1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Bí thư Đà Nẵng: “Ngân hàng nâng khống giá trị tài sản để cho vay”

(Dân trí) - “Một khu đất có giá trị khoảng 200 tỷ, bằng một hợp đồng mua bán họ đã đưa lên 800 -1.000 tỷ để được vay 600 tỷ, bây giờ bán thì chưa tới 100 tỷ, khu đất đó không có ai mua. Như vậy mất đứt 500 tỷ, đó mới gọi là nợ xấu”.

Bí thư Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh đã phát biểu như vậy khi nói về nợ xấu ngân hàng hiện nay. Ông Nguyễn Bá Thanh được xem là một “hiện tượng” với những phát ngôn thẳng thắn trong cuộc gặp giữa ngân hàng và doanh nghiệp ngay tại Đà Nẵng. Ông đã từng phát biểu, nếu ngân hàng nào cố tình o ép doanh nghiệp, cho vay với lãi suất cao thì tại cuộc họp hội đồng nhân dân thành phố ông sẽ nêu tên, khi đó người dân không gửi tiền nữa thì “ráng mà chịu”.

Bí thư Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh.

Bí thư Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh.

Trở lại bài phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 31/10, Bí thư Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh đề nghị "Ngân hàng Nhà nước cần tập trung phân tích, bóc tách cho được nợ xấu, muốn xử lý đúng thì phải phân loại cho đúng, làm rõ các doanh nghiệp nợ xấu bao nhiêu, riêng các tập đoàn, tổng công ty nợ xấu bao nhiêu”.

Đại biểu đặt câu hỏi: Thông thường khi vay mà không trả được nợ thì ngân hàng sẽ siết nhà, siết đất nhưng ngân hàng vẫn không siết nợ là vì sao? Và đưa ra câu lý giải: Ngoài việc do thị trường bất động sản đóng băng, tụt giá còn một vấn đề cực kỳ phức tạp đó là người ta nâng khống giá trị tài sản lên để cho vay. Ông Thanh nêu ví dụ: Một khu đất có giá trị khoảng 200 tỷ, bằng một hợp đồng mua bán họ đã đưa lên 800 - 1.000 tỷ để được vay 600 tỷ, bây giờ bán thì chưa tới 100 tỷ, khu đất đó không có ai mua, như vậy mất đứt 500 tỷ, đó mới gọi là nợ xấu.

Đương nhiên, “cả người đi vay và người cho vay cũng đã bỏ túi hàng chục tỷ đồng khi thực hiện những phi vụ này. Cho nên phải bóc tách ra, như trước đây tôi đã từng phát biểu, có những nợ không phải là nợ xấu mà có những loại nợ quá xấu, không bao giờ có thể đòi được”, vị Bí thư Đà Nẵng thẳng thắn nói.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Thanh, có những loại nợ xấu nằm ở các tập đoàn khác, ngân hàng không bóc tách hết nên rất khó. Ví dụ xi măng Hạ Long của Tập đoàn Sông Đà, tổng mức đầu tư ban đầu là 4.000 tỷ, quá trình thi công đến 45 tháng và tăng thêm 2.776 tỷ đồng, như vậy số vốn đi vay lớn hơn 5.000 tỷ đồng cho dự án này; đến hết tháng 3/2012 đã lỗ 1.215 tỷ.

Rồi xi măng Cẩm Phả do Tổng công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam đầu tư 2.3 triệu tấn/năm, đầu tư 6.089 tỷ đồng cho dự án này, sau 3 năm hoạt động đã lỗ 1.259 tỷ đồng. Đó là nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước phải thống kê một cách nghiêm túc, mới nói được đến lúc nào mới giảm nợ xấu, đến năm nào giảm bao nhiêu phần trăm.

Còn nhớ, trong kỳ họp năm 2011 khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Bá Thanh cũng đã phát biểu về tái cơ cấu ngân hàng cần chú ý hai vấn đề rất lớn, một là lợi ích nhóm và hai là vấn đề nợ xấu.

Cũng trong phiên thảo luận sáng ngày 31/10, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) chỉ ra rằng: “Nguyên nhân hình thành nợ xấu của ngân hàng, của doanh nghiệp đó là sự mất cân đối lớn cho việc tăng vốn đầu tư trong khi mức tiết kiệm rất thấp. Một số chuyên gia kinh tế nhận định: mức đầu tư nếu cao đến 3, đến 5 lần mức tiết kiệm thì dẫn đến nợ xấu. Ngân hàng, doanh nghiệp trong nhiều năm gần đây huy động vốn đầu tư ngắn hạn cho vay để đầu tư dẫn đến nợ xấu”.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) lại cho rằng: “Chúng ta đang chìm trong khối nợ xấu khổng lồ và có xu hướng tăng. Thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thống đốc Ngân hàng không hứa hẹn được lúc nào giải quyết nợ xấu đã chuyển đến chúng ta một thông điệp không lấy gì làm khả quan về vấn đề này”.

Còn nhớ, trả lời trước Quốc hội về việc xử lý nợ xấu trong phiên thảo luận chiều 30/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng: “Để xử lý được nợ xấu ngân hàng thì phải có một quyết tâm và một ý chí chính trị thống nhất trong toàn hệ thống chính trị của chúng ta. Về vấn đề này về phía ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã xây dựng xong đề án xử lý nợ xấu và chúng tôi đã liên hệ với Văn phòng Trung ương Đảng để Chính phủ báo cáo đề án này với Bộ Chính trị vì trong đó có rất nhiều những nội dung liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, nhưng cũng có những nội dung liên quan đến thẩm quyền của cả Quốc hội và các cơ quan khác. Chúng tôi hy vọng rằng, cùng với đề án này trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ, ban, ngành Trung ương cũng như địa phương thì chúng ta có cơ sở vững chắc để xử lý được nợ xấu”.

Vì thế ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Còn với tư cách là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tôi không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu này”.

Tiếp lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nói: “Với những điều đáng ra mà có thể chúng ta làm tốt hơn, phát hiện sớm hơn và khắc phục nhanh hơn nhưng chúng ta làm chưa được. Ví dụ như chúng ta vừa nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình bày. Đáng lẽ những việc đó chúng ta phải phát hiện sớm hơn, nhanh hơn và có lẽ chúng ta khẳng định là giờ này chúng ta chưa làm được nhưng đến giờ nào chúng ta làm được. Nhưng bây giờ chưa hứa được thì tôi thấy rất lo”.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm