1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Berezovsky - từ “bố già” điện Kremlin đến cái chết trên thòng lọng

(Dân trí) - Kết quả khám nghiệm tử thi của cảnh sát Anh khẳng định, tỷ phú Boris Berezovsky đã chết vì treo cổ. Từ một “bố già” trên thương trường và chính trường Nga, chỉ trong thời gian ngắn cuộc đời Berezovsky đã kết thúc bi thảm.

Theo hãng tin BBC, cảnh sát khu vực Thames Valley ngafy 25/3 ra thông báo khẳng định các kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đã có xô xát xảy ra trước khi Boris Berezovsky tử vong. Cơ quan chức năng cũng cho biết không có bằng chứng về sự hiện diện của “bên thứ ba” tại hiện trường. Điều đó có nghĩa là vị tỷ phú Nga tử vong do tự treo cổ.

Berezovsky khi còn là thành viên Hội đồng an ninh Nga tháng 7/1997
Berezovsky khi còn là thành viên Hội đồng an ninh Nga tháng 7/1997

Trước đó, hôm thứ Bảy vừa qua một nhân viên của Berezovsky đã tìm thấy vị tỷ phú 67 tuổi đã tắt thở ở trên sàn nhà tắm trong ngôi nhà ở Berkshire, cách London chừng một giờ xe chạy. Trước những tin đồn về việc nạn nhân có thể đã bị đầu độc, cảnh sát Anh cũng đã lấy mẫu vật để tiến hành xét nghiệm độc tố và xét nghiệm mô. Kết quả sẽ được công bố trong vài tuần tới.

Berezovsky từ tiến sỹ toán tới “bố già” điện Kremlin

Cũng giống như nhiều tỷ phú Nga từng phất lên trong thời kỳ Liên bang Xô Viết sụp đổ, cuộc đời Berezovsky chứng kiến nhiều thăng trầm và tranh cãi, từ những vụ thâu tóm các tập đoàn nhà nước với giá rẻ mạt tới những vụ áp phe chính trị, ám sát và trốn chạy.

Sinh tại Moscow ngày 23/1/1946 và là con trai của một kỹ sư người Do Thái, Berezovsky ngay từ nhỏ đã cho thấy năng khiếu về toán và thậm chí đã được trao bằng tiến sỹ toán học ứng dụng, làm việc và nổi danh tại Viện hàn lâm khoa học Liên Xô cho đến tận cuối những năm 1980.

Nhưng khi Liên Xô bắt đầu sụp đổ, nhận thấy cơ hội làm giàu hiếm có khi chính phủ mới đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh, năm 1989 Berezovsky cùng bạn mình là Badri Patarkatsishvili bắt tay vào kinh doanh xe hơi và thâu tóm tập đoàn ô tô lớn nhất nước. Đến năm 1994 vị tiến sỹ toán học một thời đã giàu lên đến độ có kẻ đã đặt bom trên chiếc Mercedes để ám sát ông. May mắn cho Berezovsky, chỉ có viên lái xe tử nạn.

Vào thời điểm đó, do kinh tế Nga vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng hậu Xô Viết, lạm phát tăng cao khiến chính quyền của Tổng thống Boris Yeltsin chịu sức ép lớn. Để tạo ra một nền kinh tế tự do có sức cạnh tranh, chính phủ quyết định cổ phần hóa hàng loạt các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước.

Berezovsky và tỷ phú Abramovich trong cuộc họp hạ viện Nga tháng 12/1999
Berezovsky và tỷ phú Abramovich trong cuộc họp hạ viện Nga tháng 12/1999

Một kế hoạch “đổi vốn vay lấy cổ phần” được ngân hàng tư nhân Oneksim Bank đề xuất. Và đây chính là cột mốc quan trọng cho sự ra đời của hàng loạt tỷ phú giàu lên từ thâu tóm tài sản nhà nước tại Nga.

