Chủ nợ thành “con tin”!
Với hành lang pháp lý còn có những kẽ hở hiện nay, con nợ nhiều khi lại ở vị thế có thể mặc cả với chủ nợ.
Một DN cho biết, khi gửi công văn đòi nợ một đối tác thì DN nhận được trả lời là mỗi tháng đối tác trên trả 400 triệu đồng. Sau 15 tháng sẽ trả hết nợ, nhưng với điều kiện không phải trả lãi.
Mặc dù rất ngán ngẩm với cách trả nợ này nhưng DN cũng không biết phải làm sao, vì rõ ràng con nợ không xù. Có kiện ra tòa thì cũng chả biết đến khi nào mới đòi được tiền. Thế nên DN đành ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận thu được đồng nào hay đồng ấy. Thực tế, nhiều DN nợ lớn có tài sản lớn nhưng nếu chủ nợ không phải là ngân hàng nhận cầm cố tài sản, mà là các đối tác bạn hàng, khách hàng thì khó lòng ép DN bán tài sản hay kiểm soát nguồn thu của DN để thanh toán nợ.
Câu chuyện khách hàng mua nhà Dự án Petroland, quận 2, TP. HCM phải chăng biển “Chủ đầu tư Petroland lừa đảo” trước trụ sở Công ty đầu tuần qua, nhằm gây sức ép để chủ đầu tư trả tiền đã thanh lý hợp đồng mua căn hộ cũng là một biểu hiện của sự bế tắc về giải pháp đòi nợ. Có lẽ đây là giải pháp cuối cùng của người mua nhà sau năm bảy lần đến Công ty chầu chực mà không đòi được nợ. Về phía chủ đầu tư Petroland, trong trường hợp này là con nợ của khách hàng, phải đánh bài khất nợ miệng, vì không thể vay được tiền ngân hàng trả cho khách hàng đúng hạn.
“Nếu khách hàng kiện, chúng tôi cũng chịu vì tiền khách hàng đóng, chúng tôi bỏ vào xây căn hộ chứ có làm gì bất hợp pháp đâu”, một lãnh đạo Petroland chia sẻ.
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, về nguyên tắc, một DN có khoản nợ đến hạn không thanh toán được có thể bị chủ nợ đặt vấn đề phá sản, bán tài sản để thực hiện nghĩa vụ nợ. Ở nước nào cũng có tình trạng, chủ nợ gặp rủi ro khi DN kinh doanh thua lỗ hay điều kiện kinh tế khó khăn khiến chủ nợ phải dung dưỡng DN để có cơ hội thu hồi vốn. Nhưng ở các thị trường phát triển, chủ nợ có quyền lựa chọn giữa dung dưỡng và đề nghị phá sản DN. Còn ở Việt Nam, thực tế giải quyết, thời hạn xét xử, nhận định đánh giá, đưa ra quyết định về nợ đều kéo dài. Việc thi hành án lại chưa nghiêm là môi trường khiến cho bên vay nợ chây ỳ.
Một công ty tài chính tại TP. HCM có các nhân sự từng làm việc ở cộng hòa Séc cho biết, ở một số nước phát triển, nếu người vay không trả nợ đến hạn, sẽ có cơ quan thu nợ của Chính phủ đến tận nhà tịch thu đồ đạc để trả bên cho vay. Người vay còn phải làm việc tiếp tục để trả nợ còn thiếu. DN không thanh toán nợ có thể bị cho phá sản nhanh chóng. Còn ở Việt Nam, người cho vay có khi phải ngọt nhạt, nhẹ nhàng với người vay để được trả nợ, vì bên vay chưa trả ngay, bên cho vay cũng chẳng làm gì được. DN yếu kém quản lý vì thế cứ tồn tại lay lắt mà không gặp phải một sức ép lớn từ bên ngoài trong việc phải rút khỏi thị trường. Thậm chí, một số công ty vẫn nhận hợp đồng mới để quay vòng vốn, nuôi nhân viên kể cả khi làm không có lãi. Nguy cơ rủi ro về nợ vì thế ngày một lớn và có tác động dây chuyền.
Với thực trạng này thì quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế, của DN đặc biệt ở một số lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng có thể khó khăn và kéo dài hơn dự kiến.
Theo ĐTCK