Bí quyết thành công của các tập đoàn lớn
Tư duy thiết kế hiện đại, không phải chỉ thay áo mới cho sản phẩm hay công ty mà còn là động lực thay đổi từ bên trong giúp một số tập đoàn lớn tạo ra những cuộc bứt phá thần kỳ.
Kỳ 1: Đổi mới thiết kế
Google làm mới tài sản đã cũ
Năm 2011, ngay khi Larry Page trở lại chiếc ghế CEO của Google, ông đã tiến hành một cuộc cách mạng thiết kế lại các giao diện sản phẩm của Google vốn rời rạc, không có chất riêng.
Khi chỉ thị của Larry Page được đưa xuống, các nhà thiết kế trưởng đã cùng ngồi lại với nhau để quyết định một số nguyên lý thiết kế. Họ đưa ra các trọng tâm thiết kế sẽ tập trung vào các yếu tố sau: sự tao nhã, khoảng trắng, sự gọn gàng, tính mềm dẻo, mức độ hữu dụng và quan trọng hơn hết là sự đơn giản.
Vào cuối tháng sáu năm 2011, chỉ ba tháng sau khi Larry Page nắm quyền, Google đã đưa ra những phiên bản với giao diện hoàn toàn mới cho các sản phẩm Google Search, Google Maps, Calendar, Gmail. Một năm rưỡi sau đó, Google ra mắt những ứng dụng có giao diện vô cùng bắt mắt Google Now và một loạt ứng dụng tuyệt vời cho hệ điều hành iOS như Google Plus, YouTube Capture, Chrome và Map. Cuộc cách mạng kip thời với ngôn ngữ thiết kế được thống nhất và xuyên suốt đã đẩy gã khổng lồ ngày càng thân thiện hơn với người dùng hơn trong cuộc so găng nhiều năm với đối thủ truyền kiếp Yahoo!
Samsung và nguyên tắc thay đổi tất cả để lấy 6 giây
Các nhà thiết kế tại Milan (Ý) từng nghiệm ra rằng, chỉ 6 giây đầu tiên trong cuộc chạm trán với người tiêu dùng, khách hàng sẽ đưa quyết định có ý muốn mua sản phẩm hay không. Con số ngắn ngủi này gợi nhiều suy nghĩ cho các lãnh đạo doanh nghiệp Samsung trong hành trình bứt phá ra khỏi lục địa trở thành công ty công nghệ cạnh tranh toàn cầu.
Quá trình không hề đơn giản. Năm 1993, tại hội nghị Frankfurt (Đức), các lãnh đạo Samsung chấp nhận ‘thay đổi mọi thứ’ với khát vọng vươn lên trở thành công ty hàng đầu trong làng công nghệ. Để làm được điều đó, Samsung gần như bắt đầu lại từ vạch xuất phát, cốt chỉ đề tập trung vào duy nhất một định hướng: quản lý chất lượng. Họ mất gần hai thập kỷ tiến hành cuộc cách mạng này, bao gồm các hoạt động đổi mới nghiên cứu trong sản phẩm và cả thiết kế. Mục tiêu của họ là tạo ra các sản phẩm khác biệt đi trước thời đại không chỉ đáp ứng mà còn dự đoán được nhu cầu của khách hàng.
Trong đó, hoạt động nghiên cứu và thiết kế, được dẫn dắt bởi hệ thống 42 viện nghiên cứu toàn cầu, chiếm một phần tư nhân viên (42 ngàn người), giúp Samsung đem đến kết quả kinh ngạc. Năm 2013, lượng điện thoại di động thông minh bán ra trên toàn cầu gần chạm mốc con số 1 tỉ chiếc, trong đó riêng Samsung chiếm 32% thị phần, tương đương 320 triệu chiếc (gấp hơn 3 lần dân số Việt Nam hiện tại). Chưa từng có nhà sản xuất điện thoại nào đạt được con số này trong một năm, kể cả các tên tuổi như Nokia, Apple.
Không dừng ở mảng điện thoại di động và máy tính bảng, Samsung còn dẫn đầu thế giới về các sáng kiến trong ngành hàng tiêu dùng tivi, pin, thiết kế chip, công nghệ màn hình dẻo… , thậm chí còn là tác giả của hàng loạt ‘bom tấn’ công nghệ màn hình cong đang gây bão gần đây. Thành công này đưa Samsung lên vị thế của các tập đoàn hàng đầu thế giới vào năm 2015, được xếp hạng công ty sáng tạo thứ hai toàn thế giới trong lĩnh vực IoT (Internet of Things – thuật ngữ chỉ các thiết bị có thể kết nối với nhau qua mạng internet).
Pepsico lấy thiết kế làm trọng tâm
Từ khi nắm quyền điều hành cao nhất của PepsiCo toàn cầu năm 2012, hằng tuần, bà Indra Nooyi đều dành thời gian ‘vi hành’ đến các điểm bán lẻ. Giữa muôn trùng sản phẩm trên kệ, bà Nooyi nhận ra phải cải tiến thiết kế nếu muốn khách hàng chú ý đến sản phẩm của mình.
CEO của PepsiCo chiêu dụ nhà thiết kế người Ý Mauro Porcini từ vị trí vững chắc của anh tại công ty 3M, nơi những dấu ấn của ông thể hiện rõ trên những trụ sở thiết kế ở Ý và Mỹ. Mauro Porcini được bà Nooyi giao trọng trách tạo vị thế khác biệt về sản phẩm: “Thiết kế phải gợi lên được cảm xúc thực sự. Lý tưởng nhất là một sản phẩm khách hàng muốn tiếp tục gắn kết trong tương lai”.
Bà Nooyi trao cho Mauro Porcini một trung tâm thiết kế với nhân lực và thiết bị cần thiết để tạo lập khả năng thống lĩnh thị trường. Tất cả các phòng ban được yêu cầu lồng ghép thiết kế vào toàn bộ hệ thống, từ sáng tạo sản phẩm tới bao bì và dán nhãn, hình ảnh sản phẩm trông như thế nào trên kệ và cách người tiêu dùng tương tác với sản phẩm. Nhân sự mảng đồ uống ngay lập tức nhận thấy cách Mauro Porcini giúp họ thay đổi tư duy về thiết kế và phát triển sản phẩm. Các nhà bán lẻ mời Mauro Porcini đến cửa hàng để trao đổi về cách thay đổi quầy kệ.
Nhóm thiết kế của Mauro Porcini từ 10 người nhanh chóng tăng lên gần 50 người. Họ là phần không thể thiếu giúp PepsiCo thiết kế lại danh mục sản phẩm cần xây dựng, điểm mạnh cần củng cố, năng lực cần phát triển. Doanh thu công ty từ đó tăng tưởng đều 1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm trong một thập kỷ qua, nhất là giá cổ phiếu PepsiCo đã tăng trở lại sau vài năm đi ngang. Điều này ngay lập tức đập tan hoàn toàn mọi nghi ngại trước đó về khả năng tại vị của bà Indra Nooyi tại PepsiCo khi bà đổi hướng lái từ các sản phẩm nước ngọt có gas sang có lợi cho sức khỏe.
Google, Samsung hay PepsiCo, họ có một điểm chung: đặt trọng tâm thay đổi vào thiết kế, mạch nối gắn với cảm xúc khách hàng nhưng mục tiêu cuối cùng là đưa ra các giải pháp giúp họ thay đổi vị thế và doanh thu thực tế.
Kỳ 2: Cú bứt phá của Samsung
Tú Anh