1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Bầu" Thụy tham vọng huy động vốn ở Mỹ: IPO tại Mỹ cần điều kiện gì?

Nhật Linh

(Dân trí) - Bất chấp hơn một nửa "tân binh" giao dịch dưới giá IPO trong năm nay, Mỹ vẫn là địa điểm IPO ưa thích của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới, trong đó có những cái tên Việt Nam.

Gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam có ý định chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ.

Mới đây nhất, HĐQT Công ty Cổ phần Thaiholdings mới đây do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT cũng thông qua việc góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Thaispace và các nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty này. Thaispace tham vọng huy động vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ với kế hoạch IPO trong năm 2022 nếu đủ điều kiện.

Trước đó, VinFast và Bamboo Airway cũng được cho đang rục rịch chuẩn bị IPO tại Mỹ. Mặc dù chưa có thời điểm cụ thể, song các doanh nghiệp này đều đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục để niêm yết tại Mỹ trong những năm tới.

Vậy IPO tại Mỹ dễ hay khó? Thủ tục để doanh nghiệp IPO tại Mỹ như thế nào?

2021 được coi là năm kỷ lục của các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ. Theo dữ liệu của Dealogic, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, số đợt IPO trong năm đã vượt mốc 1.000. Không chỉ lập kỷ lục về con số giao dịch, số vốn huy động được trong cũng cao nhất từ trước tới nay, với 315 tỷ USD. Trong khi những năm trước đó, tổng số vốn huy động được chưa bao giờ đạt 200 tỷ USD trong một năm.

Bầu Thụy tham vọng huy động vốn ở Mỹ: IPO tại Mỹ cần điều kiện gì? - 1

Đáng chú ý, hơn một nửa trong số đợt ra mắt trên là các công ty được thành lập với mục đích đặc biệt (SPAC), với 606 công ty séc trắng đã được niêm yết công khai trong năm 2021.

Theo PwC, trong số hơn 60 công ty nước ngoài niêm yết tại Mỹ trong năm nay, có tới 30 công ty đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 10, không có công ty Trung Quốc nào niêm yết tại Mỹ do lệnh cấm của phía Trung Quốc cũng như điều kiện thắt chặt của Mỹ.

Điều kiện để niêm yết trên sàn NYSE

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới tính về giá trị vốn hóa thị trường bằng đồng USD và là sàn lớn thứ 2 thế giới tính về số lượng công ty niêm yết. Theo số liệu cập nhật của Statista, tính đến tháng 10/2021, tổng vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết tại sàn NYSE là 28.240 tỷ USD.

Bầu Thụy tham vọng huy động vốn ở Mỹ: IPO tại Mỹ cần điều kiện gì? - 2

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới tính về giá trị vốn hóa thị trường bằng đồng USD (Ảnh: Getty).

Do vậy, sàn NYSE là đích mà nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu hướng đến. Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt mới được xem xét.

Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài muốn lên sàn NYSE cần có 5.000 cổ đông sở hữu lô chẵn cổ phiếu trên toàn cầu; Số cổ phiếu do công chúng trên toàn cầu nắm giữ tối thiểu là 2,5 triệu đơn vị với giá trị không dưới 100 triệu USD; Giá cổ phiếu tối thiểu 4 USD.

Ngoài ra, doanh nghiệp muốn niêm yết phải đáp ứng một trong những tiêu chuẩn tài chính sau:

Tổng thu nhập trước thuế trung bình trong 3 năm tài chính gần nhất là trên 100 triệu USD, hai năm tài chính cuối trước khi IPO phải đạt tối thiểu 25 triệu USD/năm;

Tổng dòng tiền trong 3 năm tài chính gần nhất từ 100 triệu USD trở lên. Hai năm cuối đạt ít nhất 25 triệu USD/năm, vốn hóa thị trường toàn cầu 500 triệu USD, doanh thu trong 12 tháng gần nhất là 100 triệu USD;

Hoặc công ty có vốn hóa toàn cầu 750 triệu USD, doanh thu năm tài khóa gần nhất 75 triệu USD;

Công ty con hoặc công ty liên kết có vốn hóa thị trường toàn cầu 500 triệu USD, có lịch sử hoạt động từ 12 tháng trở lên. Công ty mẹ hoặc công ty liên kết là một công ty được niêm yết có vị thế tốt và phải duy trì quyền kiểm soát hoặc chịu sự kiểm soát của công ty muốn niêm yết.

Điều kiện niêm yết sàn Nasdaq

Sàn Nasdaq là sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới tính về vốn hóa thị trường. Hiện có 3.100 công ty với khối lượng giao dịch cổ phiếu trung bình ngày ở mức hơn 2 tỷ đơn vị. Sàn Nasdaq xử lý nhiều đợt IPO hơn bất kỳ sàn giao dịch nào ở Mỹ. Kể từ năm 2000, Nasdaq đã có hơn 1.000 đợt chào bán lần đầu ra công chúng.

Cũng như sàn NYSE, danh tiếng của Nasdaq phụ thuộc vào các công ty niêm yết trên sàn này. Do đó, Nasdaq có những tiêu chuẩn khắt khe đối với các công ty muốn giao dịch trên sàn này. Chỉ có những công ty có lịch sử vững chắc và đội ngũ quản lý hàng đầu đứng sau mới được xem xét.

Bầu Thụy tham vọng huy động vốn ở Mỹ: IPO tại Mỹ cần điều kiện gì? - 3

Hiện có 3.100 công ty đang giao dịch trên sàn Nasdaq (Ảnh: Getty).

Nasdaq có 4 bộ yêu cầu niêm yết. Theo đó, mỗi công ty phải đáp ứng ít nhất một trong 4 bộ yêu cầu, cũng như các quy tắc chính cho tất cả các công ty.

Mỗi công ty phải có tối thiểu 1.250.000 cổ phiếu giao dịch công khai đang lưu hành khi niêm yết, không bao gồm những cổ phiếu do cán bộ, giám đốc hoặc bất kỳ chủ sở hữu có lợi nào nắm giữ trên 10% cổ phần của công ty.

Giá chào mua thông thường của cổ phiếu công ty tại thời điểm niêm yết ít nhất phải 4 USD. Tuy nhiên, một công ty có giá cổ phiếu đóng cửa ở mức 3 hoặc 2 USD vẫn được chấp nhận nếu đáp ứng các yêu cầu khác.

Mỗi công ty có ít nhất 3 hoặc 4 (tùy thuộc vào tiêu chí) nhà tạo lập thị trường cho cổ phiếu. Đối với các công ty sử dụng tiêu chí 3 USD hoặc 2 USD chỉ có thể yêu cầu hai nhà tạo lập thị trường. Mỗi công ty niêm yết cũng phải tuân theo các quy tắc quản trị công ty của Nasdaq.

Công ty cũng phải có ít nhất 450 cổ đông sở hữu trọn lô (tức là 100 cổ phiếu trở lên), 2.200 tổng cổ đông hoặc 550 tổng số cổ đông với 1,1 triệu khối lượng giao dịch trung bình trong 12 tháng qua.

Kể từ năm 2020, một công ty phải trả 25.000 USD phí đăng ký trước khi cổ phiếu của họ được xem xét để niêm yết và có thể phải trả từ 150.000 - 295.000 USD phí đăng ký nếu thành công.

Ngoài các yêu cầu này, các công ty phải đáp ứng tất cả các tiêu chí theo ít nhất một trong các tiêu chuẩn sau đây:

Công ty phải có tổng thu nhập trước thuế trong 3 năm gần nhất ít nhất là 11 triệu USD, trong 2 năm trước đó ít nhất là 2,2 triệu USD/năm và không một năm nào trong 3 năm trước đó bị lỗ ròng.

Công ty phải có tổng dòng tiền tối thiểu là 27,5 triệu USD trong 3 năm tài chính gần nhất, không có dòng tiền nào âm trong bất kỳ năm nào trong 3 năm đó. Ngoài ra, vốn hóa thị trường trung bình trong 12 tháng trước khi đăng ký phải đạt ít nhất 550 triệu USD và doanh thu trong năm tài chính trước đó tối thiểu đạt 110 triệu USD.

Các công ty có thể không cần yêu cầu về dòng tiền nếu vốn hóa thị trường trung bình trong 12 tháng đạt ít nhất 850 triệu USD và doanh thu trong năm tài chính trước đó tối thiểu 90 triệu USD.

Các công ty cũng có thể được bỏ qua các yêu cầu về dòng tiền và doanh thu, đồng thời giảm yêu cầu vốn hóa xuống còn 160 triệu USD nếu có tổng tài sản ít nhất là 80 triệu USD và vốn chủ sở hữu ít nhất là 55 triệu USD.

Điểm mấu chốt là nếu một công ty không đáp ứng các tiêu chí nhất định, chẳng hạn như mức thu nhập hoạt động tối thiểu, thì công ty đó phải bù đắp bằng số tiền tối thiểu lớn hơn trong một lĩnh vực khác, chẳng hạn như doanh thu. Điều này giúp cải thiện chất lượng của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch.

Sau khi một công ty được niêm yết trên thị trường, công ty đó phải duy trì các tiêu chuẩn nhất định để tiếp tục được giao dịch. Việc không đáp ứng các thông số kỹ thuật do sở giao dịch chứng khoán Mỹ đưa ra sẽ có thể bị hủy niêm yết. Trong đó, giá cổ phiếu hoặc vốn hóa thị trường giảm dưới mức yêu cầu tối thiểu là một trong những yếu tố chính dẫn đến việc hủy niêm yết.

Năm 2022 có khả quan cho các "tân binh"?

Bên cạnh mô hình SPAC, các đợt IPO truyền thống có thể vẫn lên ngôi lần nữa khi các công ty công nghệ và công nghệ sinh học niêm yết đại chúng. Tuy nhiên, năm 2022 có thể là một năm khởi đầu khó khăn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô lo ngại về động thái của Fed, lạm phát gia tăng và biến động thị trường do Covid-19 cũng như sức khỏe của chính thị trường IPO.

"Hàng trăm đợt IPO vẫn đang xếp hàng để ra mắt công chúng nên nguồn cung là có, nhưng nhu cầu vẫn chưa thể xác định", chuyên gia dữ liệu Avery Spear của Renaissance Capital cho biết. Theo bà, một phần là do nhà đầu tư đã quá mệt mỏi sau một năm số lượng các đợt IPO cao kỷ lục nhưng vẫn không thể đánh bật các xu hướng thị trường lớn hơn.

Theo đó, các công ty đang hướng đến IPO tại Mỹ cần phải tính đến một sự thật thất vọng rằng dù hoạt động IPO diễn ra mạnh mẽ nhất từ trước tới nay nhưng hiệu quả hoạt động của cổ phiếu các "tân binh" lại rất mờ nhạt. Theo PwC, gần 2/3 số công ty niêm yết thông qua IPO truyền thống trong năm nay có giao dịch cổ phiếu thấp hơn giá chào bán.