Bí ẩn các “đại gia giấu mặt” chi hàng nghìn tỷ đồng mua cổ phiếu VPBank
(Dân trí) - Thêm một vụ chuyển nhượng quy mô “khủng” lên tới 1.500 tỷ đồng cổ phiếu VPBank diễn ra phiên 11/4/2018. Tiếp tục là kịch bản cũ: Công ty được thành lập rồi giải thể trong một thời gian ngắn và hàng chục triệu cổ phiếu VPB được chuyển quyền sở hữu cho chính lãnh đạo công ty!
Trung tâm lưu ký chứng khoán vừa có thông báo về việc chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Theo đó, bên chuyển quyền sở hữu là Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Trang Thành và bên nhận chuyển nhượng là ông Trần Quốc Anh Thuyên. Tổng số cổ phiếu chuyển nhượng là hơn 22,7 triệu cổ phiếu, ngày hiệu lực 11/4/2018.
Cổ phiếu VPB phiên hôm nay đóng cửa tại mức giá 66.100 đồng sau khi giảm 2.200 đồng tương ứng giảm 3,22%. Tuy vậy, trong vòng 1 tháng qua, mức giá hiện tại của VPB vẫn tăng hơn 5% và tăng gần 36% trong vòng 3 tháng.
Thông báo của Trung tâm lưu ký không nêu cụ thể giá trị của thương vụ chuyển nhượng, tuy nhiên, tạm tính theo mức giá đóng cửa của VPB, ông Trần Quốc Anh Thuyên có thể đã phải chi trả tới 1.501 tỷ đồng để sở hữu số cổ phiếu nói trên.
Theo tìm hiểu của PV Dân Trí, Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Trang Thành mới chỉ thành lập vào ngày 25/7/2017, có trụ sở chính tại tầng 16 Daeha Business Centre, số 360 Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội, nhưng hiện tại đã giải thể vào ngày 22/2/2018.
Công ty này ngành nghề kinh doanh là sửa chữa thiết bị điện, xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình đường sắt, đường bộ, công trình công ích…
Đáng nói là ông Trần Quốc Anh Thuyên cũng chính là Chủ tịch và là người đại diện theo pháp luật của công ty này.
Lý do giải thể công ty được ông Thuyên giải thích, đó là vì “công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và không thể tiếp tục duy trì hoạt động”. Chính vì vậy, chủ sở hữu công ty đã quyết định ngừng hoạt động kinh doanh và tiến hành các thủ tục giải thể công ty.
Mới chỉ cách đây 2 tuần, vào ngày 26/3 cũng đã xuất hiện giao dịch thoả khủng đối với cổ phiếu VPB trị giá ước tính tới 6.400 tỷ đồng.
Hai tổ chức là Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng và Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên đã sang tay tổng cộng gần 100 triệu cổ phiếu VPB cho 4 cá nhân, mỗi tổ chức chuyển nhượng xấp xỉ 50 triệu cổ phiếu.
Và cũng như vụ chuyển nhượng vừa diễn ra, hai công ty này đều giải thể sau một thời gian ngắn thành lập, nguyên nhân dẫn đến giải thể đều vì khó khăn; các cá nhân nhận chuyển nhượng cổ phiếu đều là lãnh đạo các công ty này.
Như vậy, kịch bản của các vụ chuyển nhượng na ná nhau: Doanh nghiệp sở hữu khối lượng lớn cổ phiếu VPB và sau một thời gian ngắn thành lập rồi giải thể, cổ phiếu được chuyển quyền sở hữu cho chính lãnh đạo của các doanh nghiệp này. Những sự kiện này khiến giới đầu tư không khỏi băn khoăn lẫn tò mò.
Bích Diệp