1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bầu Thủy đưa xi măng sang thị trường Nam Phi

Giữa bối cảnh xuất khẩu xi măng của Việt Nam giảm mạnh trong năm 2015, bầu Thủy đã đi nước cờ khôn ngoan khi chuyển hướng sang thị trường giàu tiềm năng là Nam Phi. Hợp đồng xuất khẩu này kéo dài trong vòng 10 năm với sản lượng 20 triệu tấn, tổng giá trị 1,2 tỉ USD.

Khép lại năm 2015, xuất khẩu xi măng của Việt Nam dừng lại ở con số 16,5 triệu tấn, trong khi đó, tiêu thụ trong nước đạt 55,6 triệu tấn. Nhìn chung, trong 5 năm trở lại, bức tranh tiêu thụ xi măng của Việt Nam không ổn định, đặc biệt là xuất khẩu.

Chỉ tính so với năm 2014, tiêu thụ trong nước của toàn ngành xi măng tăng, nhưng xuất khẩu sụt giảm mạnh 19%. Trước đó, với khối lượng xuất khẩu đạt 21,1 triệu tấn năm 2014, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu thứ 2 cả về giá trị lẫn sản lượng trong 104 quốc gia xuất khẩu mặt hàng này.

Hợp đồng đưa Xi măng Xuân Thành sang Nam Phi có tổng giá trị vượt 1 tỉ USD
Hợp đồng đưa Xi măng Xuân Thành sang Nam Phi có tổng giá trị vượt 1 tỉ USD

Hiện Việt Nam đang xuất khẩu xi măng và clinker sang một số thị trường chính như Bangladesh, Đài Loan, Indonesia; Malaysia; Chile.. Mặc dù sản lượng xi măng không ngừng tăng lên, dẫn đến nguồn cung dư thừa, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cho biết vẫn không mở rộng được thị trường.

Do chỉ xuất khẩu vào một số thị trường truyền thống, nên không ít doanh nghiệp bị thương lái trung gian ép giá. Do đó, theo giới phân tích, để thúc đẩy mạnh hơn hoạt động tiêu thụ xi măng, bên cạnh việc làm chủ thị trường trong nước, các doanh nghiệp xi măng cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm đến những thị trường tiềm năng hơn.

Ngày 2/3/2016, một "ông lớn" trong lĩnh vực xi măng là Công ty cổ phần Xi Măng Xuân Thành Việt Nam đã ký kết với Công ty Ores & Minerals UK Ltd Vương Quốc Anh về việc xuất khẩu xi măng Xuân Thành sang thị trường Nam Phi.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì hiện vẫn chưa có doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu xi măng và clinker sang thị trường Nam Phi.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy (bầu Thủy) – Tổng giám đốc Xi măng Xuân Thành, hợp đồng xuất khẩu xi măng Xuân Thành kéo dài trong vòng 10 năm với sản lượng 20 triệu tấn và tổng giá trị hợp đồng đạt 1,2 tỉ USD. Ngoài ra toàn bộ khâu vận chuyển xi măng sẽ được bảo hiểm tại Bảo hiểm Xuân Thành.

Cũng theo ông Thủy, hiện nay sản phẩm Xi măng Xuân Thành đã có mặt tại các thị trường lớn như Úc, Papa New Guile, Philippines, Banglades, Chile.

Đây được cho là nước đi khôn ngoan của bầu Thủy sau khi Xuân Thành đã chi tới 1,5 tỉ USD để mở rộng dây chuyền sản xuất.

Thị trường châu Phi được cho thị trường nhiều tiềm năng với sức bứt phá ngày càng rõ rệt hơn trong xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị. Trong khi đó, tại những thị trường truyền thống khác, thậm chí tại thị trường nội địa, doanh nghiệp xi măng Việt Nam chịu sức ép khá mạnh cả về giá lẫn chất lượng với xi măng Trung Quốc và Thái Lan.

Minh Anh