DNews

Bí kíp hút cả tỷ USD của kinh tế Hàn Quốc qua các nhóm nhạc kiểu Blackpink

Phương Liên

(Dân trí) - Từ câu chuyện về chuyến lưu diễn của nhóm Blackpink, có thể nhìn thấy bí kíp để ngành công nghiệp Kpop của Hàn Quốc kiếm về hàng chục tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế nước này.

Bí kíp hút cả tỷ USD của kinh tế Hàn Quốc qua các nhóm nhạc kiểu Blackpink

Từ những năm 1990, làn sóng Hallyu (văn hóa đại chúng Hàn Quốc) bắt đầu nở rộ với sự phủ sóng của phim truyền hình (Kdrama) và âm nhạc Hàn Quốc (Kpop). Hallyu dần phát triển khắp châu lục và trở thành một hiện tượng toàn cầu. 

Quá trình "xuất khẩu" văn hóa của xứ kim chi cũng thuận lợi hơn nhờ truyền thông và mạng xã hội. Đến hiện tại, Kpop đã trở thành một ngành công nghiệp vững mạnh, có vai trò quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế đất nước.

Vậy Hàn Quốc đã có cách "làm kinh tế" nào giúp Kpop thu về nguồn lợi nhuận "khủng" mỗi năm?

Ngành công nghiệp không khói

Ngành công nghiệp giải trí trở thành mắt xích quan trọng để thúc đẩy kinh tế, văn hóa, thời trang, du lịch của Hàn Quốc.

Sự phổ biến của Hallyu được ủng hộ bởi chính phủ Hàn Quốc bằng nhiều chính sách hỗ trợ từ cuối những năm 1990 với mục tiêu trở thành "nhà xuất khẩu văn hóa hàng đầu toàn cầu", thị trường mà Mỹ đã thống trị trong gần một thế kỷ trước đó.

Theo Financial Post, từ năm 2005, chính phủ Hàn Quốc đã phát động quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ ngành công nghiệp âm nhạc. Năm 2014, quốc gia này dành 1% ngân sách để chi trợ cấp và cho vay lãi suất thấp với các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực văn hóa, thành lập các cơ quan xúc tiến và mở rộng xuất khẩu Kpop, đồng thời mở thêm các khoa văn hóa tại các trường đại học.

Chìa khóa thành công của Kpop đến từ mô hình "lò đào tạo", tuyển dụng nhân tài gắt gao từ bé, sau đó đào tạo 5-10 năm để có thể trở thành thần tượng. Theo khảo sát của Statista, chi tiêu trung bình hàng tháng cho mỗi thực tập sinh trong ngành giải trí ở Hàn Quốc khoảng 1,2 triệu won (khoảng 894 USD) vào năm 2020.

Đánh đổi cho những tháng ngày đào tạo tốn kém, một nhóm nhạc thành công mang về những khoản lợi nhuận "khủng" cho các công ty chủ quản.

Bí kíp hút cả tỷ USD của kinh tế Hàn Quốc qua các nhóm nhạc kiểu Blackpink - 1

Ngành công nghiệp giải trí trở thành mắt xích quan trọng để thúc đẩy kinh tế, văn hóa, thời trang, du lịch của Hàn Quốc (Ảnh: Rolling Stone).

Billboard mới đây đã công bố BTS là một trong 5 ngôi sao âm nhạc kiếm nhiều tiền nhất thế giới năm 2022, với doanh thu khoảng 30 triệu USD.

Không chỉ vậy, dữ liệu từ nền tảng theo dõi doanh thu bán vé Touring Data cho thấy 40 đêm thuộc chuyến lưu diễn quanh thế giới Born Pink World Tour của Blackpink đạt doanh thu khoảng 163,8 triệu USD, với hơn 900.000 vé được tiêu thụ.

Trung bình mỗi đêm diễn, nhóm nhạc này thu về hơn 4 triệu USD với khoảng 22.600 khán giả. Các con số kể trên chưa gồm 24 đêm diễn vẫn chưa được thống kê.

Nhờ những con số kỷ lục trên, Blackpink đã trở thành chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất của một nhóm nữ trong lịch sử, vượt qua nhiều nhóm nhạc nữ huyền thoại phương Tây.

Ngoài BTS và Blackpink, nhiều nhóm nhạc Kpop khác như EXO, TWICE, Seventeen… cũng kiếm được những khoản tiền khổng lồ thông qua việc phát hành album, quảng bá tại quê nhà hay đi tour vòng quanh thế giới mỗi năm.

Không ngừng đa dạng nguồn thu

Doanh thu từ việc bán album là một trong những nguồn thu lớn nhất của Kpop. Theo Circle Chart, số lượng tiêu thụ album vật lý Kpop đang tăng mạnh. Gần 35 triệu album đã được bán ra trong nửa đầu 2022, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Những năm 2010, Hàn Quốc rơi vào bế tắc vì lượng bán ra của đĩa CD giảm mạnh do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Lúc này, các công ty giải trí bắt đầu đầu tư hơn vào hình thức album, từ thiết kế bắt mắt đến những phụ kiện, vật phẩm đi kèm nhằm thu hút người hâm mộ.

Năm 2015 chỉ có khoảng 8,4 triệu album Kpop được bán ra. Tuy nhiên, doanh số tiêu thụ album Kpop đã liên tục tăng theo cấp số nhân kể từ năm 2016, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành công nghiệp âm nhạc.

Đến năm 2019, doanh số đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015, lên 24,6 triệu bản. Tính đến tháng 11/2021, hơn 54,6 triệu đĩa nhạc đã được bán, tăng gần hai lần so với năm 2019. Trong đó, 60% doanh số bán đĩa là từ thị trường nước ngoài.

Cùng với kinh doanh đĩa nhạc, các đêm biểu diễn cũng là nguồn thu quan trọng của các công ty giải trí. Trung bình, mỗi buổi biểu diễn thường đón trên dưới 10.000 khán giả, có buổi ghi nhận sức chứa lên đến 40.000-75.000 người. Giá vé trung bình mỗi concert khoảng 2-5 triệu đồng tùy nơi tổ chức và danh tiếng của thần tượng.

Bí kíp hút cả tỷ USD của kinh tế Hàn Quốc qua các nhóm nhạc kiểu Blackpink - 2

Người hâm mộ toàn cầu không ngần ngại bỏ ra tiền để ủng hộ các thần tượng (Ảnh: Ktown4u).

Không chỉ giới hạn trong nước, các công ty giải trí còn tổ chức concert tại nhiều quốc gia châu Á và các thành phố lớn ở nước ngoài. Theo Hyundai Motor Securities, khoảng 2,85 triệu người dự kiến tham dự các buổi concert Kpop tại nước ngoài trong năm 2022.

Tận dụng sức ảnh hưởng của mình, thần tượng Kpop còn kiếm tiền qua các hợp đồng quảng cáo, đại sứ thương hiệu, đóng phim hay chụp ảnh cho các bộ sưu tập, tạp chí thời trang... Các buổi chụp ảnh chỉ mất một vài buổi nhưng có thể mang về hàng chục nghìn USD.

Trong khi đó, tham gia phim ảnh và các hợp đồng quảng cáo, đại sứ thương hiệu dao động từ mức hàng trăm nghìn đến hàng triệu USD mỗi dự án.

Theo Korea Times, BTS có thể kiếm được khoảng 4,5 triệu USD cho mỗi thương hiệu Hàn Quốc mà họ làm đại diện. Mức phí đó sẽ cao hơn khi phạm vi sử dụng hình ảnh nhân rộng toàn cầu.

4 cô gái Blackpink cũng đều được chọn làm đại sứ toàn cầu cho loạt thương hiệu thời trang, trang sức xa xỉ và trở thành người mẫu quen mặt của các nhãn hàng phổ biến trong nước.

Từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2021, Lisa từ nhóm nhạc nữ Blackpink kiếm được 80,9 triệu USD nhờ "bén duyên" với thương hiệu thời trang cao cấp Celine (Pháp), theo Vogue Business.

Ngoài ra, các công ty giải trí cũng tìm cách đa dạng hóa nguồn thu từ các sản phẩm thương hiệu gắn liền với hình ảnh thần tượng như tấm ảnh in hình thần tượng (card), gậy phát sáng cổ vũ thần tượng (lightstick), trang sức, quần áo, phụ kiện thời trang...

Những "con gà đẻ trứng vàng"

Hàn Quốc hiện có 4 "ông lớn" trong ngành giải trí gồm SM Entertainment, YG Entertainment, JYP Entertainment và HYPE.

Sau quãng thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành tại Hàn Quốc khiến các hoạt động giải trí trong nước bị tổn thất nặng nề, đến quý III/2022, các công ty giải trí đã chứng kiến doanh thu bùng nổ khi các biện pháp hạn chế bệnh dịch được gỡ bỏ và các buổi biểu diễn, lịch trình hoạt động của các thần tượng được nối lại.

Công ty JYP Entertainment đã ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 35,8%, đạt 22,5 tỷ won trong 3 tháng cuối năm 2022. Doanh thu của công ty cũng tăng 66,2% lên 95,1 tỷ won trong quý nhờ các nghệ sĩ tích cực phát hành album và tổ chức các buổi biểu diễn. Doanh thu từ các buổi biểu diễn của các nhóm nhạc trong công ty lên tới 7 tỷ won.