Theo kế hoạch này, các ngân hàng Nga sẽ cho chính phủ vay tiền để đổi lại việc được nắm cổ phần tạm thời tại các doanh nghiệp quốc doanh. Nếu chính phủ không thể hoàn trả nợ, ngân hàng sẽ sở hữu luôn cổ phần. Và quả thực chính phủ Nga đã không thể hoàn trả nợ và nhiều doanh nghiệp quốc doanh bỗng chốc trở thành của các “tài phiệt” Nga.

Trong một bài viết được đăng tải ngày 28/1/1996, tờ New York Times của Mỹ khẳng định, vào thời điểm đó, dù bị phản đối gay gắt nhưng chính phủ cũng không thể dừng lại bởi nếu không họ sẽ mất nguồn tiền đang rất cần thiết để bù đắp thâm hụt. Lúc này Nga còn đang phải thương thảo với IMF để vay 9 tỷ USD.

Và chỉ trong vòng 2 năm, từ 1994 – 1996, hơn 100.000 doanh nghiệp quốc doanh của Nga, từ các tập đoàn dầu mỏ tới những xưởng sản xuất làm ăn bết bát đều đã được cổ phần hóa. Khi những đợt cổ phần hóa ồ ạt dần lắng xuống, số tiền chính phủ Nga thu về chỉ đạt 1 tỷ USD, bằng một nửa kỳ vọng ban đầu.

Với số tiền tích lũy được nhờ bán các mẫu ô tô thời Xô Viết, lúc này Berezovsky cũng “nhảy” vào xâu xé các doanh nghiệp quốc doanh. Trong một lần gặp gỡ đối tác cũ Roman Abramovich tại đảo Carribe năm 1994, cả hai lên kế hoạch khai thác chương trình “đổi vốn lấy cổ phần” để nắm quyền kiểm soát tập đoàn dầu khí quốc gia Sibneft.

Với mối quan hệ sâu rộng trong giới quan chức, Berezovsky dùng ảnh hưởng của mình để giúp Abramovich thắng thầu và nắm quyền điều hành tập đoàn. Tất nhiên đây là thỏa thuận ngầm và không hề có một văn bản nào được ký kết. Kế hoạch được tiến hành êm xuôi bởi ở thời điểm đó Berezovsky không chỉ giàu có mà còn thân thiết với những chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn.

David E. Hoffman, tác giả của cuốn: “Các ông trùm chính trị: Sự giàu có và quyền lực ở nước Nga mới”, một tác phẩm khám phá vai trò của các “đại gia” Nga trong thời kỳ đầu Liên Xô tan dã cho biết, Berezovsky là nhân vật nổi bật không chỉ bởi sự giàu có mà còn cả tham vọng chính trị.

“Boris Berezovsky chính là người nằm trong làn sóng các “ông trùm” chính trị, những người đã nhận ra món lợi lớn từ những đợt bán tài sản tại nước Nga mới”, ông Hoffman trả lời tờ New York Times. “Trong khi nhiều người cùng thời cũng thấy cơ hội, Berezovsky lại tập trung hơn những người khác vào vai trò của chính trị. Ông ta nhận ra sự cần thiết phải bắt tay với những người có quyền quyết định các thương vụ. Ông ta đã làm việc đó với ngành xe hơi và sau đó là dầu mỏ”.

Berezovsky bên cạnh cựu Tổng thống Nga Yeltsin ngày 28/4/1998
Berezovsky bên cạnh cựu Tổng thống Nga Yeltsin ngày 28/4/1998

Theo tờ Guardian, cũng trong năm 1994, Berezovsky mua được kênh truyền hình ORT và đã dùng nó như một công cụ để đánh bóng hình ảnh cho ứng viên Tổng thống Boris Yeltsin. Ngoài việc cho phát nhiều ký sự về Yeltsin, Berezovsky còn kết bạn với con gái của Yeltsin là Tatayana.

Năm 1996, cũng chính “ông trùm” này là người đứng ra tổ chức cuộc họp tại Davos với các “đại gia” Nga, những người chấp thuận quyên tiền cho chiến dịch tái tranh cử của Boris Yeltsin. Đến thời điểm này Berezovsky đã là một nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn trên chính trường Nga.

Thậm chí tỷ phú này còn có chân trong duma quốc gia, tức hạ viện Nga và sau đó là một ghế trong Hội đồng an ninh Nga. Berezovsky còn được xem là nhân vật có ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến chống khủng bố của Nga ở Chechnya. Về tài sản, ngay từ năm 1997, tạp chí Forbes đã ước tính Berezovsky nắm trong tay 3 tỷ USD. Cũng chính tạp chí này đã bị Berezovsky kiện vì gọi ông là “bố già điện Kremlin”.

Cuộc đời lưu vong và cái chết đau đớn

Ngay khi sự nghiệp ở đỉnh cao cũng là lúc những biến cố bất lợi bắt đầu đến với Berezovsky. Đầu tiên là việc bị Tổng thống Yeltsin cách chức trong Hội đồng an ninh Nga năm 1997. Dù vậy, những năm sau đó, trên cương vị bí thư điều hành của Khối thịnh vượng chung các quốc gia độc lập (CIS), Berezovsky vẫn liên tục gặp gỡ nhiều nguyên thủ các quốc gia và kề cận bên Tổng thống Yeltsin.

Nhưng gió đã đổi chiều sau khi Yeltsin từ chức và người kế nhiệm ông là Vladimir Putin lên nắm quyền. Tháng 10/2000, tức là chỉ 10 tháng sau khi Yeltsin ra đi, Berezovsky được lệnh phải rời khỏi căn biệt thự của chính phủ đồng thời phải trả lại biển số xe công vụ gắn trên chiếc limousine của mình. Kênh truyền hình ORT TV cũng bị chính quyền Nga kiểm soát.

Báo giới vây quanh Berezovsky sau khi bị xử thua trong vụ kiện Abramovich
Báo giới vây quanh Berezovsky sau khi bị xử thua trong vụ kiện Abramovich

Cùng trong năm đó Berezovsky chạy sang Pháp rồi sang Anh và thường có những phát biểu công kích chính quyền của Tổng thống Putin từ đây. Thậm chí tỷ phú này còn từng tung tiền công khai ủng hộ một đảng đối lập với Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga.

Tháng 3/2003, chính phủ Anh ra lệnh bắt Berezovsky và có kế hoạch trục xuất vị tỷ phú này. Thế nhưng sau đó, London lại quyết định cho Berezovsky tỵ nạn chính trị.

Nhưng đòn giáng mạnh nhất vào sự giàu có và tinh thần của Berezovsky những năm cuối đời chính là vụ kiện với đối tác làm ăn cũ, tỷ phú Roman Abramovich hồi năm ngoái. Ông đã “lôi” Abramovich ra tòa tại London, đòi bồi thường 5 tỷ USD với cáo buộc đã bị đối tác lừa bán cổ phần tại Sibneft với giá bèo bọt.

Nhưng do không đủ tài liệu chứng minh Berezovsky bị xử thua và còn phải bồi thường cho Abramovich 53 triệu USD án phí. Thất bại này là đòn chí mạng vào tài sản cũng như tinh thần của Berezovsky. Không những vậy ông còn bị chính bạn gái cũ kiện đòi trả 8 triệu USD mà ông chiếm đoạt sau khi bán một ngôi nhà tại Anh mà cả hai cùng sở hữu.

Trong những ngày cuối đời Berezovsky từng viết thư cho Tổng thống Putin để xin tha thứ và được quay về nước. Người phát ngôn của ông Putin Dmitri S. Peskov xác nhận với kênh Russia 24. “Cách đây một thời gian, có lẽ là vài tháng, Berezovsky đã gửi cho Vladimir Putin một bức thư do chính mình viết. Trong đó ông thừa nhận đã phạm nhiều sai lầm. Ông xin Putin tha thứ vì các lỗi lầm để có thể trở về quê nhà”, Peskov khẳng định.

Tuy nhiên ngày trở về đó với Berezovsky đã không bao giờ đến. Thay vào đó là cái chết bằng cách treo cổ đau đớn nơi xứ người.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm