Bệnh viện công lạm dụng dịch vụ, lạm thu, tiềm ẩn lợi ích nhóm

(Dân trí) - Tại một số bệnh viện còn hiện tượng thu vượt, thu ngoài quy định hoặc lạm dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, cung ứng thuốc và dịch vụ không cần thiết. Tình trạng liên doanh, liên kết khi thực hiện tự chủ tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập cũng tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm, đẩy gánh nặng cho người bệnh.

Benh_vien_cong.jpg

Bệnh viện công lạm dụng dịch vụ, lạm thu, tiềm ẩn lợi ích nhóm

 

Lạm dụng dịch vụ, lạm thu

Tại hội thảo "Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước" vừa diễn ra, ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành 3 đã chỉ ra nhiều vấn đề trong việc thu phí dịch vụ của các bệnh viện cấp Trung ương.

Theo ông Thăng, để tăng doanh thu một số bệnh viện tuyến Trung ương thay vì tập trung vào nghiên cứu khoa học và các kỹ thuật chuyên sâu, đào tạo nhân lực, chữa trị những trường hợp phức tạp thì lại mở rộng dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu và các dịch vụ y tế thông thường. Những dịch vụ y tế thông thường này vốn các bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện.

“Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến thành công của việc thực hiện chính sách tự chủ. Chưa kể, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến phá vỡ kế hoạch phát triển y tế cơ sở vốn đã được Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn tương đối lớn trong nhiều năm qua”, ông Thăng nêu.

Ông Thăng cũng chỉ ra, việc chuyển từ cơ chế “phí” sang “giá dịch vụ” là điều kiện cơ bản để thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, tăng sự lựa chọn của người sử dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có tình trạng các mức thu vượt khung giá quy định, thu tiền thuốc, vật tư, hóa chất vượt so với giá trúng thầu.

Theo ông, tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập hiện nay đang tồn tại một số khoản thu không thuộc danh mục giá dịch vụ khám, chữa bệnh, theo như cách ông Thăng gọi là "chi phí đi kèm dịch vụ y tế."

“Cho đến nay chưa có cơ chế quy định rõ ràng là có được thu hay không? Thu mức bao nhiêu? Các chi phí này là thực tế nhưng đã có trong giá dịch vụ hay chưa? Đây là dấu hỏi đặt ra không chỉ cho các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ quan nhà nước," ông nói.

Kết quả kiểm toán cho thấy, các khoản thu này rất khác nhau ở các cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau như dịch vụ người nhà, dịch vụ sử dụng quần áo bệnh viện, các dịch vụ đi kèm dịch vụ khám, chữa bệnh...

“Đây là vấn đề cơ chế cần làm rõ để các cơ sở khám, chữa bệnh dễ dàng thực hiện, tránh rủi ro”, ông nhấn mạnh.

Tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm

Đại diện Kiểm toán Nhà nước cũng nhắc đến tình trạng liên doanh, liên kết khi thực hiện tự chủ tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập.

“Hiện nay các bệnh viện được quyền liên doanh liên kết với đối tác ngoài để đầu tư trang thiết bị và thực hiện khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán một số năm gần đây cho thấy tình trạng, tại một số đơn vị chia lợi nhuận cho đối tác khi đã hết thời gian thực hiện đề án liên doanh liên kết”, ông cho biết.

Ông cũng chỉ ra việc, giá máy móc nhập về khi đưa vào các bệnh viện đã đội giá so với mức giá nhập khai báo tại cơ quan hải quan. Hoặc một số đơn vị ký hợp đồng liên kết với thời gian thực hiện dài hơn thời gian khấu hao của máy móc thiết bị.

"Thời gian đáng lẽ chỉ 7 năm nhưng làm thành 15 năm, chi phí đó dồn vào người bệnh," ông Thăng nói.

Ông Lê Đình Thăng cho rằng, với cơ chế tự chủ hiện tại, từ khâu hoạch định, tổ chức thực hiện, kiểm tra giảm sát đều gặp khó do cách hiểu khác nhau. Để khắc phục, theo ông, việc cần làm là ban hành cơ chế tự chủ bài bản, rõ ràng, minh bạch hơn.

Theo kế hoạch, trong năm 2019, cơ quan chức năng sẽ lựa chọn một số chủ đề trong đó có tự chủ với các cơ sở y tế công lập để thực hiện kiểm toán nhằm đánh giá việc tuân thủ quy định của các đơn vị. Ngoài ra, qua kiểm toán, mục tiêu cũng nhằm xem xét các lỗ hổng trong chính sách tự chủ trong các cơ sở y tế công lập để từ kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Phương Dung

bannerchan-bai.gif