Bị mắng "tăng giá rồi sao không bán đi còn găm hàng" và lời kể chủ cây xăng
(Dân trí) - Một số cửa hàng xăng dầu cho biết hiện vẫn không có hàng để bán, dù giá đã tăng. Có cửa hàng còn bị dân mắng "tăng giá rồi sao không bán đi, còn găm hàng chờ đến bao giờ?".
Chủ một cửa hàng xăng dầu tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cho biết, là đại lý nhượng quyền của Petrolimex, một tháng trung bình cửa hàng bán ra từ 130m3 đến 150m3 xăng dầu. Hôm qua (11/10), giá tăng xăng gần 600 đồng/lít và dầu tăng 2.000 đồng/lít nhưng cây xăng hầu như không được lợi gì.
Theo chủ cây xăng, đại lý chỉ được ăn phần chiết khấu tính trên đơn vị lít, ví dụ hôm qua cửa hàng nhận được thông báo chiết khấu với mặt hàng xăng 95 là 530 đồng/lít, xăng E5 là 490 đồng/lít, dầu Diesel 0,5 là 10 đồng/lít.
"Thế nhưng, đến sáng hôm qua (11/10) cửa hàng hết sạch không còn xăng dầu để bán, xin nhập hàng để bán hàng ngày cho khách chứ chưa nói gì ôm hàng để bán kiếm lời nhưng không có hàng", chủ cửa hàng chia sẻ.
Thậm chí, theo chủ cửa hàng này, người dân đến đổ xăng không có, họ còn mắng cửa hàng là giá tăng rồi sao không chịu bán, còn găm chờ đến bao giờ?
"Quả thực mình có găm hàng đâu, mình không có hàng để bán. Trong khi đó, cửa hàng của Petrolimex lúc nào cũng đầy, xe nọ xe kia về hàng nườm nượp, cách chỗ cây xăng của tôi có hơn 1km thì đầy bể luôn, họ không chịu san sẻ cho đại lý", chủ cửa hàng bức xúc cho biết.
Theo chủ cửa hàng này, phải đến khi xăng tăng giá, họ mới nhập cho, còn dầu thì sáng nay cửa hàng mới nhập được nhưng với số lượng hạn chế.
Chủ một cửa hàng xăng dầu ở Sóc Trăng cũng cho biết, cửa hàng của ông và nhiều cửa hàng khác đã không có xăng dầu để bán từ ngày 5/10 đến 11/10. "Năn nỉ mãi mới được bên thương nhân phân phối lấy ở một công ty khác cho 2.000 lít dầu về bán đỡ. Còn các cửa hàng khác ký hợp đồng trực tiếp với công ty thì tiếp tục phải chờ, không biết đến bao giờ mới có hàng để bán lại", chủ cây xăng này cho biết.
"2.000 lít dầu bán một ngày là hết vì cửa hàng lớn, bán ở đường sông, bán cho tàu xà lan không. Hôm trước có văn bản chỉ đạo bán hạn chế, là một xe chỉ được mua khối lượng giới hạn bao nhiêu đó thôi, nhưng đường sông một tàu xà lan mỗi lần họ đi từ 500 đến 1.000 lít, giờ mình bán 100 hoặc 200 lít họ đâu có đủ chạy, bắt buộc phải bán cho họ đủ 1 chuyến. Đường sông, ghe tàu công trình hoạt động nhiều lắm mà xăng dầu đứt gãy vậy rất ảnh hưởng và khó khăn" chủ một cửa hàng xăng dầu tại Cần Thơ cho biết.
Một thương nhân phân phối xăng dầu ở Phú Thọ cũng chia sẻ, hiện tại hàng nhập về vẫn không đủ để cung ứng theo mức độ bình quân, vẫn thiếu. Bình thường mỗi ngày đơn vị này nhập về khoảng từ 150m3 đến 200m3 xăng dầu các loại nhưng hiện tại chỉ nhập được khoảng 50-70m3. Sau khi tăng giá thì lượng cung đã tăng lên được khoảng 1/2 nhu cầu bình quân, còn trước khi điều chỉnh giá thì lượng xăng dầu cung cấp cho cửa hàng chỉ bằng 1/2 nhu cầu thực tế.
Nói về việc giá xăng dầu tăng ngày hôm qua, vị thương nhân phân phối này cho biết, trong kho hầu như không có xăng dầu tồn kho để bán nên dù tăng giá cửa hàng cũng không được lợi. "Mà nhập về thì với chiết khấu từ 0 đồng/lít đến 100 đồng/lít, đơn vị vẫn bị lỗ vài trăm đồng, riêng khâu vận chuyển, chưa kể vấn đề lãi tín dụng, chi phí khấu hao, chi phí lương…", thương nhân này cho biết.
Trong thông báo phát tối 10/10 đi về tình hình xăng dầu cả nước, Bộ Công Thương khẳng định hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... không phải phổ biến. Cơ quan này dẫn chứng có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Tính đến 17h ngày 10/10, trên địa bàn TPHCM có 3/550 cửa hàng đóng cửa (chiếm 0,54%); có 121/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng (chiếm 20%); một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quy mô lớn gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung và đã được Bộ Công Thương chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết khó khăn.