1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

An Giang:

Bếp điện, bếp gas… “giết chết” nghề làm cà ràng (lò đất) truyền thống

(Dân trí) - Nguyên liệu đầu vào tăng, đầu ra cà ràng bị chững lại do bếp điện, bếp gas lấn át… kéo theo sản lượng bán ra giảm mạnh, từ 30 - 40% so với năm ngoái. Điều này đang làm cho các cơ sở sản xuất cà ràng (lò đất) gặp khó.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Ngày nay trước sự phát triển của công nghệ, cái cà ràng không còn là một vật dụng tối quan trọng trong mỗi bếp ăn người Việt. Thay vào đó là những bếp điện, gas... phục vụ việc nấu ăn của người dân một cách tiện lợi hơn, vì thế hình ảnh chiếc cà ràng trở nên rất xa lạ với đại bộ phận giới trẻ ngày nay. Chính sự tiến bộ này đang "giết chết" nghề làm cà ràng truyền thống của một số địa phương, trong đó có An Giang

Đến thăm làng nghề làm cà ràng ở xã Phú Thọ, Phú Mỹ thuộc huyện Phú Tân (An Giang) được hình thành cách nay hơn 30 năm, một thời vang bóng nhưng nay làng nghề rất èo uột.
 
Theo tìm hiểu của PV nguyên liệu để làm lò trước đây là đất sét và trấu, nhưng sản phẩm làm ra không được đẹp và bền. Chính vì vậy, người dân nơi đây đã đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và biết rằng nguồn nguyên liệu (đất sét) ở Hòn Đất (Kiên Giang) có lẫn cát mịn và dẻo nên rất thích hợp để làm lò mà không cần phải trộn trấu, từ đó họ mới đặt mua đất từ Hòn Đất chuyển về. Vì thế, số lượng làm nghề tăng lên hàng trăm hộ.
 
Bà Lê Thị Á có trên 25 năm làm nghề lò đất ở ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ, huyện Phú Tân (An Giang) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi mua mỗi ghe 60 khối đất (60m3) từ Kiên Giang chở về với giá 600.000 đồng/ghe. Trung bình  1mcó thể làm ra 2 cái lò đất. Tuy nhiên, với mức giá từ 600.000 – 700.000 đồng hiện tại chỉ mua được ghe 30 khối. Để làm ra một sản phẩm lò đất phải trải qua nhiều công đoạn như in vỉ, nhận khuôn, nhận mỏ lò, làm bóng, phơi nắng, cạo gọt lại sản phẩm và khâu cuối cùng là đem đi nung ở bồn lò trong suốt 48 giờ để lò ửng đỏ, sau đó đợi thêm 24 giờ cho lò thiệt nguội thì bốc ra".

Tùy theo bồn đốt lớn hay nhỏ mà cho số lượng cà ràng mang vào nung nhiều hay ít. Nguyên liệu để nung lò là trấu. Đối với loại bồn nhỏ chứa khoảng 500 cái lò thì tốn 70 bao trấu để đốt, bồn 700 cái lò tốn 120 bao trấu, bồn 1.000 lò đốt khoảng 200 bao trấu. Mỗi bao trấu có giá khoảng từ 10.000 – 12.000 đồng/bao.

Thường thì những chiếc lò đốt xong có màu đỏ rất đẹp, còn đối với những cái lò có màu da lu, sạm đen thì phải đem đốt lại. Vì những chiếc lò này không đủ lửa để nung chín.

Ông Bùi Hữu Hiền, cùng làm lò đất ở ấp Phú Mỹ Hạ, cho biết: “Nghề làm cà ràng ở đây diễn ra quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng 1 – 4 (âm lịch). Vì thời điểm này thời tiết thuận lợi cho việc phơi lò. Sản phẩm chủ yếu bán cho các tỉnh ĐBSCL và cả Campuchia”.

Mỗi ngày, một thợ lành nghề làm được từ 20 – 30 cái cà ràng (tùy loại). Lò từ khi bắt đầu làm đến 5 ngày sau mới bán được đó là trời nắng, còn trời mưa có khi lên đến hơn nửa tháng. Bởi, trước khi cho lò vào bồn đốt phải được phơi khô từ 2 – 3 nắng.

Theo một hộ làm lò khác cho biết: “Lò đất ở đây chia làm 4 loại, lò thượng (số 4) có giá 40.000 đồng/cái, lò số 3 có giá 35.000 đồng/cái, lò nhất (số 2) có giá 30.000 đồng/cái, lò nhì (số 1) có giá 25.000 đồng/cái, trừ đi chi phí mỗi cái còn lãi từ 2.000 – 10.000 đồng/cái”.

Bà Á, bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi có 6 người làm lò nhưng không kịp để bán, bồn đốt lò bằng loại lớn, chưa đầy 2 tuần ghe mua đã đến chờ hàng. Còn bây giờ, số lượng lò làm ra ít hơn trước nhiều mà số lượng đặt hàng giảm đáng kể”.

Còn theo một chủ cơ sở mua bán cà ràng ở xã Phú Thọ, cho biết: “Mấy năm gần đây, số hộ làm lò đất đã giảm đi đáng kể vì không có vốn làm nghề và đất làm lò khan hiếm đẩy giá nguyên liệu tăng cao. Kế đến do giá gas giảm và một số loại bếp điện thịnh hành nên người dân chuyển sang sử dụng nhiều, dẫn đến mặt hàng lò ế ẩm. Mọi năm từ tháng này trở về Tết là hàng bán được lắm, còn năm nay số lượng đã giảm đi 30 – 40%”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thọ Phạm Ngọc Thư, toàn xã có 60 hộ sống bằng nghề làm cà ràng, tập trung ở ấp Phú Mỹ Hạ và giáp ranh ấp Thượng 1 (thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân). Địa phương từng đưa ra vấn đề thành lập Tổ sản xuất cà ràng (hiện các hộ chỉ làm nhỏ lẻ) để bà con được hỗ trợ theo chính sách (vay vốn, mở rộng quy mô…), nhưng chưa ai mặn mà với việc này nên kế hoạch vẫn bị bỏ ngỏ. Tuy vậy, địa phương sẽ luôn quan tâm và tạo điều kiện giúp các hộ dân duy trì nghề truyền thống của cha ông.

Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của xã Phú Thọ, do nguyên liệu tăng, đầu ra lò đất giảm mạnh nên số hộ sản xuất cà ràng trên địa bàn xã giảm đáng kể.

Đất sét là nguyên liệu chính để làm cà ràng
Đất sét là nguyên liệu chính để làm cà ràng
Khung làm cà ràng
Khung làm cà ràng
Công đoạn tạo hình cà ràng
Công đoạn tạo hình cà ràng
Cà ràng được làm bóng trước khi mang ra nắng phơi
Cà ràng được làm bóng trước khi mang ra nắng phơi
Những nắp cà ràng được phơi nắng trước, sau đó mới ráp với thân cà ràng
Những nắp cà ràng được phơi nắng trước, sau đó mới ráp với thân cà ràng
Trước khi mang cà ràng và nun thì phơi nắng từ 2 -3 giờ
Trước khi mang cà ràng và nun thì phơi nắng từ 2 -3 giờ

Chất đốt ở các lò nung cà ràng chủ yếu là vỏ trấu
Chất đốt ở các lò nung cà ràng chủ yếu là vỏ trấu
Cà ràng đủ lửa sẽ vàng đỏ như thế này
Cà ràng đủ lửa sẽ vàng đỏ như thế này
Trước khi xuất xưởng, các thợ làm vệ sinh cho các cà ràng
Trước khi xuất xưởng, các thợ làm "vệ sinh" cho các cà ràng

Trước khi xuất xưởng, các thợ làm vệ sinh cho các cà ràng
Ở làng nghề Phú Thọ, người dân còn làm ra nhiều sản phẩm, như chảo đất, nồi đất, khuôn đổ bánh khọt...

Hiện nay do sự lấn át của các bếp điện, gas... nên sản lượng tiêu thụ giảm mạnh từ 30 -40%
Hiện nay do sự lấn át của các bếp điện, gas... nên sản lượng tiêu thụ giảm mạnh từ 30 -40%

Nguyễn Hành – Nhân Nguyễn 
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”