Bi hài chuyện ngân hàng đi đòi nợ
Nhân viên tín dụng của một ngân hàng lớn tiết lộ, phải đến 80% nhân viên tín dụng tại ngân hàng đang bị "dính" vào nợ xấu liên quan đến nhà đất dẫn đến biết bao chuyện cười ra nước mắt xảy ra khi ngân hàng đi đòi nợ.
Vấn đề nóng bỏng nhất đối với mảng tín dụng của các ngân hàng bây giờ là "quản cho vay, thúc đòi nợ". Chuyện thu nhập sụt giảm trong nhiều tháng qua cũng không đáng ngại bằng những khoản nợ khó đòi. Làm thế nào để thu hồi được những món nợ khó đòi mới là điều đáng quan tâm nhất của ngân hàng lúc này.
Chỉ vì những khoản nợ xấu khó đòi, đến bây giờ anh K., chuyên viên phòng tín dụng của một Ngân hàng thương mại cổ phần đang bị rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan".
Khi khách hàng của anh K. không đủ khả năng trả nợ, Ngân hàng buộc phải tiến hành niêm phong tài sản để tổ chức bán đấu giá. Nhưng khi xuống tới nơi, chủ tài sản đã xây hẳn một ngôi mộ giả ngay trước cửa nhà. Vị chủ tài sản đồng thời cũng là chủ nợ này nói cùn: "Đây là mộ tổ trong gia đình nhà tôi. Ngôi nhà này cũng do tổ tiên để lại. Các anh không thể niêm phong được. Bao giờ thu xếp đủ tiền, tôi sẽ mang đến trả ngân hàng". Chuyện tâm linh ai dám phạm, anh K. chỉ còn nước dỗ ngon dỗ ngọt để vị khách hàng "quái chiêu" kia sớm gom tiền trả nợ ngân hàng.
Thêm một trường hợp khác, nhân viên tín dụng ngân hàng nọ khi về Bắc Ninh kiểm tra lần cuối trước khi tiến hành niêm phong tài sản khách vay quá hạn, oái oăm thay, mặc dù sổ đỏ khu đất ngân hàng vẫn giữ, nhưng vị chủ sở hữu kia đã chia nhỏ ra rồi bán tháo cho nhiều người từ bao giờ chẳng rõ.
Cũng theo lời anh K., nhiều trường hợp nhà cửa đã bị niêm phong, nhưng nhân viên ngân hàng vừa bước chân ra về người ta chẳng ngần ngại xé niêm phong... vào ở tiếp. Thậm chí khi ngân hàng đưa khách đến xem căn hộ bị tịch thu để phát mãi, chủ nhà cứ đứng ở cổng nói vu vơ: "nhà này có ma", "nhà này có người tự tử"... thậm chí còn thuê cả đầu gấu đến đe dọa.
Thu nhập liên tục sụt giảm, từ hàng chục triệu đồng mỗi tháng, giờ đây sụt chỉ còn vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng, thấy khó sống, nhiều lần anh K. đệ đơn xin nghỉ nhưng ngân hàng không đồng ý, yêu cầu phải ở lại "đòi nợ" cho xong rồi đi đâu mới được đi.
Gần đây khi bất động sản gặp lụt, người ta thường hay đề cập đến câu chuyện mượn sổ đỏ của người thân đi thế chấp ngân hàng. Chỉ đến khi ngân hàng về niêm phong tài sản, lúc đó khổ chủ mới hay người mượn sổ đỏ của mình đã vỡ nợ.
Không chỉ anh em họ hàng nội ngoại, nhắc đến anh H ở một huyện ven Hà Nội, ai ai trong vùng cũng phải kính nể nhiều lắm. Có bằng cấp, có trình độ, lại nhiều năm được học tập ở nước ngoài, về Việt Nam anh này mở công ty, rồi lao đầu vào kinh doanh bất động sản. Tham gia thị trường đúng vào thời điểm đất cát sôi động, anh Hùng đã phất lên nhanh chóng.
Tiền kiếm dễ dàng, anh ta đã huy động sổ đỏ của anh em họ hàng và nhiều người quen khác đi thế chấp ngân hàng. Thấy dùng đồ xịn, đi xe đẹp, lại rất hào phóng nên anh H mượn được khá nhiều sổ đỏ vào thế chấp ngân hàng. Có tiền anh ta mạnh dạn "ôm" cả một dự án lớn. Nhưng khi có dự án trong tay, bất động sản đột nhiên tê liệt rồi đổ bệnh, thế là dự án nằm "đắp chiếu".
Con đường làm ăn của anh này cũng "tắt" từ đó. Nhiều tỷ đồng nợ ngân hàng đã đến hạn nhưng chưa tìm ra nguồn trả. Ngay cả chiếc ô tô hạng sang thường ngày vẫn đi cũng đã cầm cố ở hiệu cầm đồ. Tiền mua chiếc ô tô này cũng do ngân hàng cấp tiền.
Mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi mới đây anh H bị tai nạn, phải nằm viện điều trị và đang có triệu chứng của bệnh tâm thần. Chẳng biết thật hay vờ nhưng chứng bệnh này đang làm cho phía ngân hàng và chủ nhân của những cuốn sổ đỏ ăn không ngon, ngủ không yên...
Chia sẻ với PV, nhân viên tín dụng của một ngân hàng có tiếng đang làm việc tại Hà Nội cho rằng, phải đến 80% nhân viên tín dụng tại ngân hàng đang bị "dính" vào nợ xấu. Mà các khoản nợ xấu, hay tài sản thế chấp phần lớn đều liên quan đến nhà đất. Vì sao lại có hiện tượng này? Người làm tín dụng hoàn toàn biết mức độ rủi ro, nhưng vì những khoản phần trăm cắt xén làm mờ mắt nên sẵn sàng tìm mọi cách để khách hàng vay được vốn.
Nhân viên này cho biết, mối quan tâm lớn nhất của ngân hàng lúc này là hạn chế cho vay, tập trung đòi nợ xấu. Tình trạng này có thể sẽ còn phải kéo dài vài năm nữa.
Theo Thành Nam
InFonet