1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bầu Đức, Cường đôla kể chuyện nợ nần, bà Thanh Phượng mất quyền cổ đông lớn

(Dân trí) - Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất liên quan đến nợ nần, mất cân đối tài chính, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) đã có những trải lòng trên cương vị người lãnh đạo doanh nghiệp. Trong khi đó, sàn chứng khoán đón thêm đại gia “nghìn tỷ” mới khi Chứng khoán Bản Việt lên sàn, song người đó lại không phải là bà Nguyễn Thanh Phượng.

Bầu Đức, Cường đôla kể chuyện nợ nần, bà Thanh Phượng mất quyền cổ đông lớn - 1

Quốc Cường Gia Lai bị chấm dứt mọi quan hệ tín dụng với BIDV

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017 vừa qua, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) cho biết thông tin bán dự án Phước Kiển (Nhà Bè) cho đối tác Công ty Cổ phần Đầu tư Sunny Island là thất thiệt.

Tuy nhiên bà Loan cho biết QCG đã nhận 50 triệu USD đặt cọc của Sunny Island theo biên bản thỏa thuận ghi nhớ. Nhờ có khoản cọc này QCG đã tất toán được khoản nợ trị giá 1.352 tỷ đồng cho BIDV.

Sau thông tin này, cổ phiếu QCG có 3 phiên liên tiếp giảm sàn cho đến khi công ty này công bố thông tin ngày 19/7 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 thì mã này mới có một phiên phục hồi (tăng 2,14%) vào phiên 5/7 và đứng giá phiên 6/7 trước khi lại quay đầu giảm giá.

Là người được giao trọng trách phát ngôn chính cho QCG, phải đến gần đây, ông Nguyễn Quốc Cường (thường được gọi là Cường đôla) mới có những chia sẻ cởi mở về công ty cũng như chuyện gia đình trên báo chí.

Ông cho biết, khoảng thời gian vướng vào khoản nợ hơn 1.000 tỷ đồng với BIDV là thời điểm căng thẳng nhất. "Sau khi tất toán khoản nợ này hệ quả rất lớn là chúng tôi bị chấm dứt mọi quan hệ tín dụng với nhà băng này. Đây là đòn đau đối với một doanh nghiệp đang hoạt động".

Phó Chủ tịch QCG cũng thẳng thắn: Trong quá khứ các dự án của QCG được nhắc đến với việc luôn trễ tiến độ, chất lượng không đảm bảo và nhiều thông tin tiêu cực khác. Thời gian qua công ty đã phải ngồi lại xem xét và xây dựng cho mình kế hoạch giải quyết các “tì vết” này.

Bầu Đức: "Nếu tôi không có thần kinh thép, con thuyền Hoàng Anh Gia Lai đã chìm"

Dốc những lời gan ruột trước đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) nói: "Tên Hoàng Anh Gia Lai - HAGL đã đi sâu vào tiềm thức tôi, nếu tôi còn, tôi không bao giờ bỏ nó. Cổ phiếu cá nhân tôi đều chấp nhận cho tập đoàn thế chấp ngân hàng, tôi sẵn sàng hy sinh cho mục tiêu chung".

Người từng giàu thứ hai thị trường chứng khoán Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, HAGL đã phải đứng trước bờ vực sống còn, không để xảy ra phá sản. Và để tập đoàn tồn tại, ban lãnh đạo HAGL buộc phải đấu tranh, làm việc đúng luật.

"Tôi khẳng định bản thân tôi và tất cả ban lãnh đạo có làm gì riêng tư thì tôi xin chịu trách nhiệm", ông Đức khảng khái. Bầu Đức cũng trải lòng: Trong một năm rưỡi qua, do suốt ngày chỉ "cấu trúc với cấu trúc, thương thảo với thương thảo", thế nên mới không còn tâm trí đâu để công bố thông tin.

"Đó là thời gian tôi dốc 150% sức lực để vượt khó, 4 giờ sáng tôi đã phải thức dậy để làm việc. Nếu tôi không đủ bản lĩnh, không có thần kinh thép, tay lái yếu một xíu thì con thuyền HAGL đã chìm, theo đúng nghĩa chết trên đống tài sản", bầu Đức chia sẻ.

Chính vì vậy, ông kêu gọi tất cả cổ đông hãy tin tưởng vào HAGL, vào bản thân ông và "đừng bao giờ nghi ngờ vào việc tôi lập công ty nào đó để bỏ túi riêng", bởi nếu làm như vậy "HAGL đã nát lâu rồi". Ông cũng hứa hẹn, "chỉ cần 2 năm nữa là mọi người sẽ có quả ngọt".

Bà Nguyễn Thanh Phượng mất quyền cổ đông lớn tại Chứng khoán Bản Việt

Ngày 07/07/2017, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) niêm yết 103,2 triệu cổ phần trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) với mã cổ phiếu VCI. Mới chỉ tính mức giá tham chiếu 48.000 đồng trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VCI, ông Tô Hải – Tổng giám đốc VCSC đã sở hữu khối tài sản chứng khoán đạt 1.104 tỷ đồng.

Ông Tô Hải là cổ đông lớn duy nhất của công ty đến thời điểm 19/6/2017 với sở hữu 22.953.062 cổ phần, chiếm tỷ lệ 22,24% vốn điều lệ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Phượng - Chủ tịch HĐQT công ty đã không còn là cổ đông lớn của VCSC khi giảm số lượng cổ phần nắm giữ xuống còn 5 triệu đơn vị. Số cổ phần của bà Phượng bị hạn chế giao dịch trong 6 tháng đầu kể từ ngày niêm yết và sau đó, bị hạn chế chuyển nhượng 2,5 triệu cổ phần trong 6 tháng tiếp theo.

Đại án Oceanbank: Đề nghị truy tố Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án tham nhũng – kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Theo kết luận, ông Hà Văn Thắm (sinh năm 1972) – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank và ông Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1962) – nguyên Tổng giám đốc Oceanbank, Phó Tổng giám đốc PVN bị truy tố thêm tội “tham ô tài sản”.

Kết luận bổ sung xác định, ông Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (bị kết án 30 năm tù) và bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Đại Tín tại ngân hàng Xây dựng) đã giúp sức cho ông Hà Văn Thắm làm thất thoát của Oceanbank hàng trăm tỷ đồng.

Vì vậy, ông Danh và bà Phấn cùng ông Trần Văn Bình (Giám đốc Công ty Trung Dung) bị đề nghị truy tố tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng cộng, số bị can trong vụ án tăng từ 48 lên 52 người.

Biến động nhân sự cấp cao tại Sacombank

Chỉ vài ngày sau khi đại hội đồng cổ đông bầu ra chủ tịch mới ông Dương Công Minh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) đã có một loạt những thay đổi nhân sự ở cấp cao nhất.

Nghị quyết của HĐQT miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Phan Huy Khang theo nhiệm vụ cá nhân kể từ ngày 03/07/2017 và bổ nhiệm bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, giữ chức Tổng Giám đốc thay ông Phan Huy Khang.

Trước đó, ngày 30/6 HĐQT Ngân hàng Sacombank đã có quyết định thôi nhiệm và chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Hà Tôn Trung Hạnh - Phó Tổng Giám đốc của Ngân hàng, chuyển sang làm Thành viên Ban kiểm soát Sacombank.

Bích Diệp (tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm