Bất ngờ trong khoản lãi của Bamboo Airways giữa lúc hàng không điêu đứng
(Dân trí) - Năm 2020, Bamboo Airways có doanh thu thuần hơn 4.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với Vietnam Airlines hay Vietjet Air. Song hãng này vẫn lãi sau thuế 310 tỷ đồng nhờ một khoản doanh thu đột biến.
Trong báo cáo gửi các cơ quan chức năng của Mỹ để xin mở đường bay thẳng từ Việt Nam đến quốc gia này, Bamboo Airways lần đầu tiết lộ chi tiết các số liệu tài chính.
Ngay từ năm đầu tiên hoạt động (2019), hãng hàng không của ông Trịnh Văn Quyết đã có lãi. Năm 2020, dù hàng không là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, Bamboo Airways tiếp tục báo lợi nhuận.
Như nhiều hãng bay mới ra đời, Bamboo Airways cũng không có lợi nhuận gộp khi doanh thu chưa đủ bù chi phí giá vốn. Theo nghiệp vụ kế toán, lợi nhuận gộp là phần lợi nhuận mà công ty kiếm được sau khi trừ chi phí liên quan đến việc sản xuất, bán sản phẩm hoặc chi phí liên quan đến việc cung cấp dịch vụ của công ty.
Năm 2020, Bamboo Airways lỗ gộp gần 3.600 tỷ đồng, tăng vọt so với mức lỗ 1.130 tỷ đồng của năm 2019. Tuy nhiên, Bamboo Airways lại có khoản doanh thu lớn từ hoạt động tài chính 4.640 tỷ đồng năm qua. Nhờ vậy, hãng bay này vẫn có lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng - cao hơn cả mức lãi sau thuế của FLC năm 2020 (hơn 180 tỷ đồng). Trước đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC từng cho biết hãng này vẫn lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý I/2020 do ảnh hưởng của Covid-19.
Năm 2019, cũng nhờ khoản thu tài chính 1.810 tỷ đồng, hãng hàng không này báo lãi ròng 240 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bamboo Airways không thuyết minh cụ thể chi tiết nguồn thu đột biến từ hoạt động tài chính.
Nhờ khoản thu từ hoạt động tài chính không được thuyết minh cụ thể kể trên, Bamboo Airways trở thành hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất năm 2020 tại Việt Nam dù doanh thu nhỏ nhất (hơn 4.000 tỷ đồng). Vietnam Airlines năm 2020 lỗ gần 11.200 tỷ đồng với doanh thu hơn 40.500 tỷ đồng. Còn Vietjet đạt doanh thu 18.220 tỷ đồng, lãi sau thuế 69 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Bamboo Airways là hơn 13.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm hơn 7.500 tỷ đồng. Dư nợ của hãng bay này là gần 2.200 tỷ đồng, chủ yếu gồm các khoản vay ngắn hạn.
Trong hồ sơ gửi phía Mỹ, Bamboo Airways cũng công bố chi tiết cơ cấu cổ đông. Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết sở hữu 56,5% cổ phần, nắm quyền chi phối hãng hàng không này. Tập đoàn FLC, FLC Holding Capital & Asset Management, FLC Faros lần lượt nắm giữ 25,6%, 6,3% và 5,6% vốn Bamboo Airways. Các cổ đông khác chỉ sở hữu 5,8% cổ phần hãng bay.
Trong hồ sơ, Bamboo Airways đề xuất khai thác đường bay thường lệ vận chuyển hành khách, hàng hóa, bưu phẩm từ Hà Nội, TPHCM đến các thành phố San Francisco, Los Angeles, New York, Seattle, Dallas với tần suất dự kiến 4 - 7 chuyến mỗi tuần. Các đường bay này sẽ qua một điểm dừng tại Đài Loan hoặc Nhật Bản.
Nếu được cấp phép, hãng hàng không của ông Trịnh Văn Quyết dự kiến khai thác đường bay Việt - Mỹ ngay trong quý III. Đầu tháng 5, hãng hàng không này công bố được cơ quan chức năng Mỹ cấp slot (giờ cất - hạ cánh) bay thẳng thường lệ tới sân bay San Francisco và Los Angeles tại bang California, bắt đầu từ ngày 1/9.
Tuy vậy, theo giới chuyên gia, để bay thẳng đến Mỹ thì điều kiện quan trọng và tiên quyết nhất là phải có Chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Việt Nam đã đạt được CAT1 từ năm 2019 và đang chờ Mỹ cấp thương quyền bay. CAT1 giúp xóa bỏ những rào cản ngặt nghèo về tiêu chuẩn an toàn và năng lực giám sát của hàng không Liên bang. Tuy nhiên, đây là công nhận của FAA với nhà chức trách, còn với hãng bay lại là một quy trình khác, với rất nhiều thủ tục pháp lý vô cùng phức tạp.
Ngoài kế hoạch bay đến Mỹ, ông Trịnh Văn Quyết còn chia sẻ đang có kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) Bamboo Airways tại Mỹ trong quý III. Hãng hàng không này dự kiến chào bán 5-7% cổ phần, kỳ vọng thu về 200 triệu USD, theo Reuters.