Bẫy nợ “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc đang nguy kịch

(Dân trí) - Sau 5 năm ra mắt, một loạt các rủi ro, các lời phê bình và chiến lược bẫy nợ của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đang khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc tự hỏi, tham vọng này có thể đi bao xa?

Bắc Kinh có nhiều rào cản trong và ngoài nước phải vượt qua để có thể với tới chiến lược tham vọng này.
Bắc Kinh có nhiều rào cản trong và ngoài nước phải vượt qua để có thể với tới chiến lược tham vọng này.

Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ nhờ nguồn vốn vay từ Trung Quốc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tên “Một vành đai, một con đường” nhằm tạo nên sự đột biến trong việc xây dựng đường sắt, đường bộ, cầu và cảng trên hơn 65 quốc gia và khu vực.

Tuy nhiên, mới đây, ông Tập đã yêu cầu các quan chức phụ trách chiến lược này báo cáo về những rủi ro mà Trung Quốc phải đối mặt với các dự án ở các nước khác nhau, một nguồn tin giấu tên tiết lộ với tờ South China Morning Post.

Khi các quan chức cố gắng gây ấn tượng với ông Tập bằng việc mô tả tiến trình của chiến lược này, ông Tập đã cắt ngang lời họ và nhấn mạnh về những rủi ro và khó khăn ngày càng gia tăng khi thực hiện chiến lược này, nguồn tin cho biết.

Khi được công bố lần đầu tiên vào tháng 9 và tháng 10/2013 trong chuyến thăm Kazakhstan và Indonesia, chiến lược này được cho là một nỗ lực để tăng cường kết nối khu vực và đạt được một tương lai tươi sáng hơn.

Tuy nhiên, các nhà chuyên môn Trung Quốc đã lường trước với Bắc Kinh rằng, chiến lược này như một bước xúc tiến của chính quyền nhằm thâu tóm vai trò lớn hơn trong thương mại toàn cầu thông qua một mạng lưới thương mại lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Theo đó, với quy mô 65 quốc gia và tổng GDP đạt 23 nghìn tỷ USD, tổng dân số là 4,4 tỷ người, chiến lược “Một vành đai, một con đường” được giới thiệu như một cách để thúc đẩy lợi ích chính trị của Trung Quốc ở nước ngoài trong khi giảm các vấn đề dư thừa nguồn nguyên vật liệu trong nước.

Cụ thể, các dự án lớn bao gồm một khu công nghiệp Trung Quốc - Belarus trị giá 5 tỷ USD, một dự án cầu và đường sắt trị giá 3,1 tỷ USD ở Bangladesh và một tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào trị giá 5,8 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các dự án khác do Trung Quốc tài trợ trong chiến lược này bao gồm xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 10 tỷ USD tại Ả Rập Xê Út, một thành phố mới bên cạnh cảng Colombo, cảng lớn nhất và bận rộn nhất ở Sri Lanka với tổng vốn đầu tư 13 tỷ USD trong 25 năm tới. Thêm nữa là một tuyến vận chuyển hàng hóa nối bờ biển phía đông của Trung Quốc với London.

Bẫy nợ “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc đang nguy kịch - 2

Tuy nhiên, Bắc Kinh có nhiều rào cản trong và ngoài nước phải vượt qua trước khi nó có thể với tới chiến lược tham vọng này.

Cụ thể, trong nước, nghi ngờ về việc liệu sáng kiến “Một vành đai, một con đường” có thể cải thiện hệ thống phúc lợi trong nước của Trung Quốc hay không. Còn ở ngoài Trung Quốc, sáng kiến ​​này được cho là nỗ lực của Bắc Kinh để đặt một bẫy nợ cho các quốc gia nhỏ hơn nhằm tăng sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.

Ông Wang Yiwei, giáo sư về vấn đề quốc tế tại Đại học Renmin, Bắc Kinh cho biết: “Khi sáng kiến ​​Một vành đai, một con đường được đưa ra cách đây 5 năm, nó chủ yếu nhắm vào khu vực Á - Âu chứ không hề kỳ vọng rằng mở rộng đến các khu vực rộng lớn hơn như châu Phi”.

Khi chiến lược này mở rộng về phạm vi, các công ty Trung Quốc và thậm chí một số chính quyền địa phương Trung Quốc đã ngày càng gán ghép các dự án của họ như là một phần của chiến lược này. Xu hướng này đôi khi làm tổn thương tầm vóc của tổng thể chiến lược.

“Danh tiếng của sáng kiến ​​này bị hư hại khi một số cá nhân và tổ chức đang cố gắng xuất khẩu tài sản xấu ra ngoài Trung Quốc, và nói rằng họ đang làm điều đó cho chiến lược này”, ông Wang nói.

Sri Lanka đã vay mượn rất nhiều từ Trung Quốc để xây dựng cảng biển Hambantota, nơi vẫn đang vật lộn để thu hút tàu đến. Sau đó, vào tháng 12, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã bàn giao quyền kiểm soát cảng và 15.000 mẫu đất xung quanh nó cho Bắc Kinh trong hợp đồng thuê 99 năm.

Theo tờ The South China Morning Post, các nước đang phát triển dọc theo chiến lược “Một vành đai, một con đường” thường dễ bị tổn thương vì những bất ổn trong hệ thống pháp lý, chính trị và thương mại. Các vấn đề có thể xảy ra sau bất kỳ sự chuyển tiếp quyền lực nào.

Ví dụ, chẳng hạn, Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad đã hủy 2 dự án lớn do Trung Quốc tài trợ vào cuối tháng 8 vừa qua gồm Liên kết đường sắt East Coast trị giá 20 tỷ USD và hai dự án đường ống dẫn khí trị giá 2,3 tỷ USD. Theo đó, ông Mahathir nói đất nước của ông không thể chi trả cho những dự án đó và chúng cũng không đến mức cấp thiết.

Bên cạnh đó, sự thay đổi gần đây về lãnh đạo của Pakistan cũng cho thấy một sự rút lui tiềm năng về các thỏa thuận cho Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không từ bỏ sáng kiến ​​này. Trong một bài phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi tại Bắc Kinh vào tháng 9, ông Tập cho biết, Trung Quốc sẽ hỗ trợ 60 tỷ USD cho châu Phi và sẽ hủy bỏ các khoản nợ chưa thanh toán cho một số quốc gia nghèo của châu lục này.

Ngoài ra, đầu năm nay, trong một hội thảo đánh dấu kỷ niệm ra mắt sáng kiến, ông Tập cũng nói, Trung Quốc không tìm kiếm một liên minh địa chính trị và quân sự thông qua chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Ông cũng cho biết Bắc Kinh cần điều chỉnh ​​để sáng kiến này tập trung vào các dự án chất lượng cao có lợi cho người dân địa phương.

Hồng Vân
Theo South China Monring Post

Bẫy nợ “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc đang nguy kịch - 3