Bí kíp làm giàu từ bán đồ cho mẹ, bé: Vốn 300-500 triệu đồng, lãi 20-25%

Mộc An

(Dân trí) - Chuyên gia cho biết có thể bắt đầu mở cửa hàng kinh doanh mẹ và bé với vốn từ 300 đến 500 triệu đồng, biên lợi nhuận có thể đạt tới 20-25% nếu làm tốt.

Dưới đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Long - nhà sáng lập Học viện khởi nghiệp và nhân bản chuỗi bán lẻ Việt Nam - về những kinh nghiệm để kinh doanh sản phẩm mẹ và bé thành công với số vốn không quá lớn. 

Ông Long từng giám đốc marketing của chuỗi bán lẻ KidsPlaza. Chuyên gia này cho biết với số vốn 300-500 triệu đồng đã có thể mở một cửa hàng ở mức vừa vặn, tương đối đầy đủ các mặt hàng.

Bước 1: Nghiên cứu về khách hàng

4 giai đoạn bất kỳ doanh nghiệp hay người làm kinh doanh nào cũng buộc phải trải qua gồm hình thành, mở rộng, chuyên nghiệp hóa hoặc chuyên môn hóa và ổn định. Trong giai đoạn đầu tiên, mấu chốt để doanh nghiệp hay cửa hàng tồn tại là phải bán được hàng.

Để làm được điều này, người chủ cần phải xác định mình bán cho ai. Nếu ví thị trường là một ao cá còn người kinh doanh là người đi đánh bắt cá, vậy thì cá ở đâu, bạn cần đến đấy để mà đánh bắt.

Bước đầu tiên một người có ý định kinh doanh cần làm là phải nghiên cứu, quan sát tiềm năng khu vực mình đang muốn mở. Ví dụ, họ có thể trả lời các câu hỏi như: Khu vực đó có cửa hàng mẹ và bé nào chưa? Các mẹ bầu thường đến đâu để mua sắm? Gần đó có phòng khám thai nào không? Cần đo đếm lượt lượng người ra vào phòng khám thai theo ngày thường, cuối tuần, những khung giờ phổ biến như cuối giờ chiều.

Bước 2: Nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh

Sau khi tìm hiểu về khách hàng tiềm năng, người chủ cần xem xét đến các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Cần tìm hiểu xem những cửa hàng có sẵn đang cung cấp sản phẩm, dịch vụ nào tới khách hàng để đánh giá khả năng cạnh tranh của mình. Bạn cần đặt ngay câu hỏi họ đang bán sản phẩm gì và cơ hội của mình là gì.

Bước 3: Lập dự toán

Việc lập dự toán đóng vai trò quan trọng để xác định cụ thể về chi phí cố định, chi phí biến đổi. Dự toán cũng giúp bạn tìm ra được điểm hòa vốn, doanh thu mục tiêu cần đạt được, tính khả thi của mô hình kinh doanh tại địa điểm đó.

Mức độ kinh phí phụ thuộc vào việc theo đuổi mô hình tiện lợi hay tập trung vào trải nghiệm. Ngoài ra việc thiết kế còn phụ thuộc vào tập khách hàng đã nghiên cứu ở bước 1. Theo ông Long, hiện nay ước lượng một cửa hàng mẹ và bé đầu tư đẹp cần 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Với những người có số vốn eo hẹp cũng có thể đầu tư ở mức 300-500 triệu đồng để có một cửa hàng cơ bản, vừa đủ về mặt hàng.

Ông Long cho biết cần làm dự toán thật kỹ để tránh lãng phí. Khi bạn chưa hiểu mình muốn gì thì phải tìm hiểu hoặc làm thử từng bước nhỏ để rút ra bài học.

Đa phần mọi người đều có tư duy "lấy công làm lãi" nhưng cần làm rõ về chi phí này. Bạn cần đặt ra câu hỏi nếu mình không mở cửa hàng mà đi làm thì mức lương dự kiến là bao nhiêu. Ngoài ra, cần tách bạch giữa tiền cá nhân và tiền của cửa hàng, doanh nghiệp. Nhiều người bán hàng có tiền nhưng không thấy lãi do việc chi tiêu không có sự tách bạch, rõ ràng.

Bước 4: Chọn địa điểm

Bước này là then chốt và chiếm 70-80% thành công cửa một cửa hàng bán lẻ. Địa điểm đẹp là địa điểm phù hợp tập khách hàng, mục tiêu kinh doanh, định hướng chiến lược, không nhất thiết phải cửa hàng to, có 2 mặt tiền. Thông thường, chi phí cửa hàng chiếm 5-8% tổng doanh thu.

Bí kíp làm giàu từ bán đồ cho mẹ, bé: Vốn 300-500 triệu đồng, lãi 20-25% - 1

Địa điểm mở cửa hàng mẹ và bé nên thuận tiện cho khách hàng (Ảnh: IT)

Những lưu ý khi chọn địa điểm như nằm trên trục đường chính, có lưu lượng người qua lại, có cùng người kinh doanh cùng ngành, tránh những nhà thụt vào, khuất tầm nhìn, dễ nhận diện cửa hàng. Ông Long khuyên không nên chọn mặt bằng có vỉa hè quá cao, không có vỉa hè, không có chỗ để xe máy, ô tô, có tầng hầm gây bất tiện cho khách.

Khi ký hợp đồng thuê địa điểm cần lưu ý những điều khoản chi tiết như đề nghị hỗ trợ thời gian thi công miễn tiền thuê, có điều khoản chặt chẽ về mức độ trượt giá, phạt hủy hợp đồng để tránh việc bị cướp mặt bằng. Một lưu ý nữa là cần tìm nhà chính chủ, không có tranh chấp về mặt pháp luật.

Bước 5: Trang trí và trưng bày

Về nhận diện bên ngoài: Cửa hàng cần có biển hiệu lớn với tên thương hiệu. Biển hiệu nên làm 2 màu, tránh những màu của các chuỗi lớn cùng ngành khiến khách hàng bị nhầm. Quầy thu ngân nên đặt gần cửa ra vào để tiện tiếp đón khách, kiểm soát được hàng hóa.

Về trưng bày sản phẩm: Cần theo nguyên tắc dễ thấy, dễ lấy, dễ mua, sắp xếp hàng hóa có tính liên quan đến nhau. Ví dụ sản phẩm về sữa nên đặt cạnh bình sữa, quần áo sơ sinh đặt cạnh nhóm giặt xả.

Đối với hàng hóa, ngoài những sản phẩm cơ bản thị trường thì cần xác định những sản phẩm độc quyền hay tạo sự khác biệt cho cửa hàng để tăng sự cạnh tranh. Lưu ý khi nhập hàng cần đưa ra mức kỳ vọng về lợi nhuận, tạo mối quan hệ với các nhà phân phối để có các chương trình khách hàng, khuyến mãi. Hàng hóa và cách trưng bày chính là trái tim của cả cửa hàng.

Thông thường, biên lợi nhuận sản phẩm bỉm sữa từ 5 đến 10%, quần áo là 23-30%, đồ chơi 25-40%. Biên lợi nhuận của ngành này khoảng 20-25% nếu làm tốt.

Bước 6: Chạy thử

Kinh doanh sản phẩm mẹ và bé là lĩnh vực liên quan đến tư vấn nên người chủ cần hướng dẫn, đào tạo nhân viên để hiểu về tâm lý khách hàng cũng như đặc điểm phát triển của trẻ sơ sinh trong từng giai đoạn. Cần lưu ý tâm lý mẹ bầu thường nhạy cảm nên cần phục vụ niềm nở, chu đáo ví dụ có ghế cho họ ngồi, trưng bày vừa tầm với.

Bước 7: Khai trương

Thời điểm khai trương nên chọn vào lúc khách hàng có thời gian đi mua sắm, ví dụ như cuối giờ chiều thứ 6 hoặc cuối tuần. Trước đó, cửa hàng có thể phát tờ rơi để khách hàng mục tiêu trong bán kính 3-5 km biết đến cửa hàng. Trong ngày khai trương cần có quà, có sản phẩm giảm sâu, sản phẩm tốt giá hợp lý để kéo khách hàng đến.

Sau giai đoạn sống sót, cửa hàng cần tư duy phát triển mở rộng, đầu tư marketing để trở thành "vua một vùng". Điều này sẽ tránh được việc các nhà bán lẻ khác xuất hiện và cướp được khách bằng cạnh tranh về giá và marketing.