 

YG Entertainment ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 2,6% trong 3 tháng cuối năm 2022 đạt 15,4 tỷ won. Doanh thu trong quý đạt 114,7 tỷ won, cao hơn 33,4% so với năm trước.

Cùng thời điểm, lợi nhuận ròng của SM Entertainment tăng vọt 129,5% đạt 29,3 tỷ won. Doanh thu của công ty cũng đạt 238,1 tỷ won, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng doanh thu từ các buổi hòa nhạc tăng mạnh, đạt 10,9 tỷ won.

Cùng thời điểm, lợi nhuận ròng của SM Entertainment đạt hơn 22 triệu USD  doanh thu tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021. Theo báo cáo hoạt động mới nhất của SM Entertainment, 3 tháng đầu năm nay, doanh số bán hàng tăng 20% và doanh thu từ các buổi biểu diễn tăng gần 156%.

Bí kíp hút cả tỷ USD của kinh tế Hàn Quốc qua các nhóm nhạc kiểu Blackpink - 3

"Big 4" của ngành giải trí Hàn Quốc (Ảnh: MBN).

Doanh thu album và âm nhạc cũng tăng 14,5% so với cùng kỳ lên 72 tỷ won. Quý đầu năm 2023, theo báo cáo hoạt động mới nhất của công ty, lợi nhuận ròng giảm xuống còn 23 tỷ won, nhưng doanh số bán hàng tăng 20% lên 203,9 tỷ won, doanh thu từ các buổi biểu diễn tăng vọt gần 156%.

HYBE cũng đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng 91% so với cùng kỳ trong quý III/2022. Lợi nhuận ròng của công ty đạt 94,9 tỷ won trong giai đoạn cuối năm 2022.

Mới đây, theo báo cáo kinh doanh quý I mới được phát hành, lợi nhuận ròng của công ty đã tăng hơn 62% lên 49,8 tỷ won nhờ doanh số bán album của các nghệ sĩ tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Kích cầu các lĩnh vực kinh tế khác

Sự thành công của ngành công nghiệp Kpop không chỉ giúp các công ty giải trí kiếm được những khoản lợi nhuận "khổng lồ" mà còn đóng góp lớn cho nền kinh tế nước nhà. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp này tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho đất nước mỗi năm.

Năm 2004, làn sóng Kpop đã đóng góp 0,2% GDP của Hàn Quốc, chiếm khoảng 1,87 tỷ USD. Nhưng tới năm 2021, sự phổ biến toàn cầu của Kpop giúp Hàn Quốc kiếm được khoảng 12,45 tỷ USD.

Thị trường sự kiện Kpop được định giá 8,1 tỷ USD vào năm 2021 và ước tính đạt 20 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 7,3% từ năm 2023 đến năm 2031.

Làn sóng văn hóa Kpop trở thành một hiện tượng toàn cầu cũng dẫn đến sự quan tâm rộng rãi hơn đến xứ kim chi, từ du lịch, học tiếng Hàn đến thời trang và ẩm thực Hàn Quốc, gián tiếp kích cầu kinh tế cho nước này.

Bí kíp hút cả tỷ USD của kinh tế Hàn Quốc qua các nhóm nhạc kiểu Blackpink - 4

Sự thành công của ngành công nghiệp Kpop đóng góp lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc (Ảnh: Unplash).

Do đó, chính phủ Hàn Quốc cũng quan tâm chú trọng tới việc quảng bá làn sóng Kpop hơn nữa để tạo thêm thu nhập cho nền kinh tế.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hyundai, với mỗi 1% tăng trưởng trong xuất khẩu sản phẩm văn hóa, xuất khẩu hàng tiêu dùng nói chung của Hàn Quốc cũng tăng thêm 0,03%, đóng góp đáng kể cho kinh tế nước này.

Thậm chí, sự thành công của một nhóm nhạc cũng có tác động đáng kể lên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Nhờ vào giá trị tăng vọt của BlackPink, giá trị cổ phiếu của công ty chủ quản YG Entertainment cũng đạt mức "đỉnh" 95.000 won/cổ phiếu vào cuối tháng 5 năm nay. Hiện cổ phiếu của công ty này đang được giao dịch ở mức giá 72.500 won/cổ phiếu.

Kpop cũng kích thích kinh tế Hàn Quốc bằng cách thúc đẩy du lịch. Người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến Hàn Quốc để xem show diễn và trải nghiệm trực tiếp nền văn hóa này.

Ngoài du lịch, nhu cầu học tiếng Hàn cũng tăng cao. Năm 2022, tiếng Hàn là ngôn ngữ châu Á được học nhiều thứ 2 trên ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo, chỉ sau tiếng Nhật.