Bất thường tỷ giá: Do cầu thực hay do đầu cơ?

Tuần qua, giá USD liên tục tăng mạnh. Diễn biến bất thường trên thị trường này cho thấy, nhiều khả năng đang có những yếu tố đầu cơ.

USD tăng giá 130 đồng, có dấu hiệu đầu cơ?

Sau 5 phiên tăng giá liên tiếp, đặc biệt là phiên tăng vọt trong ngày 14/5, tổng cộng trong tuần, USD đã tăng giá 100-130 đồng/USD, tùy từng ngân hàng. Mãi đến chiều 15/5, sau khi Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giá giao dịch mới tăng mạnh so với trước (21.600 - 21.820), cho thấy cơ quan này sẵn sàng bán ngoại tệ ra can thiệp thị trường, giá USD mới quay đầu giảm 40-50 đồng/USD.

 

Rõ ràng, đợt tăng giá này của USD có những diễn biến bất thường.
Rõ ràng, đợt tăng giá này của USD có những diễn biến bất thường.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Thứ nhất, giá USD tại hệ thống ngân hàng cao hơn cả thị trường chợ đen. Cụ thể, giá USD ngày 14/5 tại thị trường chợ đen giao dịch ở mức 21.770 đồng/USD, thấp hơn 50-70 đồng so với chiều bán ra tại ngân hàng thương mại. Đến cuối giờ chiều 15/5, sau khi Sở giao dịch NHNN công bố giá giao dịch mới, giá hai thị trường mới kéo lại sát nhau.

Thứ hai, USD trong nước liên tục tăng giá ngược chiều với giá thế giới. Tuần qua, đồng USD liên tục suy yếu do kinh tế Mỹ có dấu hiệu chậm phục hồi, FED có khả năng chưa tăng lãi suất. Tính đến cuối tuần qua, đồng USD đã xuống đến mức thấp nhất trong vòng 4 tháng. Như vậy, áp lực giá thế giới cũng không phải là nguyên nhân tỷ giá vùn vụt đi lên tuần qua.

Thứ ba, hiện nay, cầu ngoại tệ có tăng lên, song không đột biến. Cung cầu ngoại tệ vẫn được đáp ứng bình thường. Ngoài ra, nhập siêu cũng có dấu hiệu giảm. Như vậy, USD dậy sóng cũng không hẳn xuất phát từ yếu tố cung - cầu.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những bất thường trên cho thấy, tỷ giá biến động tuần qua không phải do cầu thực, mà là do yếu tố đầu cơ. Bên cạnh đó, tỷ giá dù biến động, nhưng vẫn nằm trong biên độ cho phép, nên không cần lo lắng.

TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á cho rằng, biến động trên thị trường nhìn chung “vẫn nằm trong biên độ cho phép của NHNN, do đó, không có gì đáng lo ngại”.

Đầu cơ hay cầu thực?

Không phủ nhận yếu tố đầu cơ tỷ giá, song theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, tỷ giá “căng thẳng” tuần qua không hẳn chỉ do đầu cơ. “Áp lực tỷ giá không chỉ từ bên ngoài, mà còn có cả yếu tố vĩ mô - nợ công, nhập siêu. Ngoài ra, các đồng tiền trên thế giới đang bị phá giá so với đồng USD cũng gây áp lực lên tiền đồng”, ông Hiếu bình luận.

Trước tình hình trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN nên cân nhắc bán USD can thiệp thị trường nếu tình hình tuần này tiếp tục căng thẳng như tuần qua.

“Hiện nay, quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá mỏng, nhưng trong trường hợp cần thiết vẫn phải bán ra can thiệp thị trường. Bên cạnh đó, cần thực hiện nhiều giải pháp giảm nhập khẩu, hỗ trợ xuất khẩu để tăng thu ngoại tệ”, ông Hiếu đề xuất.

Theo nhận định chung của các chuyên gia kinh tế, NHNN vừa điều chỉnh tỷ giá, nên ít nhất trong vài tháng tới, NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá, mà sẽ bán ngoại tệ ra can thiệp trong trường hợp cần thiết để dập sóng đầu cơ. Theo dự báo, năm 2015, Việt Nam vẫn thặng dư cán cân thanh toán 4-5 tỷ USD, cộng với dự trữ ngoại hối đang dày lên, nên khả năng bán ngoại tệ can thiệp là khả thi.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc giữ tỷ giá không biến động từ nay đến cuối năm là rất khó khăn và Chính phủ nên cân nhắc vấn đề cho ngân sách vay quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Tại buổi công bố báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cuối tuần qua, ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho biết, tuy Việt Nam vẫn thặng dư tài khoản vãng lai, song so với các nền kinh tế tương đương, dự trữ ngoại hối của Việt Nam là nhỏ nhất. Vì vậy, ông cho rằng, vay quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách không phải là ý hay, nhất là tại Việt Nam, quỹ dự trữ ngoại hối không nhiều.

Theo Hà Tâm
Đầu tư
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”