự án bất động sản nhưng 2 lĩnh vực cần quan tâm là cải tạo, xây mới 474 chung cư xuống cấp và giải tỏa 5300 căn nhà ven kênh rạch.
“Một thành phố có chất lượng sống tốt thì không thể để người dân sống trong sự nguy hiểm, trong những nhà tạm bợ, ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp bất động sản nên tham gia vào chương trình cải tạo chung cư cũ và xóa nhà tạm ven kênh rạch”, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Công Quang