Bất thường vụ biến nước mương thành bình “tinh khiết” bán cho trường học

(Dân trí) - Một doanh nghiệp lấy nước mương thải là thành nước tinh khiết đóng bình bán đi khắp nơi, trong đó có cả trường học là thông tin thị trường đáng chú ý nhất tuần qua.

Lấy nước mương thải sản xuất nước bình "tinh khiết"

Cơ quan QLTT cho biết, theo nguồn tin của quần chúng nhân dân cung cấp, qua quá trình xác minh làm rõ, Cục QLTT Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất nước uống đóng bình Trường Thành, địa chỉ thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

Bất thường vụ biến nước mương thành bình “tinh khiết” bán cho trường học - 1

Cơ sở bơm nước mương thải làm nước đóng bình

Cơ sở sản xuất trên thuộc Công ty TNHH Phúc Hà, địa chỉ thôn Xuân Đài, Xã Trường Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

Qua kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở sử dụng nguồn nước được lấy trực tiếp từ mương phía sau cơ sở để sản xuất nước uống đóng bình. Mương nước này là mương nước thải sinh hoạt của các hộ dân quanh khu vực thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão.

Bình quân mỗi ngày cơ sở này bán ra 200 bình, mỗi bình có dung tích 20 lít. Giá bán từ 9-10.000 đồng/bình. Nơi tiêu thụ là một số cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các đại lý trong dân…

Khẩu trang tụt giá ngang trước dịch

Cuối tháng 1, khi dịch Covid-19 vừa bùng phát tại Việt Nam, giá một hộp khẩu trang thời điểm đó lên tới 450 nghìn đồng. Nhưng theo khảo sát hiện tại của PV, giá khẩu trang y tế trên thị trường chỉ dao động từ 45 - 70 nghìn đồng/hộp.

Bất thường vụ biến nước mương thành bình “tinh khiết” bán cho trường học - 2

Khẩu trang đã về giá như trước dịch

Có sự sụt giảm lớn như thế vì theo dân buôn khẩu trang như anh N.T.T (Long Biên, Hà Nội), từ đợt dịch, rất nhiều xưởng sản xuất và gia công khẩu trang khiến lượng cung trên thị trường tăng rất mạnh.

“Hơn nữa, dịch ở Việt Nam và các nước láng giềng đã kiểm soát được nên nhu cầu thu mua giảm hẳn. Đó là chưa kể, đa phần khẩu trang sản xuất kiểu này đều không có giấy tờ hoặc không xin được giấy xuất đi các nước châu Âu, châu Mỹ, nên chỉ tiêu thụ trong nước. Nếu có mối hàng thì còn xuất được tiểu ngạch”, anh T nói.

Quán karaoke kiếm 30 triệu đồng ngày trở lại

Theo quản lý tại một quán karaoke tại Đống Đa (Hà Nội), sau khi nghe tin sẽ sớm được mở cửa trở lại, anh Đ đã cho nhân viên đi làm trở lại từ ngày 9/6 để dọn dẹp và chuẩn bị.

Bất thường vụ biến nước mương thành bình “tinh khiết” bán cho trường học - 3

Các quán karaoke đã hoạt động trở lại

Do nghe được tin sớm và mở cửa trước, nên doanh thu ngày đầu của quán anh Đ lên tới 30 triệu đồng. Nhưng sang đến ngày thứ 2, do nhiều quán đã hoạt động trở lại, doanh thu tại quán anh Đ đã tụt một nửa chỉ còn gần 15 triệu đồng.

Trong khi trước đây, doanh thu những ngày cao điểm tại quán có thể lên tới 35 - 37 triệu đồng. “Ngày nào nghèo, ế khách cũng phải được 10 triệu đồng”, quản lý 1 quán karaoke chia sẻ và cho biết thêm, những ngày cuối tuần là cao điểm nhất tại các quán karaoke. Doanh thu tại các quán có thể lên tới 30 triệu đồng/ngày.

Thương lái buôn lợn hơi rủi ro hơn đánh bạc

Theo một thương lái tại chợ đầu mối lợn Hà Nam, lợn ở chợ này đa phần từ miền Trung và miền Nam vận chuyển ra. Đi 2 ngày 2 đêm mới ra tới nơi, thời tiết nắng nóng khiến lợn sụt 7kg. Thương lái phải đầu tư chuồng trại cả tỷ bạc để nuôi cho lợn hồi lại.

Bất thường vụ biến nước mương thành bình “tinh khiết” bán cho trường học - 4

Thương lái buôn lợn cũng than lỗ

“Nuôi 15 - 20 ngày, lợn mới hoà cân và có thể bán lãi được. May mắn thì lãi 50 - 100 triệu đồng/xe trong 20 ngày”, thương lái này nói nhưng chia sẻ thêm rằng, đó là nếu gặp may. Không may thì nhập vào 94 - 94 nghìn đồng/kg, nuôi 20 ngày sau thì bán ra chỉ còn 90 nghìn đồng/kg như thời điểm hiện tại. Số tiền lỗ một xe lên tới cả trăm triệu đồng.

Không riêng gì tiểu thương này, một thương lái khác ở khu chợ đầu mối này cũng ngậm ngùi chịu lỗ 2 xe lợn vừa về. Theo đó, 198 con lợn của anh trượt giá mỗi con 1 triệu đồng.

Do giá nhập vào là khoảng 105 nghìn đồng/kg, nhưng khi về đến chợ, giá bán ra chỉ được 95 nghìn đồng/kg. Đó là chưa kể, lợn xấu, lợn nhiều mỡ hoặc bị bệnh chỉ bán được 85 nghìn đồng/kg.

 Thế Hưng