Bát nháo trái cây nhập ngoại:“Tinh đời” mới không bị lừa?
(Dân trí) - Bắt đầu từ 1/7, Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, việc kiểm soát nguồn gốc trái cây nhập khẩu sẽ được siết chặt hơn. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn còn nhiều băn khoăn khi chọn mua trái cây nhập khẩu.
Theo Luật An toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT được giao quản lý chất lượng các loại mặt hàng nhập khẩu có nguồn gốc thực vật. Đặc biệt việc kiểm soát nguồn gốc trái cây nhập khẩu sẽ được siết chặt và tăng cường hơn khi trước đó nguồn gốc thực sự của trái cây nhập khẩu về Việt Nam bán ra thị trường khiến nhiều người tiêu dùng băn khoăn, hồ nghi và đang lo ngại.
Hoa quả Trung Quốc “biến mất” khi về Hà Nội
Ở cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn, theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày vẫn đang có trên dưới chục tấn trái cây Trung Quốc nhập khẩu vào nước ta. Còn ở cửa khẩu Lào Cai, trung bình mỗi ngày có hàng trăm tấn rau củ quả các loại nhập khẩu, trong đó chiếm đến 50% là trái cây tươi. Còn theo con số mà Bộ NN&PTNT vừa cho biết, hiện nay chúng ta đang nhập tới 27 loại trái cây của Trung Quốc.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, từ lâu chất lượng và nguồn gốc các loại trái cây nhập ngoại đã làm nhiều người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Để thực hiện lộ trình kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu, đồng thời triển khai cơ chế mở cửa tự do buôn bán thương mại, vào tháng 7/2008, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện chương trình kiểm soát lẫn nhau về nguồn gốc trái cây nhập khẩu.
Theo đó, toàn bộ các loại trái cây Trung Quốc khi nhập khẩu vào Việt Nam, phải có bao bì ghi nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác, địa chỉ nơi trồng, nơi bao gói… để tiện truy xuất nguồn gốc khi cần.
Những xe hàng khổng lồ chở trái cây nhập Trung Quốc về các chợ đầu mối ở Hà Nội (Ảnh: Chiến Thắng)
Theo thông tin từ Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Tân Thanh - Lạng Sơn thì các tư thương Trung Quốc đều thực hiện nghiêm túc về bao bì, tem mác khi xuất khẩu trái cây sang nước ta, thậm chí hàng về tận chợ Long Biên (Hà Nội) vẫn còn nguyên tem, nhãn mác Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV các loại bao bì, nhãn mác bị một số tiểu thương trong nước cắt bỏ, tìm cách dán tem nhãn ngoại, nhằm trà trộn, thay đổi xuất xứ “biến” trái cây Trung Quốc thành táo Mỹ, nho Mỹ, táo New Zealand, cam Thái Lan…
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cũng thừa nhận tại các cửa khẩu, doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện khá nghiêm túc trong việc chứng nhận nguồn gốc hoa quả xuất vào Việt Nam. Tuy nhiên khó khăn gặp phải hiện nay là cơ quan chức năng khó bề quản lý hay kiểm soát được tình hình nhập khẩu hoa quả từ nước ngoài bởi hệ thống văn bản quy định việc các doanh nghiệp, cá nhân nhập khẩu cũng như cơ sở kinh doanh trái cây nhập khẩu phải có chứng nhận lai lịch, nguồn gốc xuất xứ nhưng vẫn còn chưa rõ ràng, chưa đủ.
Do vậy không chỉ gây khó khăn không chỉ cho việc quản lý chất lượng vệ sinh an toàn nông sản mà ngay cả việc truy nguồn gốc khi xảy ra các sự cố như phát hiện có dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng… là một bài toán hóc búa, chưa thể có được lời giải chính xác.
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cũng cho biết thêm, Luật An toàn thực phẩm, trong đó quy định đối với mặt hàng trái cây nhập khẩu được hy vọng sẽ hạn chế được sự lập lờ nguồn gốc, chất lượng trái cây nhập như hiện nay. Trong đó, việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc gắn với kiểm tra dư lượng chất độc hại và giao về một đầu mối là Bộ NN&PTNT.
Phải “tinh đời” mới không bị lừa?
Theo quy định hiện nay, các mặt hàng như trái cây và nông thủy sản nói chung được nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam thì không những doanh nghiệp nhập khẩu phải có chứng nhận rõ ràng về nguồn gốc mà các doanh nghiệp cũng như đối tác nước ngoài khi xuất khẩu vào Việt Nam phải gửi hồ sơ đăng ký nguồn gốc cho cơ quan quản lý của Việt Nam để theo dõi và truy xuất khi cần thiết.
Tuy nhiên, có một kẽ hở khiến việc kiểm tra, kiểm soát trở nên khó khăn là do trái cây không thể đo quy cách, lý lịch cụ thể từng quả một, nên nếu các DN nhập khẩu trà trộn, dán lại tem mác để thay đổi nguồn gốc thì các cơ quan chức năng và người tiêu dùng khó bề phát hện.
Luật An toàn thực phẩm sẽ giúp thị trường trái cây nhập được quản lý tốt hơn?
“Cũng với một bộ giấy tờ đầy đủ chứng nhận nho từ Mỹ nhập về chẳng hạn, các DN hoặc cửa hàng có thể cho nho Trung Quốc vào, dán tem lên là vô tình bộ giấy tờ đó sẽ làm “bình phong” cho nho Trung Quốc, khi đó người tiêu dùng làm sao biết được?”, một DN có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhập khẩu trái cây cho biết.
Cũng theo người này, ngay ở các nước như Mỹ, Úc, New Zealand… thì tem dán trên trái cây cũng chỉ mang tính trang trí, chứ không phải là tem chứng nhận chất lượng hay tem hợp quy để quản lý, vì thế việc làm giả tem không có gì khó khăn.
Theo lời khuyên của ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Công ty TNHH Klever, chuyên cung cấp hoa quả nhập ngoại trên địa bàn TP Hà Nội: người tiêu dùng khi đến một cửa hàng bán hoa quả nhập ngoại, ngoài việc yêu cầu giấy tờ chứng nhận xuất xứ, kiểm dịch, nên chú ý đến những chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng để tránh bị “qua mặt”.
Ông Hải cho rằng, khách hàng nên chú ý các hộp bao bì vận chuyển hoa quả nhập ngoại tại cửa hàng. Chẳng hạn nếu như không nhập anh đào từ Mỹ thì sẽ không thể có những thùng bao bì có thương hiệu, con dấu…từ Mỹ được.
“Tuy nhiên, với mặt hàng hoa quả nhập ngoại hiện nay, điều quan trọng nhất đối với người tiêu dùng là vẫn phải có con mắt tinh đời để lựa chọn hoa quả nhập ngoại bằng kinh nghiệm”, ông Hải cho biết. Thêm vào đó, người tiêu dùng cũng chỉ có thể tin vào thương hiệu và uy tín tại cửa hàng mình lựa chọn để có thể chi hầu bao mua nguồn hoa quả nhập ngoại sử dụng tránh bị lừa hay bị “tiền mất, tật mang”.
Anh Thế - Quốc Đô